Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư các Chương trình Mục tiêu quốc gia

01/11/2022 08:26 AM


Tính đến ngày 15/10/2022, tỉnh Lâm Đồng thực hiện giải ngân các Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được 100,7 tỷ đồng, đạt 24,7% kế hoạch tổng thể và 60,4% kế hoạch giải ngân từ nguồn ngân sách địa phương. So với cả nước, Lâm Đồng không nằm trong số những địa phương có tiến độ giải ngân chậm, nhưng UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng còn lại của năm để quyết tâm giải ngân hết số vốn được giao vào ngày 31/1/2023.
 
Vùng nông thôn mới bên bờ sông Đạ Dâng (Lâm Hà). Ảnh: Phương Nam
Vùng nông thôn mới bên bờ sông Đạ Dâng (Lâm Hà). Ảnh: Phương Nam
 
Ngay sau khi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết, các quy định của các cấp và đã giao kế hoạch trung hạn và phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh.
 
UBND tỉnh cũng đã tổ chức 2 hội nghị triển khai kế hoạch thực hiên 3 CTMTQG và đẩy nhanh công tác giải ngân vốn; chủ động làm việc với 12 huyện, thành phố để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm phấn đấu giải ngân 100% vốn được giao. Đồng thời, phân công lãnh đạo UBND cấp huyện thường xuyên theo dõi, chỉ đạo từng dự án cụ thể để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, đặc biệt là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công; lập kế hoạch, biểu đồ thực hiện và giải ngân từng dự án cụ thể; chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, làm thủ tục giải ngân ngay khi có khối lượng thi công hoàn thành; xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công… 
 
Tổng số vốn đầu tư công thực hiện các CTMTQG 9 tháng đầu năm 2022 được phân bổ là trên 408,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 241,8 tỷ đồng, đối ứng ngân sách địa phương 166,5 tỷ đồng. Giải ngân đến ngày 15/10/2022 đạt 100,7 tỷ đồng, đạt 24,7% kế hoạch (ngân sách Trung ương chưa giải ngân) và đạt 60,4% kế hoạch từ nguồn ngân sách tỉnh. Cụ thể, CTMTQG xây dựng nông thôn mới có số vốn bố trí năm 2022 là 281,1 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh 150 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương 131,1 tỷ đồng), đến ngày 15/10/2022 giải ngân 100,7 tỷ đồng, đạt 35,8% kế hoạch; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 có số vốn bố trí năm 2022 là 126,1 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương 1097 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh 16,4 tỷ đồng) chưa giải ngân do các địa phương, các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đầu tư; còn CTMTQG giảm nghèo bền vững, có số vốn bố trí năm 2022 là trên 1 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương 931 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh 140 triệu đồng), chưa giải ngân do chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
 
Có những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ tổ chức thực hiện các CTMTQG các tháng cuối năm 2022. Đó là, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG Trung ương giao chậm, việc phân bổ vốn phải thực hiện theo đúng Luật Ngân sách, Luật Đầu tư và các quy định khác có liên quan nên phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; việc thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn khác của các bộ chủ quản… nên hầu hết các địa phương, các chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, do đó khó hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 9/8/2022.
 
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh toán khối lượng; các sở, ngành, UBND cấp huyện đẩy nhanh công tác thẩm định hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Các chủ đầu tư cần xây dựng bảng tiến độ thực hiện dự án, lộ trình giải ngân vốn cụ thể của từng dự án; bám sát tiến độ trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ đề ra…
 
NHẬT QUÂN

Báo Lâm Đồng