Nông dân trồng ớt bằng công nghệ sinh học

17/10/2022 09:01 AM


Lạc Lâm, vùng đất của những cánh đồng rau bát ngát thuộc huyện Đơn Dương hiện đang là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Nhiều nông dân đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, một nông hộ tiên phong chọn hướng trồng ớt bằng công nghệ sinh học.
 
Anh Bùi Thành An quan sát mật độ nhện Ambly-S trong vườn ớt
Anh Bùi Thành An quan sát mật độ nhện Ambly-S trong vườn ớt
 
Ông Bùi Ngọc Cung là một thành viên của Hội Nông dân xã Lạc Lâm. Ở thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, ai cũng biết ông Cung nổi tiếng về trồng cây ớt ngọt. Ớt ngọt là loại cây trồng khá đặc biệt. Đó là phải trồng trên giá thể, môi trường kín, cách ly khỏi khí hậu xung quanh. Ông Cung hiện đang là nông hộ trồng ớt ngọt lớn nhất thôn Lạc Thạnh với 1 ha nhà kính đạt chuẩn.
 
Thăm vườn ớt ngọt nhà ông Bùi Ngọc Cung, khách hàng trầm trồ bởi việc đầu tư rất bài bản. Nhà kính được làm cao, hàng dãy ớt chạy dài cùng hệ thống tưới tự động cắm vào từng gốc ớt. Ớt được trồng trên giá thể, nền vườn phủ bạt trắng, đảm bảo không có cỏ cũng như các cây dại ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây. Không chỉ thế, ông còn đầu tư hệ thống quạt biến tần, giúp không khí trong vườn ớt được lưu chuyển thường xuyên, tránh tình trạng không khí tù hãm, đồng thời giảm nhiệt độ trong vườn hiệu quả. Ông Bùi Ngọc Cung cho biết, vườn ớt của ông được canh tác hoàn toàn bằng các bộ điều khiển tự động như hệ thống tưới tự động, bộ châm phân tự động. Ông Cung chia sẻ: “Trồng cây ớt trên giá thể vừa dễ và vừa khó. Vì trồng trên giá thể nên có thể điều chỉnh được hầu hết điều kiện sinh dưỡng của cây trồng như độ pH, lượng dinh dưỡng... Tôi nhận thấy với cây ớt trồng trên giá thể, dinh dưỡng và nước rất quan trọng. Nước phải sạch chuẩn. Trước khi dùng nước tưới, gia đình đã phải đi phân tích nước, đặc biệt chú ý đến độ pH”.
 
Để đảm bảo nước tưới đạt chuẩn và giá thể phù hợp với cây ớt, ông Bùi Ngọc Cung đã lắp đặt một hệ thống máy trung hòa pH. Nước tưới được chạy qua máy trung hòa pH, giữ nước đạt độ pH chuẩn từ 5.8 - 6.2, độ pH hợp nhất với cây ớt. Theo ông Cung, độ pH thấp hoặc cao đều không tốt, cây không hấp thu được nguồn trung vi lượng trong dinh dưỡng, sẽ phát triển kém, năng suất không tốt, trái không đạt chuẩn thị trường yêu cầu. Về dinh dưỡng, cây ớt cũng đòi hỏi lượng dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Vì vậy ông luôn điều chỉnh dinh dưỡng theo từng mức độ phát triển của cây, từ giai đoạn cây non, trưởng thành, ra hoa kết trái. Dinh dưỡng được đưa vào cây theo hệ thống tưới tự động. Ông Cung tưới ớt một ngày tới 9 lần. Vào ngày nắng gắt, ông có thể tưới 12 - 13 lần. Theo ông, cây ớt cần độ ẩm nhưng không được úng nước, sẽ gây bệnh thối rễ. Vì vậy, ông tưới nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần lượng nước tưới rất ít để đảm bảo không dư thừa nước cũng như lãng phí dinh dưỡng bón cho cây.
 
Cây ớt chịu ảnh hưởng nhiều từ sinh vật gây hại và các loại nấm. Điều khá đặc biệt tại vườn một nông dân như ông Bùi Ngọc Cung ở đặc điểm ông hết sức hạn chế sử dụng thuốc trừ côn trùng hóa học. Thay vào đó, ông là một trong những nông hộ đầu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại. Cụ thể, ông Cung đã hợp tác với Dalat Hasfarm, mua và thả một lượng lớn thiên địch Ambly-S vào vườn ớt. Con trai ông Cung, anh Bùi Thành An, một nông dân trẻ chia sẻ: “Cây ớt chủ yếu là bị bọ trĩ gây hại. Vì vậy, khi trồng ớt được 30 ngày, gia đình sẽ treo gói thiên địch Ambly-S lên cây ớt. Nhện Ambly-S sẽ tự trèo lên cây, ăn thịt bọ trĩ. Dùng Ambly-S để quản lý sinh vật gây hại có mức giá tương đương dùng thuốc diệt bọ trĩ nhưng ưu điểm là sản phẩm an toàn với người sử dụng và cả nông dân”. Anh An cũng chia sẻ, quan trọng nhất là nông dân phải chú trọng tới thăm vườn mỗi ngày, nắm bắt tình hình sinh trưởng cây trồng để có hướng chăm sóc, điều chỉnh thích hợp. Khi thả thiên địch, nông dân phải quan sát hàng ngày để xem xét mật độ, có bổ sung đúng lúc, đảm bảo luôn đủ nhện Ambly-S xử lý bọ trĩ. 
 
Ông Lưu Vũ Trường Dung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Lâm đánh giá, hộ ông Bùi Ngọc Cung là nông dân sản xuất giỏi, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào canh tác. Hướng canh tác ớt bằng công nghệ sinh học của ông Bùi Ngọc Cung đã giúp nhiều nông hộ trong xã ý thức được hiệu quả của thiên địch trong trồng trọt, từ đó giảm dần lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đây là hướng canh tác mới, hiệu quả với nông dân, đảm bảo cây trồng phát triển tốt, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
 
DIỆP QUỲNH

Báo Lâm Đồng