Biến nỗi đau chiến tranh thành động lực thời bình

30/08/2022 07:58 AM


50 năm đã qua đi nhưng trong ký ức của mỗi người chiến sĩ từng gia chiến đấu chiến trường Thành cổ Quảng Trị vẫn còn vẹn nguyên. Nơi đó có ký ức, có tự hào, có đau thương và bom đạn, máu xương đồng đội đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
 
Ông Lê Trung Tính (bìa phải) thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp mặt để gắn kết hội viên, duy trì hoạt động của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng
Ông Lê Trung Tính (bìa phải) thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp mặt để gắn kết hội viên, duy trì hoạt động của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng
 
• KÝ ỨC 81 NGÀY HÈ ĐỎ LỬA
 
“Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ. Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ. Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về”… 
 
Những lời ca, câu hát cũng như những kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt vẫn vang vọng trong lòng những hội viên của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng dẫu cuộc chiến đã lùi xa tròn nửa thế kỷ.
 
“Thấm thoắt đã 50 năm. Làm sao mà quên được khi chứng kiến những đồng đội, đồng chí của mình ngã xuống ngay trước mắt…”, câu chuyện của chúng tôi gián đoạn bởi những nghẹn ngào trong lòng ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng. Đôi lúc, ông quay mặt mình sang hướng khác để che giấu những giọt nước mắt cho người đối diện.
 
Chẳng gì bằng việc nghe những câu chuyện kể trực tiếp từ người trong cuộc. Mấy mươi năm, sự tàn khốc của chiến tranh vẫn hiện rõ trong từng lời nói. Ông Lê Trung Tính khi đó là chiến sĩ thông tin thuộc tổng đài A30, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Nhiệm vụ là truyền tải mệnh lệnh cho các đơn vị chiến đấu và ngược lại. 
 
Tổ thông tin của ông Tính khi đó chỉ có 3 người, suốt 81 ngày đêm bền bỉ, kiên cường, bám dây, bám máy, dù bị thương vẫn cố gắng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thông tin của các quân chủng, binh chủng, các lực lượng, nối liền hậu phương với tiền tuyến, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
 
“Sau đó, tôi được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba. Nhưng tôi nghĩ chiến công ấy xứng đáng dành cho những người đồng đội đã không tiếc máu xương của mình cho Tổ quốc. Chứng kiến những người đồng đội vì cứu mình mà ngã xuống dưới nòng súng kẻ thù khi đang tìm cách lôi tôi lên khi bị bom vùi, vết thương lòng này chẳng thể nào quên”, ông Tính xúc động kể lại. 
 
Có những con số không quên nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến. Rằng trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), địch thả 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Dữ dội nhất là ngày 25/7/1972, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom từ máy bay.
 
“Đồng đội tôi khi đó còn trẻ lắm, nhiều người mới mười tám, đôi mươi từ Hà Nội, Hà Tây vào. Dưới màn bom đạn, chúng tôi nhiều lần phải chứng kiến vào xác đồng đội trôi trên sông ra cửa biển, ngay trước mắt mình mà không thể làm gì được. Hỏi rằng có sợ không, sợ chứ. Chẳng ai có thể bình tĩnh trước sự ra đi của đồng đội, ngay trước mắt mình như thế nhưng phải nuốt nước mắt tiếp tục nhiệm vụ”, ông Phạm Ngọc Tính - Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 chia sẻ.
 
• HÁT CHO ĐỒNG ĐỘI TÔI NGHE
 
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông Lê Trung Tính cùng với các thành viên của Hội đều tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa. Đi qua sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo, Căn cứ Làng Vây… những ký ức liên tục gợi về. Dù rằng bóng dáng chiến trường xưa không còn, thay vào đó là một sắc màu tươi mới cùng với các công trình hiện đại, khang trang theo nhịp phát triển của xã hội nhưng vẫn khiến những trái tim bồi hồi.
 
Trong số 88 hội viên, gồm cả hội viên chính thức và hội viên danh dự thăm lại chiến trường xưa dịp hè vừa qua, có 22 thành viên của đội tuyên truyền văn hóa văn nghệ. Đây là đội hình đảm nhận nhiệm vụ biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc trong những sự kiện quan trọng của Hội, của địa phương kiêm nhiệm vụ tiêu binh.
 
Cũng trải qua những khốc liệt của chiến tranh nên cựu chiến binh Vũ Đại Dương - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Thôn 2, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh cũng không giấu nổi xúc động khi được tham gia biểu diễn văn nghệ trong không khí hào hùng tại buổi lễ tưởng niệm các anh hùng đã anh dũng hi sinh dưới bầu trời Bình Trị Thiên năm nào. Bởi với cá nhân ông, dù là ở chiến trường nào thì tất cả đều là đồng đội, đồng chí của mình.
 
“Chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của những người ở lại hôm nay dành cho đồng đội của mình. Thật sự có những câu chuyện khiến mình không cầm được nước mắt. Đây cũng là một trong những hành trình ý nghĩa mà tôi may mắn được đồng hành, được đóng góp lời ca tiếng hát cho những người đồng chí, đồng đội”, ông Dương chia sẻ.
 
Trong chiến tranh, mọi điều dường như chẳng thể nói trước. Thế nên, khi hòa bình lặp lại, mỗi cựu chiến binh lại mang trong mình một lời hứa, cũng là để nhắc nhớ về những ân tình, để coi đó trở thành động lực vươn lên trong cuộc sống. “Mình sống được đến ngày hôm nay là nhờ công ơn của những người đồng chí, đồng đội mình đã ngã xuống. Tôi đã hứa với những người đồng đội đã ngã xuống thì mỗi năm tôi sẽ mang nén tâm nhang ra thắp cho các anh em. Nay có thêm những người anh em, những người bạn đem theo lời ca, tiếng hát cho vong linh đồng đội”, ông Lê Trung Tính nói.
 
 XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI NHƯ MỘT MÁI NHÀ CHUNG
 
Tháng 4/2019, sau một thời gian hoạt động dưới hình thức của một ban vận động, Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng chính thức được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập. Kỳ đại hội đầu tiên ngay sau đó đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 9 đồng chí, đề ra điều lệ, phương hướng hoạt động của hội. 
 
Sau 3 năm thành lập, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng hiện có 195 hội viên. Mỗi năm, số lượng hội viên liên tục được tăng lên. Từ 60 hội viên ban đầu, nay Hội đã thành lập 12 chi hội trực thuộc, gồm 4 chi hội cấp huyện, thành phố gồm Đà Lạt, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, 7 chi hội xã thuộc huyện Di Linh và duy trì hoạt động của đội tuyên truyền văn hóa văn nghệ gồm 22 thành viên.
 
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hội cũng là người có ý tưởng nung nấu ý định thành lập và tự mình tìm cách liên hệ với Hội Cựu chiến binh các địa phương. Ban đầu chỉ gói gọn trên địa bàn huyện Di Linh, sau đó qua thông tin được phát đi trên đài phát thanh, truyền hình, lần lượt có thêm người liên hệ với ông. 
 
“Việc thành lập hội đúng với niềm mong mỏi của rất nhiều người nên số lượng hội viên tăng lên rất nhanh. Chúng tôi là tổ chức hội tự nguyện, động viên nhau phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ khi về với đời thường, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của quê hương”, ông Lê Trung Tính chia sẻ.
 
Việc thành lập được hội đã khó, việc duy trì hoạt động và để trở thành mái nhà cho hội viên càng khó khăn hơn. Bởi hiện nay, đa phần hội viên đều là những cựu chiến binh lớn tuổi, nhiều người sau những di chứng của chiến tranh, sức khỏe đã suy yếu. Bên cạnh đó, hoàn cảnh kinh tế của một số hội viên còn gặp nhiều khó khăn. Hội đã đứng ra vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm để hỗ trợ về vật chất, tinh thần và đặc biệt là xây dựng những căn nhà nghĩa tình đồng đội để trở thành niềm động viên, an ủi trước những khó khăn. 
 
Chính những tình cảm đó đã khiến những người cựu chiến binh hôm nay không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho con cháu mà nhiều người cũng trở thành những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Mỗi hội viên cũng mang trong mình lời hứa phải duy trì thật tốt các hoạt động, xây dựng tổ chức hội phát triển để góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các thế hệ hôm nay về lịch sử đấu tranh vẻ vang trong cuộc chiến giành độc lập của dân tộc.
 
HỒNG THẮM
,
FacebookTwitterInEmailPinterestThêm...

Báo Lâm Đồng