Bài 2: “Đỏ mắt” tìm kiếm cán bộ người DTTS chất lượng

29/08/2022 08:04 AM


Bộ máy Nhà nước của tỉnh Lâm Đồng vẫn luôn cần những cán bộ nói chung và cán bộ người DTTS nói riêng có đủ tâm và tầm. Các cơ quan, đơn vị vẫn đang “đỏ mắt” tìm kiếm cán bộ người DTTS đủ tiêu chuẩn.
 
Dù trong hay ngoài cơ quan nhà nước, nhà tuyển dụng vẫn luôn mong muốn tìm kiếm những người có trình độ, năng lực và ý chí
Dù trong hay ngoài cơ quan nhà nước, nhà tuyển dụng vẫn luôn mong muốn tìm kiếm những người có trình độ, năng lực và ý chí
 
 KHÔNG VƯỢT QUA ĐƯỢC CÁC KỲ TUYỂN DỤNG
 
Những năm qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Nội vụ, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã đăng ký chỉ tiêu xét tuyển người DTTS để đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Tuy nhiên tỷ lệ người đồng bào DTTS trúng tuyển ở các kỳ thi tuyển rất thấp. 
 
Theo ông Đàm Minh Tuấn, các chỉ tiêu đặt ra chưa đạt do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do 5 năm vừa qua, biên chế giảm bình quân tối thiểu 10%. Bởi vậy không có biên chế dôi dư để tuyển dụng, nhất là ở các sở, ban, ngành. Trong cơ chế thi tuyển, đối tượng thí sinh là người đồng bào DTTS có điểm ưu tiên, tuy nhiên điểm ưu tiên sẽ được cộng với điều kiện các em đạt 50 điểm trở lên, vì vậy khi các thí sinh người DTTS tham gia các kỳ thi tuyển dụng chung của tỉnh thì thường các em không đạt đủ điểm để được cộng điểm ưu tiên. Không chỉ ở những vị trí có sự cạnh tranh cao, mà thậm chí ở những vị trí không có sự cạnh tranh nào nhưng các em vẫn không vượt qua được kỳ thi như các vị trí ở ngành Kiểm lâm… Còn về chủ quan, do sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc tuyển dụng cán bộ là người DTTS chưa đúng mức. Sở Nội vụ cũng chưa có những tham mưu quyết liệt, hiệu quả để thực hiện chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, việc các em lựa chọn ngành học chưa thực sự phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng dẫn đến tình trạng này. Cùng với đó là  sự nỗ lực của các em chưa thật sự cao. Như trong năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Lâm Đồng tổ chức đợt xét tuyển riêng cho con em người đồng bào DTTS, có 14 chỉ tiêu, song trong đó có 3 em không tham gia thi. 
 
Đây cũng đang là vấn đề vướng mắc đặt ra mà các địa phương chưa tìm được lối đi hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Huy Thắng - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đam Rông chia sẻ: “Năm 2021, UBND huyện Đam Rông tuyển 6 vị trí công chức. Có 10 hồ sơ dự thi, trong đó có 4 hồ sơ của con em người đồng bào DTTS. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 1 thí sinh người DTTS vượt qua được vòng 1, song tới vòng 2 vẫn không đủ điểm đậu. Đây cũng không phải lần đầu tình trạng như vậy diễn ra, bởi vậy dù rất nỗ lực, song cho đến nay Đam Rông chỉ mới tuyển được 9/18 chỉ tiêu công chức người DTTS ở cấp huyện, 64/109 công chức người DTTS cấp xã và 215/416 viên chức người DTTS ở các đơn vị sự nghiệp.
 
Ngoài chuyện không vượt qua được các kỳ tuyển dụng, trực tiếp trao đổi với các trường hợp bỏ thi tuyển, chúng tôi nhận được nhiều lý do khác nhau. Đơn cử như anh K’Sơn trú tại xã Tân Châu, huyện Di Linh, năm 2021 anh là 1 trong 5 trường hợp bỏ thi tuyển công chức huyện vì  lý do sức khoẻ. Còn trường hợp chị Ka Hoa ở Thôn 3, xã Tân Thượng cũng bỏ thi đợt này do con bị ốm. Một số trường hợp bỏ thi ở các địa bàn khác khi cán bộ phụ trách nội dung này của các địa phương liên lạc để tìm hiểu lý do không tham gia thi tuyển thì có nhiều câu trả lời khác nhau. Thậm chí có cả những lý do như: “không thích nữa”, “làm việc khác”, “bận việc”…Trong khi đó,  tại các đợt tiếp xúc cử tri, bà con vẫn luôn có ý kiến về việc con em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về không có việc làm.
 
 PHƯƠNG ÁN CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
 
Trao đổi thêm về vấn đề này, tại huyện Di Linh, ông Nguyễn Hồng Ngoại - Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: Là địa bàn có 36% dân số là người đồng bào DTTS, song với số lượng dân cư đông, hiện số lượng người DTTS sinh sống trên địa bàn huyện Di Linh đang cao nhất tỉnh. Bởi vậy, chính quyền địa phương rất quan tâm tới việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Liên tục từ năm 2012 đến nay, huyện đều thực hiện việc tuyển dụng, số lượng đăng ký cũng khá lớn, song việc chuyên ngành học không phù hợp, các em thi không đủ điểm để cộng điểm ưu tiên, thi nhiều lần không đậu, thậm chí bỏ thi… dẫn đến  lượng cán bộ người DTTS trên địa bàn hiện đang thiếu. Việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và khích lệ tinh thần các thí sinh ứng tuyển trước mỗi kỳ tuyển dụng được huyện Di Linh quan tâm thực hiện. Đồng chí K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh còn trực tiếp động viên con em người đồng bào DTTS trên địa bàn trước mỗi kỳ tuyển dụng. Song cho đến nay, dù đã rất nỗ lực, song tỷ lệ con em đồng bào DTTS trúng tuyển trong các kỳ tuyển dụng vẫn chưa đạt tỷ lệ như mong muốn. Đặc biệt, huyện Di Linh vừa tiến hành tuyển dụng đặc biệt đối với 2 cán bộ xã đủ điều kiện tuyển dụng thành công chức cấp xã, hình thức là phỏng vấn sát hạch. Trong đó có trường hợp của chị Ka Mhi - Bí thư Đoàn xã Gia Bắc, có thời gian làm cán bộ trên 5 năm, có trình độ chuyên môn Đại học, chuyên ngành Luật Kinh tế phù hợp với chức danh công chức văn hoá - xã hội xã theo điểm đ, khoản 2, Điều 4 Quyết định 35 ngày 8/10/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Và huyện Di Linh vẫn đang tiếp tục thực hiện tuyển dụng đặc biệt cho một trường hợp tương tự trong thời gian tới.
 
Còn tại huyện Lạc Dương, tính đến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS là 61 người, đạt 50,41%, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, ở cấp huyện, chỉ có 7/76 cán bộ công chức người DTTS, chiếm tỷ lệ 9,21% và 171/559 viên chức, chiếm tỷ lệ 30,59%. Những con số này chưa đạt chỉ tiêu được giao. Ông Đoàn Quang Giao - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lạc Dương thông tin, so với tổng số biên chế được giao năm 2022, hiện Lạc Dương còn trống 13 công chức. Để tăng cường số lượng cán bộ người DTTS trong bộ máy, địa phương đã có những vị trí chỉ tuyển dụng con em người DTTS. Tuy nhiên, do các em không đạt tiêu chuẩn đầu vào về bằng cấp nên việc tuyển dụng gần như không thực hiện được. Hoặc có trường hợp bằng cấp đạt tiêu chuẩn song thi tuyển không đỗ hoặc có trường hợp bỏ thi. Bởi vậy, cho đến nay, địa phương vẫn đang loay hoay trước vấn đề này, nhất là trong thời điểm thực hiện tinh giản biên chế, lượng công việc bị dồn lại và không có đủ nhân sự để làm nhiệm vụ.
 
Để có những cải thiện tích cực, ông Đàm Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh để quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nội dung này. Đơn cử như việc chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương rà soát lại những chỉ tiêu biên chế còn lại cần tuyển dụng thì bắt buộc phải đăng ký tuyển cán bộ là con em người DTTS phù hợp về bằng cấp chuyên môn và vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng. Để trường hợp vị trí đó có xảy ra cạnh tranh thì cũng chỉ cạnh tranh trong con em vùng đồng bào DTTS, như vậy khả năng tuyển dụng được sẽ cao hơn trong kỳ thi sắp tới dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. 
 
Đối với con em vùng đồng bào DTTS có nguyện vọng công tác trong các cơ quan nhà nước phải đảm bảo chuẩn về bằng cấp chuyên môn, có ý thức trau dồi kiến thức, tuân thủ kỷ luật và có ý chí phấn đấu, vươn lên.
 
Còn các địa phương tiếp tục nỗ lực để định hướng, tạo nguồn, động viên, hỗ trợ nhằm có đội ngũ kế cận đủ sức vượt qua các kỳ thi tuyển. Riêng các địa phương có đông đồng bào DTTS như Lạc Dương, Đam Rông… để thực hiện được nhiệm vụ này bắt buộc phải có lộ trình  phù hợp với nhiệm vụ tinh giản biên chế.
 
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số trên 1,3 triệu dân ở Lâm Đồng. Và việc tinh gọn bộ máy vẫn đang được tiến hành. Nên cánh cửa hẹp càng thêm hẹp. Với xu thế của sự phát triển, hội nhập, nhiều “cánh cửa” khác đang rộng mở. Dù trong hay ngoài cơ quan Nhà nước, nhà tuyển dụng vẫn luôn mong muốn tìm kiếm những người có trình độ, năng lực và ý chí. Và ở bất cứ vị trí công việc nào, quyền lợi luôn đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ. Thành quả luôn có được sau chông gai.
 
NGỌC NGÀ

Báo Lâm Đồng