Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc người có công

02/08/2022 09:09 AM


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh - liệt sĩ (TB-LS) và công tác chăm sóc người có công (NCC) với cách mạng. 75 năm qua, tư tưởng, tình cảm và những lời căn dặn của Người đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện, biểu thị sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
 
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ phải bằng những việc làm thiết thực
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ phải bằng những việc làm thiết thực
 
Tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ dành cho TB-LS thể hiện nhất quán trong nhiều bài nói, bài viết, trong hành động và việc làm của Người. Tư tưởng, tỉnh cảm của Bác đối với TB-LS thấm đẫm tính nhân văn và đạo lý truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; ghi ơn những con người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân.
 
Nói về TB-LS, Bác không nói chung chung mà đưa ra định nghĩa ngắn gọn, đầy đủ, sâu sắc. Đối với TB, Bác nói:“Thương binh là những người ưu tú hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ấy đã chịu ốm yếu, què quặt.”. Về LS, Bác viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
 
 Với sự quan tâm đặc biệt đối với TB-LS, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước; đồng thời thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt; dù bộn bề công việc của cách mạng, Bác vẫn dành sự quan tâm đến TB-LS. Ngày 16/02/1947, Bác đã ký Sắc lệnh số 20/SL Về chế độ hưu bổng thương tật đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là văn bản đầu tiên, quan trọng của Bác Hồ và Đảng ta về chính sách TB-LS và NCC.
 
Đến tháng 6/1947, Bác Hồ chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để Nhân dân bày tỏ lòng hiếu kính đối với TB, gia đình LS và những NCC với đất nước. Thực hiện chỉ thị của Người, tại Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, (Thái Nguyên) đã bàn bạc và đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Đến năm 1955, ngày 27/7 được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.
 
Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày 27/7 là dịp tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân với các TB, thân nhân và gia đình LS, những người đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đền ơn đáp nghĩa là “nghĩa vụ của Nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc làm phúc”. Vì “thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào” cho nên “bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. 
 
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đền ơn đáp nghĩa là sự nghiệp lâu dài, là trách nhiệm của mọi người, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phải gắn với từng đối tượng cụ thể. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống của Nhân dân, những anh hùng LS, những TB, bệnh binh đã hy sinh tính mạng, xương máu của mình, vậy nên đền ơn đáp nghĩa phải được thực hiện thường xuyên, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cả khi đất nước có chiến tranh cũng như trong hòa bình...
 
Xuất phát từ lòng thương người đã hình thành quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng giúp đỡ TB không mang ý nghĩa nhất thời mà phải lâu dài, cơ bản. Người nhấn mạnh: Để Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, có hiệu quả và thiết thực, toàn Đảng, toàn dân phải vinh danh, ghi nhận công lao to lớn của TB-LS và làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. 
 
Đặc biệt, Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
 
Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta.
 
Đối với cha mẹ, vợ con (của TB-LS) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”…
 
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và lời dạy của Bác, suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về “đền ơn đáp nghĩa”, công tác NCC. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng chỉ rõ phải: “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng...”. Đại hội VII tiếp tục khẳng định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân...”. Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc NCC; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội”. 
 
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định:“Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với NCC trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm NCC và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên...”.
 
Thể chế hóa quan điểm của Đảng, ngày 18/6/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi NCC lần thứ ba. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng; Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 25/01/2016 về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC...
 
Có thể thấy, trong mọi hoàn cảnh lịch sử của cách mạng, công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đã và đang thực hiện chu đáo bằng tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với TB-LS và NCC với đất nước...
 
THANH DƯƠNG HỒNG

Báo Lâm Đồng