''Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ''

05/07/2022 02:03 PM


Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bảo Lâm đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất, giỏi một việc - biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác (ĐTCS), với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
 
Trao giấy khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện TDCS đối với người nghèo và các ĐTCS khác trên địa bàn huyện Bảo Lâm
Trao giấy khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện TDCS đối với người nghèo và các ĐTCS khác trên địa bàn huyện Bảo Lâm
 
Cùng với đội ngũ 14 cán bộ - lao động chuyên trách của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lâm, còn có trên 120 cán bộ thuộc các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, 247  Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động tại tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện một cách nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm. Phương thức ủy thác qua Hội đoàn thể khẳng định vai trò của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong việc tham gia bình xét đối tượng cho vay từ cơ sở, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay; phối hợp cùng với Hội đoàn thể và Tổ TK&VV xử lý các tồn tại, vướng mắc tại cơ sở,... góp phần rất lớn vào hiệu quả hoạt động TDCS trên địa bàn. Toàn huyện có 247 Tổ TK&VV, hoạt động đều khắp ở 131 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện; chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV luôn được đánh giá đạt loại tốt/ khá, không có tổ vay vốn trung bình, yếu, kém (đến 31/5/2022 có 239/247 tổ xếp loại tốt, chiếm tỉ lệ 96,76%; 8/247 tổ khá, chiếm tỉ lệ 3,24%).
 
Điểm giao dịch xã được cấp ủy và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, cũng góp phần đưa nguồn vốn về tận cơ sở, giảm chi phí đi lại cho người dân; đồng thời, thực hiện tốt việc công khai, dân chủ trong hoạt động TDCS, với trên 98% các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến TDCS như: thu nợ, thu lãi, cho vay, huy động vốn, tiếp công dân... đều được thực hiện tại Điểm giao dịch xã và phát huy hiệu quả, khẳng định tính ưu việt trong xây dựng hệ thống mạng lưới hoạt động tín dụng gần dân để phục vụ Nhân dân…
 
Tính đến 31/5/2022, tổng nguồn của NHCSXH huyện Bảo Lâm đạt trên 507,2 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với lúc nhận bàn giao (năm 2003 là hơn 10,5 tỷ đồng); nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương là 28,9 tỷ đồng. NHCSXH huyện đang triển khai thực hiện cho vay 17 chương trình TDCS với doanh số cho vay đạt 1.262 tỷ đồng cho 66.756 lượt hộ nghèo và các ĐTCS khác được vay vốn (trong đó cho vay hộ nghèo là hơn 271,6 tỷ đồng, với 19.280 lượt hộ nghèo được vay vốn), doanh số cho vay bình quân mỗi năm là 63,1 tỷ đồng/ (3.338 lượt hộ vay vốn); tổng nguồn vốn cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể là 488,2 tỷ đồng, chiếm 99,92% trên tổng dư nợ toàn huyện; doanh số thu nợ đạt 773,3 tỷ đồng, tỉ lệ thu nợ đến hạn hằng năm đạt trên 99% số nợ đến hạn phải thu. Tổng dư nợ đến 31/5/2022 đạt 488,6 tỷ đồng, gấp 46,3 lần so với năm 2003. Hiện có 9.713 hộ đang được thụ hưởng vốn tín dụng chính sách/32.775 tổng số hộ dân (chiếm tỉ lệ gần 30%), trong đó có 4.006 hộ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn với dư nợ là 210,9 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 43,16%/ tổng dư nợ mà NHCSXH huyện đang thực hiện. 
 
Nguồn vốn TDCS trong 20 năm qua đã giúp cho 66.756 lượt hộ nghèo và các ĐTCS khác được vay vốn, có 10.800 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết cho 1.637 lao động có việc làm, hỗ trợ vốn vay cho 5.196 em học sinh, sinh viên được tiếp bước đến trường, gần 25.000 công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, cải tạo, 894 căn nhà được cải tạo, xây mới (884 căn nhà cho hộ nghèo xóa nhà tạm và 10 căn nhà cho vay đối tượng nhà ở xã hội). Nguồn vốn qua NHCSXH đáp ứng kịp thời, lãi suất thấp, thủ tục cho vay đơn giản, đã tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn phát huy hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, đời sống nâng lên rõ rệt.
 
Thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CT40) và chỉ đạo của các cấp, huyện Bảo Lâm đã tổ chức quán triệt CT40 đến các địa phương, NHCSXH huyện tổ chức tuyên truyền nội dung Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, Hội nhận ủy thác, Tổ TK&VV,… nhằm đưa thông tin đầy đủ, kịp thời tới các tầng lớp Nhân dân về nội dung của Chỉ thị. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn của TDCS. Từ khi thực hiện CT40, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện tăng 13,9 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến tháng 5/2022 đạt 15,7 tỷ đồng.
 
Đồng chí K’Lình - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Lâm đánh giá cao những nỗ lực và thành tích xuất sắc đạt được của tập thể và cán bộ NHCSXH và Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện Bảo Lâm trong 20 năm qua. Đồng chí Phó Bí thư khẳng định, NHCSXH huyện có nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang vì trực tiếp đóng góp trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và an sinh xã hội của huyện. Công tác xã hội hóa hoạt động NHCSXH đã huy động nguồn lực chính trị, xã hội cùng thực hiện các chương trình TDCS đã và đang từng bước cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ qua các nhiệm kỳ và các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của huyện. Cấp ủy và chính quyền huyện Bảo Lâm tin tưởng rằng, NHCSXH huyện phát huy những thành công, những kinh nghiệm trong 20 năm qua để tiếp tục phát triển các chương trình TDCS khác, góp phần vào sự nghiệp phát triển dân giàu, nước mạnh…
 

Báo Lâm Đồng