Khi cựu chiến binh vượt khó làm giàu

04/07/2022 10:44 AM


“Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” là phong trào được Hội CCB xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh luôn chú trọng triển khai gắn với thực hiện tốt các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội. Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều hội viên CCB vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
Là hội viên Hội CCB xã Quốc Oai, bà Đàm Thị Hới luôn cố gắng phấn đấu, tích cực làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình
Là hội viên Hội CCB xã Quốc Oai, bà Đàm Thị Hới luôn cố gắng phấn đấu, tích cực làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình
 
Ông Từ Trường Thái - Chủ tịch Hội CCB xã Quốc Oai cho biết: Đề án số 02 của Hội CCB tỉnh Lâm Đồng về “Phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2018 - 2022” được xem như là một giải pháp hữu hiệu định hướng cho tổ chức Hội cơ sở vững tin để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Với hướng đi đúng đắn, đến nay, hội viên Hội CCB xã Quốc Oai đã có nhiều cách làm ăn với đa dạng ngành nghề; qua đó mang lại hiệu quả thiết thực, xuất hiện nhiều hộ gia đình thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng với thu nhập cho mỗi năm hàng trăm triệu đồng. 
 
Điển hình là CCB Nguyễn Hữu Sáu (65 tuổi, thôn Hà Tây) luôn mang trong mình niềm hy vọng được xây dựng, cống hiến quê hương ngày càng giàu đẹp. Với quyết tâm của người lính năm xưa, ông không ngại khó, ngại khổ, từ 4 ha đất, ông Sáu trồng 2,5 ha sầu riêng, diện tích còn lại trồng cao su và điều. “Gia đình có 4 người con, đầu năm 2021, vợ chồng tôi đã quyết định chia đều 4 ha đó cho các con. Mặc dù hai vợ chồng cũng đã ngoài 60, nhưng tôi vẫn quyết định giữ lại 6 sào sầu riêng đã 10 năm tuổi để chăm sóc. Những năm gần đây, giá sầu riêng liên tục tăng cao, đặc biệt có thời điểm lên đến 65.000 đồng/kg bán tại vườn mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Cũng nhờ vậy mà ngày xưa, tôi có điều kiện nuôi con cái ăn học, xây dựng được nhà cửa khang trang, cũng như sắm sửa các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình và các phương tiện đi lại, phục vụ cho sản xuất...” - ông Sáu giãi bày.
 
Hay tại thôn Hà Phú với hơn 10 năm là hội viên Hội CCB, bà Đàm Thị Hới (62 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về hành trình làm kinh tế của bản thân từ giai đoạn làm ăn thua lỗ, đến lúc cuộc sống mỉm cười với gia đình khi 3 ha sầu riêng đến nay đã trở thành nguồn thu nhập chính. “Ngày trước, ở đây bà con trồng lúa, hay trồng mía để có thu nhập trong gia đình. Tuy nhiên, càng về sau này, giá cả lại càng thấp và đầu ra không ổn định. Đến năm 2005, tôi quyết định vay vốn từ Hội CCB xã, “lấy ngắn nuôi dài”, tôi bắt đầu chuyển dần qua trồng sầu riêng. Hiện, 3 ha đã được phủ kín với hơn 300 cây, cho thu nhập hơn 250 triệu đồng đã trừ chi phí”. 
 
Trong những năm qua, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong hội viên, Hội CCB xã đã chỉ đạo các chi hội tập trung thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm; mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với cán bộ Hội Nông dân, Ban Nhân dân thôn, liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức cho hội viên tham quan mô hình kinh tế, hộ sản xuất giỏi trong xã và ngoài xã. 
 
Song song với đó, Hội cũng đã xây dựng kế hoạch phân công cho tổ tiết kiệm và vay vốn; qua đó các chi hội có hội viên nghèo, cận nghèo đã xây dựng kế hoạch, lộ trình giúp đỡ cụ thể, phù hợp với điều kiện và khả năng của từng hộ để thoát nghèo. Đồng thời, động viên hội viên tham gia các lớp hội thảo, toạ đàm chuyển giao kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật về cây trồng, phân bón… để có kiến thức, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Hưởng ứng phong trào giúp nhau giảm nghèo trong hộ gia đình hội viên CCB giai đoạn 2016 - 2021, nhiều chi hội đã chủ động hướng dẫn cho hội viên nghèo làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm như sầu riêng, bưởi, chôm chôm...
 
Đồng hành cùng với hội viên trong 5 năm qua, các chi hội góp quỹ giúp nhau làm kinh tế. Đến nay, Hội đang quản lý nguồn quỹ gần 300 triệu đồng, tạo điều kiện cho 35 hội viên vay với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, trong thời gian qua, Hội đã xoá được 1 căn nhà tạm, sửa chữa được 1 căn nhà dột nát trị giá 125 triệu đồng, trong đó có 75 triệu từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, số còn lại do gia đình và hội viên trong Hội giúp đỡ. 
 
Cũng chính vì vậy, đến nay đã có 6/6 chi hội không có hội viên nghèo; trong đó hội viên có điều kiện kinh tế khá, giàu là 55 hội viên, chiếm 34,31%; số hội viên trung bình 105 hội viên, chiếm 65,6%; và hội viên cận nghèo còn có 2 hội viên, chiếm 1,2%.
 
Chủ tịch Hội CCB xã Quốc Oai Từ Trường Thái thông tin thêm: Để thực hiện tốt hơn nữa việc phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì Hội cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững. Cùng với việc triển khai những dự án, mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng; khuyến khích hội viên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; phát huy tính chủ động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, tiếp cận nhanh các chính sách mới đối với người nghèo…
 
THÂN THU HIỀN

Báo Lâm Đồng