Ba trụ cột phát triển kinh tế của Cựu chiến binh Lâm Đồng

20/06/2022 09:46 AM


Tinh thần tự lực tự cường; sự cảm thông - sẻ chia khó khăn với đồng đội; cùng vai trò dẫn dắt, điều hành của các cấp hội CCB - là ba trụ cột bền vững giúp Cựu chiến binh (CCB) Lâm Đồng vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch bệnh và biến động thị trường để đạt nhiều thành quả tích cực trong mặt trận kinh tế suốt thời gian qua. 
 
CCB học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh từ những buổi gặp mặt CLB doanh nhân CCB
CCB học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh từ những buổi gặp mặt CLB doanh nhân CCB
 
Trong công cuộc phát triển kinh tế, các CCB trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn xem ý chí tự lực tự cường, chủ động sáng tạo là yếu tố đầu tiên và tiên quyết để chiến thắng trong cuộc chiến xây dựng kinh tế. Tinh thần ấy thể hiện qua sự chủ động và sáng tạo trên cả ba phương diện: phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh lẫn bắt nhịp và đáp ứng với các xu hướng thị trường cùng tiến bộ khoa học công nghệ. 
 
Để nâng cao giá trị, năng suất và hiệu quả kinh tế, các cấp hội CCB Lâm Đồng đã vận động Hội viên đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển nông - lâm nghiệp. Áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi cây trồng được chú trọng. Theo ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh, các mô hình trồng rau, hoa, cây trái, cà phê, dâu tằm, chăn nuôi bò sữa, bò thịt... theo hướng VietGAP đã đạt được nhiều kết quả và trở thành nòng cốt trong việc nâng cao đời sống hội viên CCB. 
 
Song song với chuyển đổi cây trồng, các mô hình sản xuất, kinh doanh cũng được các hội viên tích cực áp dụng sáng tạo. Từ bỏ lề lối phát triển nhỏ lẻ, manh mún trước đây, nhiều CCB đã mạnh dạn mở rộng quy mô, mô hình sản xuất giúp giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm, qua đó giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tính riêng năm 2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.600 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ kinh doanh do CCB làm chủ, giúp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 7.000 lao động, kiến tạo doanh thu hơn 50 tỷ đồng và đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng tiền thuế”. 
 
Trong đó, nền tảng cho sự phát triển vượt bậc về số lượng doanh nghiệp cũng như doanh thu và lợi nhuận chính là sự chủ động nắm bắt xu hướng thị trường, sáng tạo áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo dựng lợi thế cạnh tranh và đầu ra cho sản phẩm. Tiêu biểu như CCB Đặng Văn Sửu (thị trấn Di Linh) với ngành nghề trang trí nội thất, ông Phạm Quốc Việt (Tân Nghĩa, Di Linh) với các sản phẩm cây cảnh độc đáo, hay ông Nguyễn Văn Thịnh (Phước Cát, Cát Tiên) với mô hình kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Các doanh nghiệp này không những đáp ứng nhu cầu địa phương mà còn tạo tiếng vang về sự độc đáo và sáng tạo với người tiêu dùng. 
 
Bước đầu gặt hái những thành công nhờ chủ động và sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh, những người lính năm xưa vẫn luôn sát cánh cùng đồng đội. Qua đó, hỗ trợ đồng đội thoát nghèo, chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh cấu thành trụ cột thứ hai cho tiến trình phát triển kinh tế CCB Lâm Đồng. 
 
Ông Vũ Công Tiến cho biết thêm, trong 5 năm qua, Hội đã hỗ trợ xây dựng mới hơn 120 căn nhà và sửa hơn 20 căn với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng cho các CCB khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, các thành viên của các CLB doanh nhân CCB đã đóng góp hơn 1,4 tỷ đồng, tạo nên nguồn vốn chi phí thấp để hỗ trợ cho hội viên thoát nghèo, phát triển sản xuất. Thông qua mô hình 5+1, các hội viên phát triển sản xuất - kinh doanh tốt đã đồng hành, giúp đỡ cho hội viên khó khăn về kỹ thuật, nguồn vốn và phương pháp sản xuất, cùng nhau thoát nghèo, làm giàu. Nhờ đó, tính đến giữa năm 2022, tỷ lệ CCB khá, giàu chiếm gần 60%, tỷ lệ hội viên nghèo chiếm chưa tới 1%. 
 
Tuy nhiên, để đạt được những thành tích đó không thể bỏ qua vai trò điều hành, dẫn dắt của Hội CCB tỉnh cũng như các cấp Hội trên địa bàn. “Vai trò lãnh đạo dẫn dắt này thể hiện trên các mặt xây dựng kế hoạch - chương trình hành động, huy động các nguồn lực, chính sách để hỗ trợ CCB làm kinh tế và giúp đỡ nhau làm kinh tế” - ông Tiến nói. 
 
Trong khuôn khổ chương trình hành động, các cấp hội CCB dự toán và tạo lập các nguồn vốn ưu đãi để thành viên yên tâm sản xuất - kinh doanh. Thông qua nguồn quỹ hơn 45 tỷ đồng của mình, các chi hội trên địa bàn tỉnh đã giúp cho gần 3.000 hội viên mượn vốn sản xuất giảm nghèo và thoát nghèo. Hội thường xuyên tư vấn cho hội viên khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cây trồng...
 
Nhằm tăng tính liên kết trong sản xuất kinh doanh và giao lưu học hỏi kinh nghiệm, Hội CCB tỉnh đã vận động và triển khai hiệu quả phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Hiện, 12 huyện, thành trên toàn tỉnh đều phát huy tính thiết thực của phong trào, tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong đông đảo hội viên CCB. Mặt khác, Hội cũng chủ động phối hợp với Hội CCB của các tỉnh, thành khác để tăng tính liên kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, cũng như giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm. 
 
Song, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn còn tồn tại. Sau khi đạt được một số thành quả nhất định, một số ít cán bộ, hội viên các cấp dường như chững lại, thiếu yếu tố quyết tâm đổi mới, đột phá làm cho hiệu quả thực hiện nhiệm vụ có lúc không kịp thời, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, tính đồng bộ và sáng tạo trong các phong trào, mô hình làm kinh tế còn hạn chế... Do vậy, thời gian tới, theo ông Vũ Công Tiến thì “CCB tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa tinh thần chủ động, tự lực - tự cường thông qua các hoạt động biểu dương, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả và tính sáng tạo cao; thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; và hơn hết là chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ”. 
 
NHẬT QUỲN

Báo Lâm Đồng