Lạc Dương và hướng đi tự chủ ngân sách

14/04/2022 04:13 PM


Xây dựng phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, tự chủ về ngân sách là mục tiêu huyện Lạc Dương đặt ra và tập trung thực hiện. Để hiện thực hoá điều này, huyện Lạc Dương đã xác định những bước đi cụ thể trong thu ngân sách Nhà nước, thu, chi ngân sách địa phương nhằm từng bước giảm tỷ lệ nhận trợ cấp của tỉnh.
 
Các hộ kinh doanh rau, hoa trên địa bàn góp phần quan trọng trong việc nộp thuế thu NSNN của huyện Lạc Dương.
Các hộ kinh doanh rau, hoa trên địa bàn góp phần quan trọng trong việc nộp thuế thu NSNN của huyện Lạc Dương.
 
 THU, CHI HIỆU QUẢ, ĐÚNG QUY ĐỊNH
 
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Lạc Dương, tổng thu NSNN thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 là 558,49 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 15,99% đạt và vượt dự toán tỉnh giao. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn này đạt 1.705 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 13,13%. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 là 1.625 tỷ đồng. Trong đó chi đầu tư phát triển là 416,42 tỷ đồng, chiếm 25,63% trong tổng chi NSĐP.
 
Theo đánh giá của huyện Lạc Dương, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Lạc Dương đã thực hiện công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định gắn liền với thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2020 và kế hoạch kinh tế - xã hội được HĐND huyện thông qua. Riêng năm 2021, tổng thu NSNN trên địa bàn huyện đạt trên 206 tỷ đồng, vượt 74,6% dự toán. Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, ông Phạm Triều khẳng định “đây là con số vô cùng ấn tượng. Là cơ sở quan trọng để địa phương đặt mục tiêu thu ngân sách tăng 20% mỗi năm. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, thu ngân sách đảm bảo chi thường xuyên và không phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh như hiện nay”.
 
Với lợi thế là một huyện gần Đà Lạt, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng đang phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện dự báo sẽ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu NSNN. Đồng thời, các hộ kinh doanh rau, hoa trên địa bàn huyện vẫn góp phần quan trọng trong việc nộp thuế, thu NSNN của huyện. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện cơ bản đã được hoàn thiện, các tuyến đường giao thông từ trung tâm thị trấn Lạc Dương đi các xã được đầu tư và xây dựng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của địa phương. Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện sẽ có thêm 4 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động góp phần tăng thu phí, lệ phí trên địa bàn huyện. Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất ở đô thị, nông thôn và thương mại dịch vụ dự kiến tăng trong giai đoạn 2021 - 2025 góp phần tăng thu tiền sử dụng đất của địa phương. Trên cơ sở đó, huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế hợp lý. Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đảm bảo các mục tiêu chung đề ra. Xây dựng huyện Lạc Dương phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện Lạc Dương trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
 
 LỘ TRÌNH TIẾN TỚI TỰ CHỦ NGÂN SÁCH
 
Huyện Lạc Dương dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tổng thu NSNN là 1.657 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 25,65%. Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 1.789 tỷ đồng.
 
Trên cơ sở xây dựng số dự kiến thu ngân sách Nhà nước, thu ngân sách địa phương và chi ngân sách địa phương huyện Lạc Dương phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện tự chủ về ngân sách. Lộ trình giảm tỷ lệ nhận trợ cấp của tỉnh cũng được địa phương này xác định rõ qua từng năm. Nếu như năm 2022, số kinh phí cấp tỉnh trợ cấp cân đối cho huyện là 181,31 tỷ đồng thì năm 2023 là 95,11 tỷ đồng, năm 2024 là 55,46 tỷ đồng và năm 2025, huyện Lạc Dương phấn đấu tự chủ ngân sách.
 
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Lạc Dương yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm đối với các khoản thu thuế, phí từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nông sản, du lịch và các khoản thu từ nhà, đất. Tập trung quản lý thu đảm bảo chặt chẽ, không để thất thu ngân sách. Cần tập trung nuôi dưỡng các nguồn thu và tạo nguồn thu mới để tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách; nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện giữa các ngành, đơn vị có liên quan đến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước để tối đa hóa nguồn lực của địa phương; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình nợ thuế, nợ đọng tiền sử dụng đất, phân tích làm rõ nguyên nhân và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để người nộp thuế duy trì, ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế; hỗ trợ doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử qua mạng…Cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị văn phòng; tiết kiệm triệt để, cắt giảm tối đa và công khai các khoản khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; kiểm soát cam kết chi phù hợp với quy định về quản lý vốn đầu tư công trung hạn trên địa bàn…
 
NGỌC NGÀ

Báo Lâm Đồng