Về nơi khơi nguồn đam mê sáng tạo

13/01/2022 08:24 AM


Trong một quán nhỏ tại xã nông thôn mới Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, thấy hai bạn trẻ đang sôi nổi về học tập, tôi tò mò hỏi ấn tượng của các cháu về việc học, một bạn nhanh nhẹn trả lời: “Hồi cấp 2, nhóm chúng cháu rất vui, bạn khá chung thì làm nhóm trưởng, bạn giỏi vẽ tới tiết mĩ thuật sẽ chủ họa, bạn giỏi tin thì đến mấy tiết khoa học công nghệ sẽ là huấn luyện viên của cả nhóm, có bạn sành món ăn, thức uống thì làm chủ xướng để làm nhóm vui hơn ạ”, bạn ngồi bên cạnh tiếp lời “Hồi lớp 8 cháu đã rất hứng thú và mở mang đầu óc trong quá trình mày mò làm đông các hợp chất để có sản phẩm khoa học Kẹo can xi làm từ vỏ trứng”. Khá bất ngờ với những tâm sự này, chúng tôi tìm về Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng - nơi hai bạn trẻ đã trải qua những năm tháng đáng nhớ của mình. 
 
Tập thể nhà trường đón nhận quỹ học bổng của The Dariu Foundation Vietnam.
Tập thể nhà trường đón nhận quỹ học bổng của The Dariu Foundation Vietnam.
 
Nằm trên Quốc lộ 20, ngôi trường có diện tích và cơ sở vật chất không lấy gì lớn này là đơn vị giáo dục gần 10 năm liền đạt tập thể lao động xuất sắc; năm năm gần đây, trường 1 lần được Bộ Giáo dục tặng bằng khen, 4 lần nhận cờ thi đua và bằng khen của UBND tỉnh về các thành tích xuất sắc bậc THCS trong toàn tỉnh; đặc biệt, năm học 2020-2021, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. 
 
Thời điểm mô hình “Trường học mới” vừa được Bộ Giáo dục triển khai thí điểm thì trường Quang Trung là một trong những trường THCS của tỉnh Lâm Đồng được chọn để áp dụng. Kể về chặng đường từ đó đến khi “Chương trình giáo dục tổng thể 2018” được thực hiện đại trà, Ban Giám hiệu nhà trường cho biết: “Cái khó nhất của việc áp dụng chương trình mới là ở chỗ làm thế nào để giáo viên, phụ huynh thấy được lợi ích rồi đồng thuận triển khai trong thời điểm có rất nhiều địa phương còn lúng túng, áp lực hoặc bỏ lơ”. Để vượt qua rào cản này, tập thể sư phạm nhà trường luôn phát huy tinh thần nêu gương, đầu tiên là Ban Giám hiệu phải chỉ ra được cái hay và xu hướng tất yếu của mô hình, sau đó thông qua các hội nghị chuyên môn, các chuyên đề, các tiết dạy thực nghiệm, Ban Giám hiệu sát cánh cùng giáo viên, thầy cô trải nghiệm cùng học trò. Tất cả từ khâu soạn giảng, dạy và học, rút kinh nghiệm đều chủ động và mang tính tập trung, dân chủ. Bên cạnh đó, cái khó thứ hai là với chương trình dạy học phát triển phẩm chất, năng lực, nếu lãnh đạo và thầy cô chỉ nắm chung chung quy trình của nó thì không những không phát triển được phẩm chất, năng lực mà còn có thể dẫn đến nguy cơ một bộ phận học sinh trở thành “người thừa” hoặc “ăn theo” bạn bè trong lớp. Về điều này, thầy Văn Đức Phương, hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định dạy học trong xu thế mới thì yếu tố quyết định là phải thay đổi cách dạy, bởi từ thay đổi cách dạy của thầy cô sẽ thay đổi cách học của học sinh, cách quản lý của nhà trường. Không những chú trọng chương trình chính khóa mà còn phải đa dạng và thiết thực các hoạt động ngoại khóa, để góp phần phát triển năng lực toàn diện cho các em, như hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục Steam, hoạt động nghiên cứu khoa học, hùng biện tiếng Anh, tiếng Việt, kể chuyện đầu tuần...”. Quả thực, đây chính là gốc rễ để tạo ra những thế hệ học sinh năng động, sáng tạo, là điểm tựa vững vàng cho trường khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ tthông mới (bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022). Chia sẻ những ấn tượng về ngôi trường cũ của mình, bạn Nguyễn Thái Thủy Tiên - người vừa đoạt giải Khuyến khích “Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2021” cho biết: “Sức hút ngay từ khi mới bước chân vào THCS Quang Trung là tại đây chúng em được tận mắt chứng kiến những sản phẩm của học sinh làm ra mà lâu nay chúng em chỉ nhìn thấy trên đài, báo, ti vi hay ngoài cửa hàng, chẳng hạn như robot, tranh ảnh, thiết bị cảm biến...”. 
 
Ngoài ra, điểm nhấn của trường là khả năng khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất để giúp các em vận hành tốt các mô hình học tập mới. Nói về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Toản (Hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất) và cô Mai Hoa (Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên) chia sẻ: “Cơ sở vật chất tốt là rất cần thiết, nhưng không có nghĩa cơ sở vật chất chưa đầy đủ thì không thể dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh được”, “Cứ sau khi kết thúc một chuyên đề, chúng tôi đều hướng dẫn các con vận dụng những điều kiện sẵn có tại địa phương để tạo ra các sản phẩm trải nghiệm sáng tạo”. Quả thực, tại phòng trưng bày các sản phẩm trải nghiệm sáng tạo, chúng tôi đã thấy hết niềm đam mê, sự vận dụng sáng tạo của các bạn học sinh qua các sản phẩm tiêu biểu “Tinh dầu cầm máu chiết xuất từ lá cây sống đời”, “Trà hạt bơ”, “Tấm cách nhiệt từ vỏ trấu”, “Máy cảm biến rò rỉ ga”... Được biết, từ năm 2015 đến nay, Trường THCS Quang Trung luôn luôn là đơn vị dẫn đầu của huyện Bảo Lâm về nghiên cứu khoa học của học sinh, các sản phẩm nghiên cứu khoa học, trải nghiệm của học sinh của Trường THCS Quang Trung đã giành 3 giải quốc gia, hàng chục giải cấp tỉnh và rất nhiều giải cấp huyện. Đặc biệt hơn, trong dịp cuối năm 2021, trường được Tỉnh Đoàn Lâm Đồng chọn làm không gian điểm để tiến hành “Ngày hội Steam - Khơi nguồn đam mê sáng tạo”. Chia sẻ những ấn tượng về hoạt động Steam của Trường THCS Quang Trung, ông Trương Quốc Tùng, Trưởng Ban phong trào Tỉnh Đoàn Lâm Đồng (đơn vị chủ trì Ngày hội Steam đầu tiên của tỉnh) cho biết: “Ngoài việc thầy cô nhiệt huyết, Câu lạc bộ Steam hùng hậu của trường thì ấn tượng nhất của tôi là rất nhiều các bạn học sinh trường Quang Trung có khả năng tư duy sáng tạo để làm ra một sản phẩm nhất định của mình từ các lý thuyết học được”.
 
Chia tay trường, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ hơn cả là không khí vui tươi đến từ các em học sinh, sự chủ động trước nhiều biến động của tập thể sư phạm nhà trường và thêm một tin vui là Tổ chức The Dariu Foundation (Thụy Sỹ) vừa tài trợ kinh phí, nhằm khuyến khích niềm đam mê sáng tạo của các bạn trẻ dưới mái trường này. 
 
LÂM AN

Báo Lâm Đồng