Năm 2022: Phấn đấu 37%- 38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, 31% tham gia BHTN và bao phủ BHYT đạt 92% dân số

11/01/2022 09:23 AM


Ngày 10/1, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện với sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
 
Tại điểm cầu cơ quan BHXH Lâm Đồng, các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành BHXH toàn quốc năm 2022.
Tại điểm cầu cơ quan BHXH Lâm Đồng, các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành BHXH toàn quốc năm 2022.
 
Tại điểm cầu Cơ quan BHXH Lâm Đồng, ông Đậu Tú Lan - Giám đốc BHXH Lâm Đồng chủ trì hội nghị cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND TP Đà Lạt.
 
Theo đánh giá, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc mở rộng độ bao phủ, tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân mà Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề ra. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống, sinh hoạt của người dân. Bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Đến hết 31/12/2021, số thu và người tham gia BHXH, BHTN, BHYT đều tiếp tục tăng trưởng so với thời điểm hết năm 2020, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Cụ thể: Tham gia BHXH 16,547 triệu người (tăng 2,2% so với năm 2020); đặc biệt BHXH tự nguyện 1,45 triệu người (tăng 28,9% so với năm 2020). Tham gia BHTN gần 13,4 triệu người (tăng 0,4% so với 2020). Tham gia BHYT hơn 88,837 triệu người (tăng 0,9% so với năm 2020), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT hơn 395.472 tỷ đồng (tăng 0,6% so với năm 2020).
 
Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT: Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ; trong bối cảnh số lượng phục vụ ngày càng tăng, khối lượng công việc ngày càng nhiều, ngành BHXH Việt Nam đã cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, giao dịch điện tử. Trong thời gian dịch bệnh, đã đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết chế độ và chi trả như: Chi trả gộp 2 tháng, chi trả tại nhà; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt (hết năm 2021 có khoảng 57% số người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 7% chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2021 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP). Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ triển khai nhất, đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Tổng số chi BHXH, BHTN, BHYT là 339.115 tỷ đồng.
 
Công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2021, toàn ngành đã phát hiện 42.002 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền phải truy thu là 127,6 tỷ đồng; đã thu hồi 1.852,2 tỷ đồng trên tổng số nợ của các đơn vị là 2.537,8 tỷ đồng (đạt 72,9%)…
 
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa; đẩy mạnh giao dịch điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7. Bộ TTHC tiếp tục cắt giảm từ 27 thủ tục xuống 25 thủ tục; 100% TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; một số thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc.
 
Công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành: Đây là nội dung trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, công tác này đặc biệt quan trọng, đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về bảo hiểm (là một trong 6 CSDL quốc gia mà Chính phủ giao BHXH Việt Nam là cơ quan chủ quản); liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương (nhất là CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an (đã chia sẻ để xác thực trên 32 triệu công dân), Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT, Tổng cục Thuế… đặc biệt là chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 ). Trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã dẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số (người dùng có thể quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng; thực hiện các dịch vụ trên ứng dụng), đến nay đã có trên 25 triệu người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
 
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời, với phương châm đưa chính sách đến doanh nghiệp và NLĐ nhanh nhất, thuận tiện nhất. Với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 
 
Kết quả: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg chỉ sau 7 ngày, hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày còn 1 ngày làm việc. Đến hết năm 2021 đã giải quyết cho 851 đơn vị với 161.531 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.119,8 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.071.500 NLĐ của 71.142 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách.
 
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg trong vòng 5 ngày, toàn ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BHTN đến 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ, với số tiền trên 7.595 tỷ đồng. Đến hết ngày 31/12/2021, đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12,94 triệu lao động, với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng; hoàn thành trước thời hạn đề ra; các thủ tục đảm bảo nhanh, đơn giản, được doanh nghiệp, NLĐ đánh giá cao.
 
Cùng với đó, BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tại bệnh viện khi khám chữa bệnh, đặc biệt là người bệnh tại khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến và tháo gỡ khó khăn theo quy định trong thanh toán chi trả BHYT cho người bệnh trong điều kiện dịch bệnh tại các địa phương.
 
Năm 2022, mục tiêu toàn ngành BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cụ thể: Tham gia BHXH đạt khoảng 37% -38% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHTN đạt khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số.
 
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động xây dựng, triển khai linh hoạt các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế. Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
 
Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHTN, BHYT. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
 
 Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghiệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa cácthủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối, chia sẻ hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; CSDL Quốc gia về bảo hiểm...
Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; nắm chắc tình hình, chủ động đề xuất và triển khai nghiêm túc, kịp thời các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ. Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy vai trò người đứng đầu; phân công, phân nhiệm đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.