Cùng nắm tay nhau bước qua ngày gian khó

16/09/2021 07:44 AM


Gia đình tôi cư ngụ trên đường Lý Thường Kiệt, một con đường vốn dĩ yên tĩnh bậc nhất phố núi Đà Lạt với hầu hết cư dân là sỹ quan quân đội nghỉ hưu. Những buổi chiều bình yên thường nhật, người già, người trẻ dắt tay nhau đi bộ thể dục, lũ trẻ nô đùa đá bóng, đạp xe. Bỗng một ngày, con đường ấy rền rĩ tiếng hú của còi xe cấp cứu, khi ở cuối đường, cơ sở của Trường Đại học Nội vụ được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Đường vắng, phố như kín lại, thừa thãi sự phong quang, phố buồn đến nao lòng...
 
Một nhà vườn tại Phường 11 (TP Đà Lạt) tặng 2 sào rau xà lách và được một nhóm người dân đủ thành phần, nghề nghiệp đi thu hoạch, sau đó đóng gói gửi tặng bà con vùng dịch. Ảnh: Chính Thành
Một nhà vườn tại Phường 11 (TP Đà Lạt) tặng 2 sào rau xà lách và được một nhóm người dân đủ thành phần, nghề nghiệp đi thu hoạch, sau đó đóng gói gửi tặng bà con vùng dịch. Ảnh: Chính Thành
 
1. Ánh mắt tôi mỗi ngày cứ thẫn thờ đuổi theo những chuyến xe không chở sự bình yên đi qua ngõ nhà mình. Hiện lên sau lớp cửa kính là những người lớn, trẻ em trùm kín đồ bảo hộ ngồi như bất động và không giấu được là những ánh mắt thẫn thờ, mệt mỏi, chất chứa nỗi âu lo khi không may phải gắn lên mình hai chữ F1. Nhiều doanh trại quân đội, trường học, ký túc xá sinh viên đã trở thành những khu cách ly tập trung, điều trị. Đâu đó lại có thêm những khu phố chăng dây, thêm những chốt chặn. Tiếng hú còi xe cấp cứu rền rĩ đêm ngày trên các tuyến đường cao nguyên là những dòng âm thanh chuyển đi tín hiệu cấp báo về sự bất an...
 
Suốt hơn hai tháng vừa qua, Đà Lạt vắng lặng bởi thực hiện giãn cách. Hằng ngày, thay cho ly cà phê buổi sáng, ngồi “chém gió” cùng bạn bè trước giờ làm việc thì nay mỗi người chỉ di chuyển một khoảng cách cố định, từ nhà đến cơ quan và theo chiều ngược lại. Đồng hồ contermet mỗi ngày không thay đổi. Con đường vòng Hồ Xuân Hương lơ thơ bóng người, tĩnh như nghe được tiếng sóng vỗ nhẹ bên bờ cỏ. Âm thanh xôn xao của thế giới hoa lá thì vẫn hồn nhiên khoe sắc, tỏa hương nhưng cũng lây nỗi phập phồng âu lo của con người. Bạn bè lướt qua chỉ kịp nhận ra nhau bởi ánh mắt trên lớp khẩu trang. Cơn mưa bất ngờ đổ xuống, phố ướt sũng nước. Những lúc ấy trước mặt tôi luôn hiện lên những tấm lưng cần lao, những đôi chân gân guốc xỏ dép lê trên những chiếc xe máy cũ kỹ chở nặng trĩu lo toan khi mùa dịch lê thê kéo theo thân phận họ những nỗi niềm cơm áo...
 
Chưa bao giờ mà dịp lễ Quốc khánh phố núi Đà Lạt lại vắng vẻ như vậy. Đây là mùa lễ tiếp theo sau dịp lễ 30/4 rồi kỳ nghỉ hè, nhưng người ta như đã gần quên những cụm từ của mùa du lịch cao điểm như “cháy phòng”, “kẹt xe”, “thất thủ”, “chặt chém”. Những ngày lễ của hồi chưa dịch dã, cả Đà Lạt nhộn nhịp như nhà nào trên trung tâm phố cũng có đám tiệc; mỗi cơ quan, mỗi nhà, mỗi người góp vào một tay cho công việc đón khách đến thành phố chung vui. Dịp lễ này không khách, người Đà Lạt lại nhớ, lại thèm những ngày đêm phố xá nườm nượp, chen chúc bước chân, phố đa sắc màu và rộn rã âm thanh. Nhưng mà đành chấp nhận, người Đà Lạt dặn dò nhau như vậy. Đành phải gác lại những niềm vui khách khứa và những khoản thu nhập không nhỏ của các mùa làm ăn lớn trong năm. Mọi người đều hiểu rằng, sức khỏe và sự bình an của quê hương, cộng đồng là điều quan trọng nhất...
 
2. Trong những ngày giãn cách, phố vắng, quê cũng buồn, núi rừng như lạnh lẽo hơn khi trong một thời gian dài hầu hết những hoạt động dịch vụ, công cộng phải tạm thời đóng cửa chống dịch. Nhưng khắp mọi nẻo đường quê, phố lại có những góc thân thương đang lan tỏa hơi ấm mỗi ngày. Đó là cái ấm áp của tình người, của sự cộng cảm và sẻ chia thiết thực trong những ngày gian khó. 
 
Không thể thống kê hết những nhóm thiện nguyện, những người có tấm lòng san sẻ yêu thương và công việc nghĩa tình mà họ đã, đang làm. Và rồi, trên những con đường tôi qua mỗi ngày, lặng lẽ lúc nào đó mọc lên những “siêu thị 0 đồng”, những tủ bánh mì và nước uống miễn phí, những nơi phát nhu yếu phẩm cho người lao động thất nghiệp, người nghèo. Dọc Quốc lộ 20 xuyên suốt tỉnh, có những quán cơm tặng suất ăn miễn phí cho các tài xế xe tải đường dài. Những tiệm rau, quả, thực phẩm không thấy người đứng bán thu tiền như mọi bữa mà chỉ có dòng chữ trước quán: “Ai cần cứ lấy một ít”. Nước mắt tôi cứ tự nhiên ứa ra khi mỗi lần bắt gặp những nghĩa cử đời thường cao đẹp, những sẻ chia thầm lặng, nơi người cho và người nhận không hề thân quen, không hề biết mặt nhau. Lòng tôi cũng nghèn nghẹn khi nhìn những người dân tộc thiểu số nghèo không có gì nhiều, họ chỉ có gùi măng rừng sau những ngày lội suối, trèo đèo tìm hái trong mưa gió, họ chỉ có buồng chuối sau vườn góp gửi về nơi đồng bào đang trong cơn hoạn nạn. Hay như chuyện bà mẹ nghèo tuổi ngoài thất thập chốn rừng núi Đạ Huoai bán hết rổ chôm chôm vườn nhà được 500 ngàn đồng cũng góp vào cho các con, các cháu đang bám trụ chốt chống dịch giữa núi rừng ngày đêm dầm mưa, dãi nắng...
 
Đà Lạt - Lâm Đồng đang may mắn bình yên hơn những vùng quê khác, đó cũng là lúc mà người xứ núi thể hiện nhu cầu thiện tâm, mong được gói ghém tấm lòng gửi về với đồng bào những vùng tâm dịch. Nhiều nông dân ở các huyện, thành như Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà sẵn lòng dành cả vườn rau của gia đình họ gửi về biếu đồng bào. Chính họ là những người đầu tiên mở lòng, mở một phong trào rồi từ đó, tỉnh Lâm Đồng đã lập hẳn một chương trình tặng rau xanh cho vùng dịch đang rất khan hiếm nguồn thực phẩm quan trọng. Mùa hè này, các thầy, cô giáo ở Lâm Đồng cũng sẽ ghi nhớ như là một kỳ nghỉ hè đặc biệt khi họ cùng mọi người đội gió, đội mưa cắt rau, đóng gói, góp chút ít công sức cho những chuyến xe thiện nguyện về nơi thiếu rau xanh...
 
Con số sơ bộ mà tôi có được qua thống kê của các cơ quan chức năng, từ thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư đến nay, Lâm Đồng đã hỗ trợ hơn 11.000 tấn nông sản cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhưng số lượng thực chắc chắn nhiều hơn thế, bởi không chỉ các cơ quan, đơn vị mà nhiều tổ chức, các nhóm thiện nguyện cũng đứng ra thu gom, đóng gói, vận chuyển rau, củ, quả về miền Nam ruột thịt, nhưng họ cứ làm mà không kịp thống kê. 
 
Chương trình 5.000 tấn nông sản gửi về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong những ngày oằn mình chống dịch là nghĩa cử nhân văn và thiết thực của chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng. Mỗi ngày, trên Quốc lộ 20, từ cao nguyên, những chuyến xe chở 200 tấn nông sản vẫn đều đặn lăn bánh đi về hướng khó khăn. Những chuyến xe chở nặng ân tình, chở nguồn đạo lý...
 
3. Mùa này, mưa cao nguyên đổ dày như trút nước. Và gió, những cơn gió có thể xô đổ bất cứ lều bạt nào của các lực lượng chốt chặn chống dịch nơi núi xa, rừng vắng. Khi những người dân dù cũng nhiều âu lo nhưng đang được yên lành trong những mái nhà với chăn ấm, nệm êm thì biết bao người phải chịu đựng gian khổ, hiểm nguy nơi tuyến đầu chống dịch. Tôi đã thấy những bữa cơm thấm ướt nước mưa ăn vội, những bộ áo quần ướt đẫm tự khô và những đôi mắt quầng thâm vì thiếu ngủ... 
 
Không thể kể hết những người đang ngày đêm thức trắng truy vết, xét nghiệm, phân loại, cách ly và điều trị. Không thể kể hết những người bám chốt kiểm soát trên đèo Chuối (Bảo Lộc), Eo Gió (Đơn Dương), Krông Nô (Đam Rông) hay đèo Khánh Vĩnh (Lạc Dương)... và tất cả những lối ngang, đường tắt. Không thể kể hết những đoàn cán bộ y tế, sinh viên tình nguyện từ xứ núi đã rời nơi chốn bình yên về vùng tâm dịch đầy hiểm nguy, gian khó, góp tâm sức của mình đẩy lùi dịch bệnh. Cũng không thể kể hết công sức của cán bộ, nhân viên ngành lao động, thương binh và xã hội từ tỉnh đến xã, phường ngày đêm tiếp nhận, rà soát, xét duyệt hồ sơ giải quyết cấp thời các chế độ an sinh cho hàng ngàn đối tượng yếu thế đời sống gặp khó khăn do dịch bệnh. Chuyện của những người quen biết cũng đã làm lòng tôi xúc động. Như bác sĩ Trần Văn Lao, Bệnh xá trưởng Bệnh xá H32 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng), suốt hơn bốn tháng qua anh trực chiến chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ cách ly tập trung, chưa một lần được về thăm nhà. Hay bác sĩ trẻ người Raglây Ma Hy Touneh Định ngày đêm căng thẳng trong khu điều trị bệnh nhân SARS-Co-V-2 ở xã Ka Đô (Đơn Dương), cùng đồng nghiệp, anh đã hết mình vì bệnh nhân bằng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc…
 
Có một việc làm nhân văn, tác động sâu sắc đến nhận thức và cảm xúc nhiều người. Ngày 4/9 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đón 251 thai phụ và 197 người thân của họ (trong đó có hàng chục cháu nhỏ) từ các tỉnh, thành đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 trở về quê nhà an toàn. Niềm vui của tất cả những người có mặt, từ lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, huyện, thị đến các nhà báo đã vỡ òa khi những chuyến bay hạ cánh xuống phi trường Liên Khương. Đã có những giọt nước mắt chảy tràn trên gò má của những người phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở. Đã có những lời biết ơn thốt ra bằng lời và qua ánh mắt sau lớp kính bảo hộ. Tôi cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc của chị Lê Thị Thêu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, khi chị nhắn dòng tin vội vã qua zalo cho tôi: “Là cơ quan đầu mối tổ chức cuộc đón tiếp đặc biệt này, mấy tuần qua chúng tôi đã làm việc vô cùng áp lực, nhưng khi thấy những thai phụ và con nhỏ của họ bước xuống sân bay an toàn, tôi như tan hết mệt mỏi. Dù đã phải cố nén lòng cho khỏi khóc mà nước mắt cứ thế trào ra!”.
 
Khi tôi đang viết những dòng này thì các huyện, thị Lâm Đồng tiếp nhận sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang lên kế hoạch tiếp tục đón những thai phụ còn lại đang bị kẹt ở các địa phương vùng tâm dịch trở về. Vâng, tôi hiểu cảm xúc của nữ giám đốc sở cũng như các cộng sự của chị, nhất là khi những dòng nước mắt của chính bản thân mình đang lăn theo những khuôn hình nóng bỏng, đau đớn trong bộ phim tài liệu “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và các đồng nghiệp Đài Truyền hình Việt Nam. Từ bối cảnh chân thực về đội ngũ thầy thuốc tận hiến vì bệnh nhân và những thai phụ vượt cạn trong hơi thở yếu ớt, cạn kiệt sức lực vì nhiễm bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP HCM), tôi càng thấu cảm hơn về ý nghĩa của chương trình đón thai phụ từ vùng tâm dịch trở về. Thành công của chương trình là hạnh phúc của những người mẹ và những trẻ thơ được sinh ra an toàn trong vòng tay ôm ấp của người thân, gia đình giữa quê hương Lâm Đồng...
 
Đà Lạt - Lâm Đồng từng bước thận trọng nới lỏng giãn cách, từ phố phường đến thôn quê đang phát đi những tín hiệu lạc quan. Nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa thể biết những ngày sắp tới rồi sẽ ra sao. Cùng nắm tay nhau, truyền hơi ấm cho nhau đi qua từng chặng gian khó sẽ thấy đường trường phía trước bớt nặng nhọc hơn.
 
UÔNG THÁI BIỂU

Báo Lâm Đồng