BHXH Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT trong tình hình mới
20/08/2021 04:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 20/8/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì cuộc họp về đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam; kế hoạch cung cấp dịch vụ, tiện ích trên ứng dụng VssID và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. Tham gia cuộc họp có các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn và Thủ trưởng một số đơn vị liên quan trực thuộc BHXH Việt Nam.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc
Tiếp tục hoàn thiện, đi trước “một bước”
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Nguyên Bồng đánh giá, về chuyển đổi số thì cơ bản Ngành BHXH Việt Nam đã đi trước 1 bước, tuy nhiên chúng ta cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện và thực hiện theo các lộ trình của Kế hoạch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Ngành giai đoạn 2021-2025. Trong đó, ngoài nhiệm vụ giao Trung tâm CNTT tiếp tục nghiên cứu về các công nghệ chuyển đổi số thì các Vụ, Ban nghiệp vụ cần phối hợp chặt chẽ hơn để trang bị nghiệp vụ và tính pháp lý cho các hoạt động chuyển đổi số đã có hoặc chưa có tiền lệ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh, phải giãn cách xã hội chính là cơ hội để các “sản phẩm tiện ích” của Ngành nhanh chóng đến được người dân và chắc chắn sẽ được người dân hưởng ứng, đón nhận vừa đảm bảo an toàn, vừa tiện lợi.
Trong xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về Bảo hiểm, đến nay, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định triển khai thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm.
Trong đó, BHXH Việt Nam đã rà soát, chuẩn hóa các CSDL chuyên ngành của Ngành để cung cấp cho CSDL quốc gia về Bảo hiểm các thông tin theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP; đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đồng bộ, hoàn thiện cơ sở dữ liệu.
Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có Công văn gửi BHXH các địa phương đề nghị phối hợp chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về Bảo hiểm qua trục NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ nhu cầu cấp bách của việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn, tiếp tục hoàn thiện. Trong thời gian tới BHXH Việt Nam tham mưu Chính phủ, các Bộ để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành CSDL quốc gia về Bảo hiểm..
Kế hoạch nâng cấp, bổ sung tính năng “đột phá” trên ứng dụng VssID
Một trong những “điểm nhấn” của Ngành trong kế hoạch chuyển đổi số là ứng dụng VssID-BHXH số. Từ khi ra mắt tháng 11/2020 đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Hiện ứng dụng có rất nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT như: Cung cấp các thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia BHXH, BHTN, BH Tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), BHYT; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN); sổ khám chữa bệnh (KCB) cung cấp lịch sử KCB BHYT của người tham gia...
Cùng với đó, VssID còn cung cấp các tiện ích tra cứu: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT; cơ sở KCB cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH; đơn vị tham gia BHXH; điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng BHXH…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng người dùng, nhất là trong tình hình dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Nguyên Bồng cho biết, thời gian tới, Trung tâm lên kế hoạch tích hợp thêm 3 tính năng mới rất hữu ích trên ứng dụng VssID gồm: Thực hiện đăng ký tài khoản trực tuyến qua công nghệ eKYC; liên kết ví điện tử/Tài khoản ngân hàng; đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng tài khoản định danh và mã QR code.
Với công nghệ eKYC, để đăng ký tài khoản VssID, người dùng sẽ không cần phải đến xác nhận tại cơ quan BHXH như hiện nay. Theo đó, người dùng chụp ảnh căn cước công dân (CCCD) hoặc chứng minh Nhân dân (CMND) hoặc hộ chiếu của mình, sau đó quay lại gương mặt và điền thêm một số thông tin cơ bản khác. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ so sánh hình ảnh của người dùng và ảnh trên giấy tờ tùy thân để xác nhận xem dữ liệu có đúng không. Với eKYC, việc định danh khách hàng diễn ra nhanh chóng, độ chính xác cao do công nghệ nhận dạng, so khớp sinh trắc hình ảnh hiện nay rất phát triển giúp cung cấp trải nghiệm liền mạch, thoải mái và tiện lợi hơn cho khách hàng. eKYC giúp tăng sự hài lòng của khách hàng và đảm bảo rằng khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngay khi hoàn tất đăng ký trực tuyến mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Về liên kết tài khoản ngân hàng để đóng BHXH, BHYT điện tử, đây là khâu cuối cùng trong thực hiện cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 của ngành BHXH Việt Nam. Với việc liên kết ví điện tử, tài khoản ngân hàng cá nhân và doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BHTN trên hệ thống điện tử mà không cần phải đến cơ quan BHXH để thực hiện công việc này.
Người dùng thực hiện nộp trực tuyến đóng tiếp BHXH tự nguyện và tham gia BHYT theo hộ gia đình trên ứng dụng VssID, ngay khi nhận được tiền thanh toán (về phần mềm Kế toán tập trung), hệ thống của BHXH Việt Nam sẽ tự động ghi nhận quá trình tham gia BHXH tự nguyện và cấp thẻ BHYT cho người tham gia (trên phần mềm Quản lý thu, sổ thẻ), giúp tiết kiệm thời gian và giảm các sai sót, rủi ro do cán bộ BHXH không phải thực hiện thủ công, qua đó, đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Đồng thời hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Xây dựng kế hoạch chi tiết, thành lập ban chỉ đạo để nhanh chóng triển khai
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ trưởng các đơn vị: Vụ Kế hoạch - Đầu tư; Vụ Tài chính - Kế toàn; Vụ Pháp chế; Văn phòng; Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng; Trung tâm Truyền thông, đã có những đánh giá, đề xuất vào kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng CSDL Quốc gia về Bảo hiểm; nâng cấp ứng dụng VssID; đồng thời nêu những kiến nghị, đề xuất từ hoạt động chuyên môn của đơn vị.
Các ý kiến chung nhận định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đòi hỏi từ thực tiễn, cần phải làm ngay. Ngành BHXH Việt Nam với nền tảng ứng dụng CNTT từ sớm có một số thuận lợi nhưng thách thức là không nhỏ với số người phục vụ rất lớn, quy trình nghiệp vụ phức tạp. Do đó, trong chuyển đổi số, Ngành cần xác định được những vấn đề trụ cột, cốt lõi để tập trung thực hiện trước. Bên cạnh đó, cũng cần kế hoạch, lộ trình phù hợp; tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm trong thực hiện...
Đánh giá dưới góc nhìn từng lĩnh vực phụ trách, các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn đã có những nhận định, định hướng, chỉ đạo. Theo đó, trong tình hình dịch bệnh, xu hướng ứng dụng CNTT vào đời sống xã hội đang được đẩy mạnh. Ngành BHXH Việt Nam cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hoàn thiện CSDL. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần chủ động trong xây dựng lộ trình chuyển đổi số. Trước mắt cần tập trung xây dựng, hoàn thiện CSDL của Ngành, CSDL Quốc gia về Bảo hiểm vì đây là nền tảng cho việc chuyển đổi số, triển khai các dịch vụ công cấp độ 4; phát triển ứng dụng, phần mềm thông minh... Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ cũng cần tăng cường công tác tham mưu, phối hợp trong nội bộ Ngành và các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế, căn cứ pháp lý cho các hoạt động chuyển đổi số đảm bảo đúng quy định, an toàn, bảo mật trong thu nộp, giải quyết quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT. Trong thực hiện cần có kế hoạch tổng thể, xây dựng lộ trình, thí điểm đánh giá; đặc biệt là tăng cường kết nối, chia sẻ CSDL của Ngành với CSDL Quốc gia về dân cư của Bộ Công an để làm đối chiếu, xác thực, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung tâm CNTT về những định hướng trong xu thế chuyển đổi số thời gian tới. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, Trung tâm CNTT đã chủ động nghiên cứu, trách nhiệm, đưa ra nhiều vấn đề mới "đi tắt đón đầu" trong ứng dụng công nghệ CNTT, chuyển đổi số theo định hướng của lãnh đạo Ngành.
Theo Tổng Giám đốc, chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, vì vậy toàn thể ngành BHXH Việt Nam phải nhận thức rõ về chuyển đổi số, các nội dung chuyển đổi số, cách thức chuyển đổi số phù hợp với nhiệm vụ Ngành đang triển khai. Trong đó, ưu tiên những vấn đề trọng tâm như xây dựng CSDL Quốc gia về Bảo hiểm; những nội dung kỹ thuật mới như liên kết tài khoản, về thanh toán, về eKYC... "Định hướng của Đảng, Nhà nước đã có rồi nhưng trên nền tảng CNTT đã có sẵn của chúng ta thì cần nghiên cứu triển khai một cách có hiệu quả nhất, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho Nhân dân"- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Vì vậy, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, cần nhanh chóng nghiên cứu, thành lập Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; trong đó, thực hiện phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, ứng với từng hoạt động chuyên môn, từng nghiệp vụ của các đơn vị trong Ngành, cũng như trách nhiệm trong phối hợp chuyển đổi số. Đồng thời, cần xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số Ngành BHXH Việt Nam với những kế hoạch, nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị theo từng năm, từng giai đoạn.
Đối với việc kết nối, chia sẻ với CSDL Quốc gia về dân cư của Bộ Công an, Ngành BHXH Việt Nam được đánh giá là đi đầu. Hiện nay, đã có gần 10 triệu người được đối chiếu, xác thực thông tin giữa CSDL của Ngành BHXH Việt Nam và CSDL Quốc gia về dân cư. Trên cơ sở đó, thời gian tới, Ngành sẽ tiếp tục chủ động, lan tỏa, trong đó hướng đến việc ký kết Quy chế phối hợp toàn diện với Bộ Công an để hai bên tiếp tục chia sẻ, liên thông dữ liệu trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý cũng như an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân.
Đối với xây dựng CSDL Quốc gia về Bảo hiểm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị xem xét thành lập Ban Chỉ đạo; đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của Ngành trong Nghị định số 43/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó, cụ thể hóa các tiêu chí cần các bộ, ngành liên quan cung cấp, chia sẻ với BHXH Việt Nam để triển khai, thực hiện.
"Liên quan đến việc ứng dụng các công nghệ mới trên ứng dụng VssID, các đơn vị chuyên môn rà soát lại cơ sở pháp lý; bảo đảm nguyên tắc thống nhất, an toàn, bảo mật. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ mới trong thanh toán, liên kết tài khoản... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia trong đóng nộp, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo./.
Phạm Chính
https://baohiemxahoi.gov.vn/
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...