Đổi mới trong thực hiện hỗ trợ giảm nghèo ở Đam Rông

17/08/2021 09:53 AM


Giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu ở Đam Rông. Mặc dù nhiều năm qua, địa phương đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện nhiệm vụ này, song vẫn còn những vấn đề đặt ra đòi hỏi Đam Rông cần linh hoạt trong thực hiện, nhằm đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
Việc hỗ trợ giảm nghèo chỉ thực hiện đối với những hộ đăng ký và cam kết thoát nghèo
Việc hỗ trợ giảm nghèo chỉ thực hiện đối với những hộ đăng ký và cam kết thoát nghèo
 
Bà Đa Cát Ka Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông khẳng định: “Giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con nhân dân, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị Đam Rông tập trung thực hiện. Tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,86%”. Mặc dù con số này là đáng ghi nhận, song thực tế, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Đam Rông vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung của tỉnh. Đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện song vẫn còn khó khăn, khả năng tự tổ chức sản xuất còn hạn chế. 
 
Nhận thấy rõ điều này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025. Đề án được ban hành nhằm mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương theo từng tiểu vùng, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; huy động tối đa nguồn lực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn huyện Đam Rông. Đồng thời, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của tỉnh.
 
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu huyện Đam Rông tiến hành hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo nhanh, bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập trung bình hộ nghèo đạt trên 95 triệu đồng/năm. Huy động tổng hợp các nguồn lực tham gia vào công tác giảm nghèo, triển khai thực hiện hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 0,8 - 1%/năm; đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo thấp dưới 3%. Lồng ghép các nguồn vốn hoàn thiện hệ thống thủy lợi, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. 
 
Đối tượng tham gia tập trung chủ yếu vào các hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, việc hỗ trợ không mang tính chất cào bằng, theo đầu người như trước đây. Để đảm bảo việc hỗ trợ giảm nghèo thực sự hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu huyện Đam Rông cần tổ chức rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo công khai, minh bạch. Xác định khả năng thoát nghèo của từng hộ và xác định nhu cầu hỗ trợ của từng hộ để phát triển sản xuất hiệu quả. Và việc hỗ trợ trên chỉ thực hiện đối với những hộ đăng ký và cam kết thoát nghèo.
 
Theo đó, thực hiện đầu tư hỗ trợ cây, con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp thiết yếu cho 899 hộ nghèo và cận nghèo để phát triển sản xuất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó lộ trình hỗ trợ được cân đối qua từng năm. Từ cơ sở trên, huyện Đam Rông sẽ giao cho các đơn vị chuyên môn trực tiếp thực hiện việc hỗ trợ cho bà con đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời vụ và đạt mục tiêu đề án. Từ các hộ thuộc diện hỗ trợ của đề án, các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương chọn xây dựng và nhân rộng 280 mô hình giảm nghèo bền vững hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng, phong tục tập quán và khả năng đối ứng của các hộ. Trong đó, chú trọng xây dựng 100 mô hình chăn nuôi tằm công nghệ mới, 50 mô hình chăn nuôi heo bản địa có chuồng trại, 50 mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, 30 mô hình trồng dứa trên đất dốc, 50 mô hình trồng cây ăn trái.
 
Tổng kinh phí thực hiện đề án là trên 48 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2021. Phần còn lại được lấy từ ngân sách các chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh và ngân sách huyện tự cân đối. Nguồn vốn sẽ được phân bổ trên 9,4 tỷ đồng cho năm 2021 và dự kiến trên 10 tỷ đồng cho năm 2022, trên 9,9 tỷ đồng năm 2023, trên 9,6 tỷ đồng năm 2024 và trên 8,9 tỷ đồng năm 2025.
 
Để việc giảm nghèo được tiến hành có hiệu quả, ngoài việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con; đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp làm công tác giảm nghèo, công tác khuyến nông cũng cần được bồi dưỡng năng lực để vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham mưu đúng, trúng cho chính quyền cơ sở góp phần thực hiện thành công đề án. Cơ chế, chính sách được UBND tỉnh ban hành thông qua Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025 thực sự sẽ tạo đà để Đam Rông thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, để nhiệm vụ này thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi, địa phương cần phát huy vai trò cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động, nhằm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo. Và yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định là khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo tại địa phương.
 
NGỌC NGÀ

http://baolamdong.vn/