Vai trò của người uy tín trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

31/05/2021 02:03 PM


Thúc đẩy các dự án, đề án giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Lâm Đồng nhiều năm qua có sự đóng góp không nhỏ của những người uy tín, của các vị già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động. 
 
Người uy tín, già làng, trưởng thôn luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế
Người uy tín, già làng, trưởng thôn luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế
 
Trong nhiều năm qua, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành các chính sách đặc thù riêng về an sinh xã hội, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. 
 
Từ chủ trương đến thực tiễn đã tạo nên nhiều hiệu quả, thay đổi diện mạo đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh sự vào cuộc thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp, địa phương thì người uy tín trong thôn, buôn vùng DTTS đã phát huy tích cực vai trò của mình. Khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền tín nhiệm giao trọng trách, họ đã biết phát huy mạnh mẽ vai trò này, nói dân nghe, hành động để dân hiểu, dân làm theo. 
 
Già làng Kon Sơ Ha Wơp, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông chia sẻ: Trong những năm qua, bằng uy tín của mình, già làng, người uy tín chúng tôi đã tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phân tích, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời vận động bà con tích cực tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, các hoạt động xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh…
 
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 479 người uy tín đang sinh sống, làm ăn tại các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS. Đa số những người có uy tín tại Lâm Đồng đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền để ứng dụng vào thực tiễn đời sống hàng ngày tại khu dân cư. Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đều tổ chức biểu dương, khen thưởng, hỗ trợ, tặng quà đối với người có uy tín tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực. Lâm Đồng đã dành khoảng 3,7 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ, thực hiện chính sách đối với người uy tín trong tỉnh. Được biết, các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động tạo điều kiện để người có uy tín tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp người uy tín có thêm hiểu biết, kinh nghiệm trong hướng dẫn, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi của các địa phương, học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt để tuyên truyền nhân rộng cho bà con tại thôn, buôn nơi mình sinh sống. 
 
Trao đổi về ý nghĩa, vai trò của người uy tín trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ông Võ Văn Hoàng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Người có uy tín luôn là chỗ dựa quan trọng và tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhất là song hành với các chương trình dự án giảm nghèo, Chương trình 135, chương trình phát triển kinh tế vùng DTTS… Hưởng ứng phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người có uy tín đã gương mẫu đi đầu. Nhiều gia đình người có uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không chỉ giúp gia đình mình thoát nghèo, mà thông qua việc hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật đã giúp nhiều hộ gia đình khác trong thôn buôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như ông Hoàng Thương Dương - Tổ dân phố 1, thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên đã chủ động trồng dâu nuôi tằm mang lại lợi nhuận cao. Hoặc bà Triệu Thị Sa, người có uy tín của xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà đã vận động bà con tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để nâng cấp, cải tạo các tuyến đường liên xóm, liên thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, được bà con tin tưởng ủng hộ và phấn khởi thực hiện. Qua đó, góp phần chung vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”.
 
Ngày 19/6/2020, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tín hiệu vui này cho thấy Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, dành nguồn lực thích đáng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Cùng với sự quan tâm ấy, vai trò của người uy tín, già làng, trưởng thôn cần tiếp tục phát huy trong giai đoạn mới để tuyên truyền, vận động bà con nâng cao tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên trong đời sống.
 
ĐỨC KHIÊM

Báo Lâm Đồng