Sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chủ lực

06/04/2021 09:50 AM


Huyện Lạc Dương đưa các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin. Qua đó, giúp người tiêu dùng kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm; đồng thời, nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.
 
Sản phẩm phúc bồn tử của Lạc Dương đã được gắn mã QR
Sản phẩm phúc bồn tử của Lạc Dương đã được gắn mã QR
 
Những năm gần đây, vườn phúc bồn tử rộng 2,5 ha trồng theo mô hình hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Văn Hà, ngụ tổ Đăng Gia Rít B (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) luôn là điểm thu hút người dân cũng như chuyên gia trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
 
Ở đây, những cây phúc bồn tử xanh tốt, cứng cáp và cho quả trĩu cành. Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Langbian.f Dâu rừng chia sẻ: Biết phúc bồn tử là cây có giá trị kinh tế cao nên ông bàn với vợ mua giống về trồng để phát triển kinh tế. Nhưng nếu sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… vào sản xuất thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và môi trường. Cuối cùng phương thức sản xuất được gia đình ông lựa chọn là làm nông nghiệp hữu cơ.
 
Theo chủ vườn, thời gian đầu, phúc bồn tử sinh trưởng và phát triển chậm hơn so với các mô hình vô cơ. Tuy nhiên, một thời gian khi lượng hữu cơ bắt đầu tích lũy thì cây phát triển mạnh, cứng cáp và tự bản thân có sự kháng bệnh rất cao. Đến tháng 9/2018, mô hình của gia đình được Công ty TNHH ORGA Việt Nam chứng nhận sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn. Sau đó, vườn của gia đình tiếp tục được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, mở ra cơ hội phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
 
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên vườn phúc bồn tử cho năng suất rất ổn định. Hiện Công ty Langbian.f Dâu rừng đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chế biến quả phúc bồn tử nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thành sản phẩm đặc sản của địa phương. Đặc biệt, doanh nghiệp đã thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế hướng đến xuất khẩu.
 
Theo ông Hà, nhờ quản lý tốt bằng tem truy xuất, sản phẩm phúc bồn tử của công ty không bị trà trộn với các sản phẩm khác ngoài thị trường, giá bán cũng cao hơn nhiều so với lúc thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng như chưa dán tem.
 
Tương tự, Công ty K’Ho Coffee (thị trấn Lạc Dương) cũng được tổ chức SNV (tổ chức phát triển Hà Lan) hỗ trợ 10.000 tem truy xuất nguồn gốc QR Code. Đại diện công ty cho biết, sau khi được hỗ trợ QR code các cơ quan chuyên môn tập huấn đơn vị, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc Smartlife. Đồng thời, được thiết kế tem theo yêu cầu, có mã truy xuất nguồn gốc, tạo Webiste, tài khoản quản lý cho công ty, hướng dẫn công ty cập nhật thông tin sản phẩm và kích hoạt tem. 
 
Không chỉ người sản xuất được lợi trong việc dán tem điện tử bằng mã QR mà còn là cơ hội để người tiêu dùng được sử dụng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mỗi khi khách mua hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh để quét mã QR là biết được nguồn gốc, xuất xứ của từng sản phẩm như: Tên sản phẩm, tên doanh nghiệp, thời gian sử dụng, ngày sản xuất… Những thông tin này giúp khách hàng yên tâm, tin tưởng tuyệt đối về những sản phẩm của công ty trên thị trường.
 
Huyện Lạc Dương đã đề nghị Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của địa phương như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ atiso với Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng Ladophar; mô hình sản xuất nấm hương và nấm chân dài… Ngoài ra, huyện còn phối hợp với tổ chức SNV tổ chức chương trình tập huấn về việc sử dụng mã QR với mục tiêu thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các chuỗi cà phê tại huyện. Qua đó, đã có 5 công ty, doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc TraceFarm.
 
Việc triển khai hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, mà còn giúp huyện Lạc Dương nâng tầm sản phẩm, cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương. 
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, việc triển khai hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc đối với một số loại nông sản có thế mạnh của địa phương là một điều tất yếu trong tương lai. Dù vậy, để triển khai hệ thống tiện ích này trên thực tế còn không ít khó khăn.
 
Khó khăn nhất là buộc người nông dân thực hiện ghi nhật ký sản xuất, đầu tiên ghi bằng giấy, sau đó mới về nhập lại lên hệ thống. Trung bình để thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người dân phải tốn công gấp 3 - 4 lần so với việc dán tem nhận diện sản phẩm thông thường.
 
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm, không muốn sản phẩm bị kiểm soát. Đây là những rào cản lớn khiến người sản xuất vẫn chưa “mặn mà” với việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. 
 
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông sản cũng như có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm trên địa bàn huyện tích cực tham gia việc truy xuất nguồn gốc.
 
HOÀNG YÊN

https://baohiemxahoi.gov.vn