Nâng cao công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh

20/02/2021 02:56 PM


Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành xây dựng Lâm Đồng…
 
Đà Lạt hướng đến đô thị thông minh
Đà Lạt hướng đến đô thị thông minh
 
Bước sang năm mới 2021, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành xây dựng Lâm Đồng đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính; quản lý quy hoạch - kiến trúc; phát triển đô thị - hạ tầng kỹ thuật; hoạt động xây dựng; kinh tế và vật liệu xây dựng; nhà ở và thị trường bất động sản; quản lý các dự án đầu tư xây dựng… Trong đó, ngành tập trung cho công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng tại các khu vực đã có quy hoạch và đang triển khai lập quy hoạch cũng như các khu vực trọng điểm khác của địa phương.
 
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Lâm Đồng, năm 2020, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương được nâng lên rõ rệt. Ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về xây dựng có những chuyển biến tích cực. Một số địa phương có sự quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng; tạo điều kiện cho người dân hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng, góp phần hạn chế các vi phạm về trật tự xây dựng tại địa phương. 
 
Tuy số lượng vụ việc sai phạm về trật tự xây dựng dù đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng con số vi phạm vẫn còn cao. Vi phạm chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép, sai bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt. Cụ thể, qua kiểm tra thực tế các công trình xây dựng trên địa bàn, Phòng Quản lý đô thị thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt; Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện và UBND cấp xã phát hiện 244 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng trên tổng số hơn 4.000 công trình được cấp phép, miễn phép xây dựng trong toàn tỉnh (chiếm 6,09%; giảm 71 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019). 
 
Báo cáo tham luận của Thanh tra Sở Xây dựng cũng cho thấy, trong năm qua các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh phát hiện 122 trường hợp xây dựng không phép, 101 trường hợp sai phép và 21 trường hợp sai phạm khác. Trong đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã ban hành 221 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (181/221 trường hợp đã chấp hành). Các trường hợp sai phạm tập trung chủ yếu tại khu vực đô thị, như TP Đà Lạt 157 trường hợp (chiếm 64,34% tổng công trình vi phạm), TP Bảo Lộc 20 trường hợp (chiếm 8,19% công trình vi phạm), và huyện Đức Trọng 32 trường hợp (chiếm 13,11% công trình vi phạm). 
 
Cũng theo Thanh tra Sở Xây dựng, bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2020, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, tình hình vi phạm về trật tự xây dựng tại một số địa phương còn diễn biến phức tạp, như việc xây dựng công trình nhà ở không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp; tình trạng san ủi mặt bằng, phân lô không được cơ quan có thẩm quyền cho phép làm phá vỡ quy hoạch; xây dựng không đúng quy hoạch được phê duyệt. Xây dựng vi phạm lộ giới, khoảng lùi; xây dựng công trình, nhà ở trên đất chưa được chuyển mục đích sử dụng đất (đất lâm nghiệp, nông nghiệp); xây dựng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn các công trình thủy lợi, giao thông; vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án đầu tư, các khu du lịch; vi phạm khu vực bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh…
 
Trong khi đó, một số vụ việc sai phạm không được phát hiện, phát hiện chậm, thậm chí phát hiện nhưng không ngăn chặn kịp thời, xử lý chưa nghiêm, thiếu kiên quyết, không dứt điểm theo quy định pháp luật. Nhiều trường hợp chủ đầu tư không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là việc đình chỉ thi công, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…, nhưng các địa phương chưa có biện pháp kiên quyết xử lý.
 
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu trung là do tốc độ xây dựng, đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp tại các đô thị lớn; các chủ đầu tư không chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng trong quá trình thực hiện dự án; tiềm năng về du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh lớn, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch canh nông..., dẫn đến tình trạng hình thành các điểm du lịch tự phát, kéo theo công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng. 
 
Cùng với đó, lực lượng thực hiện nhiệm vụ về quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế về số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn hạn chế; sự phối hợp trong công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng giữa các cơ quan chuyên môn, giữa các cấp, các ngành chưa thật sự quyết liệt, chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định pháp luật. Chính quyền một số địa phương trên địa bàn tỉnh có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng, nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chậm phát hiện, xử lý chưa kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn tái diễn; các công trình vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, gây bức xúc dư luận.
 
Liên quan vụ việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phạm S, cho rằng số lượng vụ vi phạm về trật tự xây dựng so với cùng kỳ năm 2019 có giảm, nhưng một số vụ việc nổi cộm vẫn chưa được giải quyết triệt để, tạo dư luận không tốt trong xã hội, như Chợ trung tâm TP Bảo Lộc; Bến xe khách Di Linh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đức Trọng; Vườn Thượng Uyển bay TP Đà Lạt… Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Sở Xây dựng cần tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh các biện pháp hiệu lực, hiệu quả để tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, như: Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng. 
 
Thanh tra Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả về công tác quản lý trật tự xây dựng trong thời gian tới, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động xây dựng; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nhằm nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức phù hợp trong việc tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
 
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi mới phát sinh vi phạm và lập đầy đủ thủ tục, quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng theo luật định. Không để trường hợp có công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn nhưng không lập hồ sơ xử lý. Cương quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm theo quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật và để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, công dân.
 
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hoặc trình phê duyệt đồng bộ các quy hoạch, nhất là phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.
 
THỤY TRANG

Báo Lâm Đồng