Nhiệm kỳ 2016-2020: Việt Nam đạt nhiều thành tựu kinh tế đặc biệt, nâng cao vị thế đất nước
13/01/2021 02:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và sự hòa quyện của Ý Đảng - lòng dân, nhiệm kỳ 2016-2020, kinh tế Việt Nam đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật, đột phá. Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định. Cải cách thể chế được đẩy mạnh. Tổng số doanh nghiệp tăng gấp 1,5 lần. Đây là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu đến dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương 2020 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Những con số ấn tượng của nhiệm kỳ 2016-2020
Năm 2020 đã đi qua và khép lại nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Có thể khẳng định, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, chưa có khi nào đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và nhiều yếu tố bất định như nhiệm kỳ này.
Nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức", dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, sau 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, Việt Nam chúng ta đã đạt được những kết quả, những thành tích đặc biệt.
Liên tiếp trong 4 năm, từ 2016-2019, Việt Nam đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Riêng năm 2020 – một năm rất đặc biệt, đúng như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách, là năm mà chỉ số niềm tin của nhân dân lên cao nhất.
Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2016-2020. Trong năm 2020 vừa qua, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch COVID-19 nhưng kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%. Quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại 12 của Đảng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/năm, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2015. Nợ công giảm từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55% năm 2019, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Điều này một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng với một loạt quyết sách quan trọng
Những kết quả, thành tựu đạt được trong năm 2020 nói riêng và 5 năm qua nói chung có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng trong nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét thông qua các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII, cũng như một loạt quyết sách quan trọng khác được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành. Qua đó nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế.
Trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhiều lần tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương.
Tại những Hội nghị này, người đứng đầu Đảng và Nhà nước, đều đưa ra những định hướng, và đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quyết tâm phát triển kinh tế cũng được thể hiện qua một loạt các văn bản được Đảng ta ban hành. Ngay trong Nghị quyết của Đại hội XIII đã đặt mục tiêu tổng quát là phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từ đó nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo đó, Trung ương đã ban hành một loạt các Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 10 tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân – Nghị quyết có thể coi là đột phá trong tư duy, giúp kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hoàn thiện và định hình rõ nét hơn đường lối phát triển này. Nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Những nghị quyết này thể hiện sự đột phá về tư duy và tầm nhìn, góp phần không nhỏ vào tháo gỡ khó khăn, nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Trong các ưu tiên của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được đặt lên là hàng đầu.
Với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ, và người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định: Đây là nhiệm vụ trọng tâm để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện các loại thị trường.
Qua đó, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hình thành hệ thống thể chế có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh.
Trong 5 năm qua, nhiều "điểm nghẽn" về thể chế đã được Chính phủ phát hiện, xử lý. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh được tháo gỡ. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Trong nhiệm kỳ, cùng với việc Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách hành chính lớn. Năm 2016, xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con.
Năm 2018, cắt giảm, đơn giản hoá hơn 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Nhờ những nỗ lực lớn mà chúng ta đã đạt được những kết quả rất nổi bật. Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh theo các bảng xếp hạng toàn cầu.
Khoảng cách điểm số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so với nhóm các nước dẫn dầu ASEAN đang thu hẹp lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, ngày 15/11/2020. (Ảnh: TTXVN)
Đột phá về hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước
Một dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ này, đó là trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò kết nối, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Chúng ta cũng đã chuẩn bị rất tốt các hành trang hội nhập kinh tế quốc tế, với các hiệp định CPTPP, EVFTA, EVIPA, RCEP.
Với các hiệp định này, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đánh giá: Chính phủ đã tạo những đột phá về quan hệ kinh tế quốc tế cho sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Cuối năm ngoái, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán. Đây được coi là dấu ấn hội nhập đặc biệt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 khi thúc đẩy thành công ký kết một Hiệp định bao gồm 10 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam và 5 đối tác thương mại lớn là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand; chính thức tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, không có sự tham gia của Mỹ.
Hiệp định RCEP dự kiến sẽ tạo nên một thị trường với quy mô lên tới 2,2 tỉ người tiêu dùng; GDP gần 27.000 tỉ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.
Với việc ký kết 3 Hiệp định thương mại gần đây, Việt Nam đã mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có, bên cạnh RCEP là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết lên con số 16.
Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, Việt Nam đã liên tiếp ký kết 5 và đã thực thi 4 Hiệp định thương mại tự do. Quy mô và ưu đãi của từng Hiệp định ngày càng rộng mở. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các Doanh nghiệp Việt Nam và tăng cả sức đề kháng của nền kinh tế trong các năm qua.
Uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam, vì thế cũng tăng lên rõ rệt trên trường quốc tế. Các hiệp định thương mại đi vào thực thi đã giống như các tuyến cao tốc rộng mở, nối gần hơn doanh nghiệp Việt với thế giới.
Những kết quả này là nhờ định hướng chiến lược lớn của Đảng và Chính phủ về "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực", tự cường trên "Đại lộ" hội nhập.
Những nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua đã cho quả ngọt. Đơn cử như năm 2019, sau khi hiệp định CPTPP được thực thi, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.
Rõ ràng, năm 2020 vừa đi qua đã ghi lại dấu ấn của một Việt Nam vươn lên trở thành nước dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng GDP và là nước đi đầu trong hội nhập kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Kinh tế Việt Nam đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Những kết quả, thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào ấy là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, là sự hòa quyện của "Ý Đảng và lòng dân".
Những kết quả có tính bứt phá ấy càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới 2021-2030, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
PV (Theo VTV)
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...