Văn hóa cơ sở - nền tảng và tiềm năng

16/12/2020 11:22 AM


Thực hiện Quyết định số 22, ngày 5/1/2010, của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2008, ngày 30/8/2010 phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Một trong 4 nội dung của đề án này là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. 
 
Lan tỏa phong trào từ cơ sở 
 
Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, một trong những nội dung quan trọng là bảo tồn, phát huy vốn tinh hoa và bản sắc văn hóa truyền thống. Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, cùng 3 nội dung của Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, nội dung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc được chú trọng. Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, “Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu bằng sưu tầm, bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa của Nhân dân các dân tộc, nâng cao lòng tự hào về các giá trị văn hóa, khuyến khích sử dụng các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian trong hội thi, hội diễn… qua đó các giá trị văn hóa từng bước khôi phục, bảo tồn và phát huy”. Cùng đó là việc phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên ở Lâm Đồng cũng như các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 
 
Thành tựu này được thể hiện ở nhiều hoạt động khác nhau; trong đó, không thể không nói đến phong trào dân ca và nhạc cụ truyền thống do các câu lạc bộ (CLB) tự nguyện hình thành và duy trì trong các cộng đồng dân cư ở 12/12 huyện, thành phố. Ưu thế của tỉnh Nam Tây Nguyên vừa có dòng văn hóa các dân tộc bản địa như K’Ho, Mạ, Chu Ru và S’Tiêng; Lâm Đồng còn là nơi hội tụ rất nhiều dòng chảy văn hóa truyền thống khác đến từ các tỉnh, thành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trên cơ sở nhu cầu tự nguyện làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, từ tháng 10 năm 2017, hình thành 5 CLB với 70 hội viên, và tiếp tục phát triển đến nay đã có 27 CLB với trên 350 hội viên. Các CLB đã tổ chức 3 kỳ Liên hoan Dân ca và Nhạc cổ truyền (DC&NCT) tại thành phố Đà Lạt (năm 2018, 2019 và 2020). 
 
 
Chất lượng Liên hoan lần thứ 3 hơn mong đợi 
 
Lần thứ 3 vừa diễn ra 2 ngày 11, 12 tháng 11 với sự tham gia của 24 CLB thuộc 10 huyện, thành phố tại Nhà Văn hóa Lao động (NVHLĐ) ở Đà Lạt. Chương trình có trên 80 tiết mục, bao gồm dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc dân tộc, trích đoạn ca kịch dân ca… Các làn điệu dân ca được các hội viên-nghệ nhân và diễn viên (gọi tắt là hội viên (HV))  không chuyên thể hiện thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nhiều vùng, miền khác nhau. Từ dân tộc K’Ho, Mạ ở Tây Nguyên đến các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao… ở các tỉnh đến Lâm Đồng an cư lập nghiệp. Liên hoan thực sự là “bữa tiệc” lớn về đời sống văn hóa tinh thần bởi tính đa dạng và phong phú của các tiết mục biểu diễn. Đó là các giai điệu của người Tây Nguyên; các làn điệu chèo, ca trù, hát xẩm, quan họ, ví dặm, dân ca Liên khu V, các điệu lý, chầu văn, hò khoan, hát then, cải lương, ca vọng cổ… của các miền. Rất nhiều nhạc cụ truyền thống được dịp phô diễn tại Liên hoan trong niềm hứng khởi và đam mê như: sáo, nhị, đàn tranh, đàn bầu, đàn tính, đàn nguyệt, cồng, chiêng, đàn t’rưng, đàn ống, đàn tre… HV thuộc nhiều đối tượng: hưu trí, thương binh, cựu chiến binh, người khuyết tật, công nhân, giáo viên, công chức, viên chức và đặc biệt là lực lượng nông dân, người lao động. Độ tuổi trung bình từ 40-50; cao tuổi nhất là 88 tuổi là cụ Nguyễn Thị Dung, dân tộc Kinh, đến từ CLB xã Đinh Lạc, huyện Di Linh với tiết mục hát xẩm; ít tuổi nhất 12 tuổi, là học sinh lớp 6 Hoàng Văn Tiến, dân tộc Tày, đến từ CLB xã Phi Liêng, huyện Đam Rông với tiết mục đàn tính. Nhiều gương mặt HV từng là nhà quản lý ngành văn hóa như Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện, giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình huyện, trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở Văn hóa… Có những hội viên đóng góp nhiều công sức trong việc bảo tồn văn hóa cổ truyền như bà Hoàng Thị Bình, sáng lập các CLB văn hóa dân tộc Tày ở khu vực xã Phi Tô, Phi Liêng…
 
Ban giám khảo là những hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng: Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Đình Nghĩ (nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc tỉnh Lâm Đồng), nhạc sĩ Nguyễn Tánh (nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở VH,TT & DL) và nghệ sĩ Mạnh Đương (Trưởng Ban nhạc Xuân Hương Đà Lạt 20 năm nay, Chủ nhiệm CLB Dân ca và Nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng - thành viên của NVHLĐ). Nghệ sĩ Ưu tú, Trưởng ban Giám khảo, nhạc sĩ Đình Nghĩ nhận xét: “Liên hoan hết sức chỉn chu; các chương trình của các đơn vị đã tổ chức bài bản, có chiều sâu của vốn dân ca, dân vũ; chất nhạc cổ truyền rất đậm nét. Có những đơn vị vùng sâu, vùng xa có cả dàn nhạc đủ tranh, bầu, nhị, sáo là rất hiếm, rất quý. Liên hoan năm nay còn có cả dàn nhạc cổ truyền Tây Nguyên với nhiều màu sắc ấn tượng”.
 
Ông Nguyễn Mạnh Đương - Phó ban Tổ chức Liên hoan cho biết: “Lần này các hội viên tham gia đông hơn, đặc biệt là chất lượng của các CLB nâng lên rõ rệt”. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thức, 84 tuổi, đến từ CLB xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh nói: “Tôi tuy già nhưng vào CLB sinh hoạt để truyền đạt cho các con các cháu, cố gắng bảo tồn văn hóa của cha ông không thì để mai một mất”. Anh Trần Mạnh Thu - Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng không giấu cảm xúc: “Được tham gia Liên hoan như thế này chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Vì, chúng tôi là những người khuyết tật, cảm nhận thực sự rất bình đẳng giữa người khuyết tật và người không khuyết tật. Đây là niềm khích lệ để chúng tôi khát khao vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng…”.
 
Dư âm của Liên hoan DC&NCT các CLB tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3 thực sự sâu đậm. Nhưng vẫn còn những trăn trở như lời Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đương: “Tôi cũng day dứt rất nhiều rồi. Mức độ quan tâm đối với nền văn hóa dân tộc của cơ quan chức năng còn hời hợt, có cảm tưởng còn thiếu trách nhiệm. Tôi cứ thấy anh em từ vùng sâu, vùng xa, tự bỏ tiền tập luyện, mua sắm nhạc cụ và trang phục; tự túc đi lại ăn ở tham gia để Liên hoan thành công như thế này mà thương, nhưng không biết làm thế nào. CLB DC&NCT tỉnh Lâm Đồng vừa đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, nhiệm vụ đề ra là phát triển từ 400-500 hội viên và ngày càng nâng cao chất lượng nghệ thuật, nhưng kinh phí hoạt động vẫn là bài toán chưa có lời giải ?!”. 
 
Đã đến lúc chung tay phối hợp 
 
Chúng tôi đưa những tâm tư trên với lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng, Phó Giám đốc Nguyễn Anh Hùng trả lời: Chúng tôi rất trân trọng hoạt động của các CLB, đặc biệt có những CLB phát triển mạnh. “Sang năm, hoạt động Liên hoan này gộp vào Ngày Di sản văn hóa 23/11, phần DC&NCT này sẽ đưa vào một nội dung hoạt động chung của ngành. Sở giao cho Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh để hai bên cùng kết nối, đưa DC&NCT vào hoạt động thường niên”, ông Hùng nói. Còn ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hiện nay, CLB DC&NCT trực thuộc NVHLĐ nên mọi hoạt động không nằm trong kế hoạch của Trung tâm. Bên này cũng muốn tạo điều kiện cho CLB hoạt động, nhưng phải có cơ sở pháp lý. Vì vậy, NVHLĐ cần có văn bản gửi đơn vị chức năng của tỉnh để cùng bàn bạc, thống nhất đưa vào hoạt động ngay từ đầu năm. Có thể tổ chức hội nghị liên tịch giữa cơ quan chủ quản NVHLĐ và Sở VH,TT&DL Lâm Đồng; trên cơ sở này, Trung tâm mới triển khai thực hiện được, từ con người đến bố trí kinh phí”. 
 
Thành quả của phong trào DC&NCT của các CLB ở tỉnh Lâm Đồng là rõ. Hoạt động vừa bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền; vừa phục vụ các sự kiện chính trị ở địa phương; đồng thời làm phong phú đời sống tinh thần ở khu dân cư. Tổ chức và duy trì hoạt động đã đến lúc cần có sự phối hợp chủ động từ các bên. Vấn đề là “đường đi, nước bước” như ý kiến của ông Hoàng Mạnh Tiến.
 
MINH ĐẠO

Báo Lâm Đồng