Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

12/11/2020 02:21 PM


Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Lâm Đồng đã được triển khai đúng hướng và mang lại những kết quả nhất định. 
 
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
 
Đó là nhận định của Tỉnh ủy trong việc thực hiện “tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” trên địa bàn Lâm Đồng trong 5 năm qua. Theo đó, Lâm Đồng đặt trọng tâm tập trung vào nhiệm vụ cơ cấu lại các lĩnh vực có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2015 - 2020 đặt ra. Đồng thời, dựa vào quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm “kiến tạo” mô hình tăng trưởng mới cho giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, Lâm Đồng đã tiến hành tập trung cơ cấu lại các lĩnh vực với mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả nền kinh tế và có sức cạnh tranh cao.
 
Hiệu quả từ tái cơ cấu các lĩnh vực 
 
Một trong những nhiệm vụ đó là tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý và đến nay đã hoàn thành cổ phần hóa 100% doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa theo quy định; duy trì tốt hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa; thực hiện thoái vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp công ích đã cổ phần hóa theo lộ trình. Quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước đã thực sự thu được những kết quả tích cực trên thực tế. 
 
Đối với bất kỳ nền kinh tế nào không thể thiếu lĩnh vực tín dụng, nơi cung cấp nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Tỉnh ủy cho thấy, tổng nguồn vốn huy động năm 2020 ước đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 33.000 tỷ đồng, tăng 108,7% so với 2015; trong đó, tiền gửi dân cư 47.250 tỷ đồng, chiếm 75%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế và tiền gửi khác chiếm 25% nguồn vốn huy động trên toàn địa bàn. Tổng dư nợ năm 2020 đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, tăng 70.000 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2015; dư nợ ngắn hạn 74.580 tỷ đồng, chiếm 66%; dư nợ trung và dài hạn 38.420 tỷ đồng, chiếm 34%. 
 
Cơ cấu dư nợ theo ngành kinh tế: nông nghiệp chiếm 43%, công nghiệp - xây dựng chiếm 7%, thương mại - dịch vụ chiếm 50%. Trong khi đó, tổng nợ xấu khoảng 700 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ. 
 
Những chỉ số trên đây có được do tỉnh đã tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; công khai, minh bạch chính sách tín dụng, gói hỗ trợ, lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận thuận lợi, bình đẳng; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.
 
Mặt khác, tái cơ cấu lại đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm, bức xúc. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo ghi nhận, tổng mức đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 5 năm qua liên tục tăng, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP trung bình đạt 35-36%. Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư công chiếm khoảng 12-14%, còn lại là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân, FDI và nguồn vốn tín dụng. Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 130 ngàn tỷ đồng, theo đó, vốn của khu vực tư nhân chiếm khoảng 75%; tập trung vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... 
 
Đặc biệt là việc cơ cấu thu ngân sách nhà nước tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, bền vững, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức 88% năm 2015 lên mức 94% vào năm 2020. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, nếu trong năm 2015, tỷ trọng chi đầu tư phát triển là 21% và chi thường xuyên là 79% tổng chi ngân sách thì đến năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26% và chi thường xuyên là 74% tổng chi ngân sách. Ngoài ra, Lâm Đồng cũng thực hiện tốt việc giao quyền tự chủ về tài chính, biên chế và sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh theo quy định.
 
Tăng trưởng ngành sau tái cơ cấu
 
Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã tập trung vào cơ cấu lại các ngành kinh tế và đạt nhiều kết quả. Cụ thể, đối với ngành Công nghiệp, tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao trong toàn ngành với khoảng 73,7% và tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng bình quân toàn ngành 12%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp gấp 1,3 lần so với 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5%; giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha, tăng 33,6 triệu đồng/ha so với năm 2015. Để thực hiện điều này, Lâm Đồng đã tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có thị trường xuất khẩu đa dạng, tiến hành đồng bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường gắn với phát triển thương hiệu. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân, để tạo đột phá đưa Lâm Đồng là một trong những địa phương có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất cả nước.
 
Riêng đối với ngành Dịch vụ, tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các loại dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm có thế mạnh và năng lực cạnh tranh cao. Theo đó, ngành Du lịch tiếp tục phát triển; lượng khách du lịch tăng qua các năm, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,9%/năm; phát triển du lịch gắn với phát triển rừng bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng các loại hình du lịch, dịch vụ mới; xúc tiến, quảng bá, mở rộng các tour, tuyến, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch trong nước và quốc tế được tăng cường.
 
Việc cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành quan trọng trong phát triển kinh tế đã mang lại chuyển biến rõ nét về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khá cao, bình quân 5 năm (2016 - 2020) tăng 8,0% và dự báo năm 2020 - do ảnh hưởng dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 6,73-6,83%. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 5,0%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, khu vực dịch vụ tăng 11,2%.
 
Tiếp tục thực hiện mục tiêu
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 33,1% năm 2015 lên 40,4% năm 2020; nông, lâm, thủy sản giảm từ 49,4% năm 2015 xuống còn 40,3% năm 2020; công nghiệp - xây dựng tăng từ 17,5% năm 2015 lên 19,3% năm 2020.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn nhiều khó khăn từ nội tại của nền kinh tế: Chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; quy mô các ngành kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng vẫn còn dựa vào các lợi thế về tài nguyên, đất đai, khoáng sản,...; hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ hiện đại và lao động có kỹ năng chưa nhiều. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phát triển chưa mạnh; sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ tuy đã có chuyển biến nhưng quy mô nhỏ, tỷ trọng xuất khẩu nông sản chưa tương xứng với tiềm năng; doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, thu mua, bảo quản và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp phần lớn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; số ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, hiện đại còn ít. Các ngành dịch vụ chất lượng cao chưa phát triển; nhất là các loại hình du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô lớn, chất lượng cao phát triển chậm. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm... 
 
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ tiến hành thực hiện tốt các nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa các ưu thế của tỉnh để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm huy động tối đa các nguồn vốn xã hội để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, phát triển khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển phải gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ. 
 
Với các bước đi trên, có thể tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh sẽ góp phần huy động mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế Lâm Đồng nhanh và bền vững.
 
XUÂN TRUNG

https://baohiemxahoi.gov.vn