Tăng giá dịch vụ y tế: khuyến khích người chưa có thẻ BHYT nên mua BHYT
14/03/2016 07:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 01/03/2016. Việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng thế nào đến người tham gia BHYT? Phóng viên Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Nga Giang – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng xung quanh vấn đề này.
Bà Bùi Thị Nga Giang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng
* PV: Xin bà cho biết từ ngày 01/03/2016 người có thẻ BHYT sẽ được lợi gì cũng như sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi tăng giá dịch vụ KCB theo quy định tại TT số 37?
- Bà Bùi Thị Nga Giang: Như chúng ta đã biết, biểu giá viện phí quy định tại Thông tư số 03 và 04 của liên Bộ y tế và bộ tài chính quy định mới chỉ là thu một phần viện phí bao gồm 3/7 yếu tố cầu thành giá các dịch vụ KCB. Trong khi đó kinh phí mà NSNN cấp tính trên đầu giường bệnh cho các cơ sở KCB thì chưa đủ, nên nhiều cơ sở KCB yêu cầu người bệnh chi trả thêm các khoản viện phí trong đó có cả một số loại thuốc, hóa chất, VTYT đặc biệt và VTYT thay thế chưa được kết cấu vào giá trong đó có bệnh nhân BHYT.
Biểu giá dịch vụ KCB lần này sẽ tính đủ 5/7 yếu tố cấu thành giá bao gồm: chi phí trực tiếp cho người bệnh như thuốc, dịch truyền, hóa chất, VTYT...; các chi phí đặc thù: như tiền trực, tiền thực hiện các phẫu thuật thủ thuật và chi phí tiền lương của cán bộ y tế...với mục đích là giảm chi từ NSNN cho ngành y tế chuyển sang chi từ nguồn quỹ BHYT, nên người bệnh BHYT sẽ không phải chi trả thêm cho cơ sở KCB nữa thay vào đó là cơ quan BHXH sẽ thanh toán đầy đủ cho cơ sở KCB
Mặt khác khi giá viện phí được tính đủ các chi phí như nêu trên thì các cơ sở KCB cơ bản sẽ có đủ kinh phí để thực hiện các dịch vụ KCB, người có thẻ BHYT sẽ được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế mới hơn, cao hơn ngay tại cơ sở KCB tuyến dưới mà không phải chuyển tuyến nhiều như trước đây.
Tăng giá dịch vụ KCB lần này chỉ ảnh hưởng đến một số nhóm đối tượng phải thực hiện cùng chi trả 5% và 20% chi phí KCB, còn những đối tượng được thụ hưởng 100% chi phí KCB như các đối tượng chính sách, người có công CM, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo...hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên với nhóm đối tượng thực hiện cùng chi trả 5% hoặc 20% mà khi mức cùng chi trả trong năm bằng 6 tháng lương cơ sở (khoảng 6,9 triệu đồng) thì những đối tượng này không phải thực hiện cùng chi trả nữa, cơ quan BHXH sẽ cấp cho đối tượng giấy xác nhận không cùng chi trả cho đến hết năm đó.
* PV: Việc điều chỉnh tăng giá viện phí tác động thế nào đến người không có thẻ BHYT nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thưa bà?
- Bà Bùi Thị Nga Giang: Theo lộ trình quy định tại TT 37 trước mắt chỉ điều chỉnh giá dịch vụ KCB đối với người có thẻ BHYT, người chưa có thẻ BHYT thì chưa điều chỉnh và vẫn áp dụng mức giá như hiện nay. Về lâu dài thì những người chưa có thẻ BHYT cũng phải thực hiện theo mức giá viện phí quy định tại TT số 37. Luật BHYT cũng đã quy định BHYT là bắt buộc và đưa ra lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020 nhằm để giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi không may bị đau ốm, bệnh tật. Vì vậy nếu người chưa có thẻ BHYT khi không may bị đau ốm, bệnh tật nhất là những bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo mà theo mức thu viện phí như hiện nay thì sẽ gặp nhất nhiều khó khăn khi mà nguồn tài chính của chính bản thân họ, gia đình họ không đảm bảo được (có những giá DVYT tăng cao gấp 5-7 lần mức giá như hiện nay). Trên thực tế như chúng ta đã biết nhiều người bệnh bị mắc các bệnh như suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo chu kỳ thông thường 3 lần/tuần theo mức giá cũ là 368.000 đồng/lần, chi phí mà cơ quan BHXH thanh toán cho cơ sở KCB cho một người phải chạy thận nhân tạo trong một tháng bình quân là từ 7-9 triệu đồng. Mức giá mới theo quy định tại TT số 37 thực hiện từ 01/3/2016 là, 499.000 đồng/lần, mức giá thực hiện từ 01/7/2016 là 543.000 đồng/lần chưa kể các chi phí khác kèm theo như tiền các loại thuốc kích tạo hồng cầu, tiền cận lâm sàng, tiền giường bệnh... Do vậy những người chưa có thẻ BHYT nếu không may mắc những bệnh như nêu trên thì gặp rất nhiều khó khăn kể cả đối với những gia đình có kinh tế khá giả cũng trở thành người nghèo.
Chính vì vậy Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này đã khuyến khích những người chưa có thẻ BHYT nên mua BHYT theo hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng cho các thành viên. Cụ thể: người thứ nhất đóng 100% mệnh giá (khoảng 621.000 đồng/người/năm), người thứ hai, thứ ba, thứ tư chỉ phải đóng 70%,60%,50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi mức đóng chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
* PV: Nhiều ý kiến của người dân còn băn khoăn đó là việc tăng biểu giá viện phí như hiện nay liệu y đức của người cán bộ y tế cũng như chất lượng KCB có được cải thiện không? Về phía cơ quan BHXH bà có suy nghĩ gì về ý kiến trên?
- Bà Bùi Thị Nga Giang: Theo tôi nghĩ việc nâng cao y đức của người cán bộ y tế là một việc làm thường xuyên, liên tục của ngành y tế. Trong thời gian vừa qua ngành y tế Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các cơ sở KCB phải đổi mới phong cách, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm để phục vụ. Bên cạnh đó hầu hết các cơ sở KCB đã thực hiện cải cách quy trình KCB tạo sự liên hoàn giữa khâu khám bệnh và thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng; đã tăng số lượng bàn khám bệnh nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh.
Nhiều cơ sở KCB đã được đầu tư thêm các trang thiết bị y tế mới, nhiều cán bộ y tế được cử đi đào tạo mới, đào tạo nâng cao, bổ sung thêm nhiều Y, Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế chuyên sâu; tạo điều kiện cho người dân của tỉnh Lâm Đồng sớm được tiếp cận với các kỹ thuật y tế chuyên sâu ngay tại tỉnh mà không phải đi lên tuyến cao hơn. Là cơ quan thay người bệnh có thẻ BHYT để chi trả các chi phí KCB cho cơ sở KCB, chúng tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế trong thực hiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà với việc điều chỉnh giá viện phí như hiện nay thì chất lượng KCB sẽ ngày càng được nâng cao hơn, hướng tới đáp ứng hơn nữa sự hài lòng của người bệnh nói chung trong đó có bệnh nhân BHYT.
* PV: Theo quy định thì từ ngày 01/01/2016 người tham gia BHYT được KCB thông tuyến. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay rất nhiều người dân chưa nắm rõ quy định này, xin bà cho biết cụ thể hơn?
- Bà Bùi Thị Nga Giang: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì từ ngày 01/01/2016 người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, PKĐK hoặc tại các Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố, được quyền KCB thông tuyến (cả ngoại trú và nội trú) tại các trạm y tế tuyến xã, PKĐK hoặc tại các TTYT tuyến huyện, thành phố trong cùng địa bàn tỉnh mà không phải là KCB trái tuyến nữa và được hưởng quyền lợi KCB BHYT như một trường hợp KCB đúng tuyến. Từ ngày 01/01/2021 người có thẻ BHYT được KCB nội trú thông tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
Ví dụ: Một bệnh nhân A đăng ký KCB BHYT ban đầu tại TTYT huyện Lâm Hà thì kể từ ngày 01/01/2016 trở đi khi không may bị đau ốm, bệnh nhân A có thể đến KCB tại TTYT Đức Trọng hoặc bất kỳ một TTYT nào khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và kể từ ngày 01/01/2021 trở đi bệnh nhân A đến KCB nội trú tại BVĐK tỉnh B (ngoài tỉnh Lâm Đồng) mà có xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng cùng với một giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ thì sẽ được hưởng quyền lợi KCB BHYT ngay tại TTYT Đức Trọng hoặc tại BVĐK tỉnh B theo mức hưởng được quy định.
BH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...