Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

29/08/2024 08:31 AM


Được triển khai từ năm 2022 đến nay, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân vùng đồng bào DTTS về bình đẳng giới.

Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ loa tuyên truyền cho các Tổ truyền thông cộng đồng xã Gia Bắc để phục vụ công tác tuyên truyền

Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn, thành lập và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng, nâng cao năng lực vận hành và quản lý tổ truyền thông. Đồng thời hướng dẫn đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản cho các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ chuyên trách Hội LHPN huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo… tại các huyện triển khai thực hiện Dự án 8. Bên cạnh đó, tập huấn nâng cao năng lực cho 4 tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn Bộ Bê, Nao Sẻ, Hà Giang, Ka Sá của xã Gia Bắc, huyện Di Linh. Đây là Tổ truyền thông cộng đồng điểm được Hội LHPN tỉnh thành lập nhằm tuyên truyền, từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa lạc hậu vùng đồng bào DTTS. 

Sau khi Hội LHPN tỉnh ra mắt điểm Tổ truyền thông cộng đồng, Hội LHPN các huyện Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương đã thành lập 72 Tổ truyền thông cộng đồng tại 72 thôn thuộc dự án, hỗ trợ các thiết bị cần thiết cho tổ truyền thông cộng đồng như: loa kéo, micro… Các Tổ truyền thông cộng đồng tổ chức 100 buổi truyền thông với các nội dung về phòng, chống ma túy, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, an toàn giao thông, hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử, một số nội dung của Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới” và một số quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới… 

Cùng với đó, Hội LHPN các cấp thành lập Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong các trường học vùng đặc biệt khó khăn, với sự tham gia của các em học sinh nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ em, giáo viên, cha mẹ, người dân tại cộng đồng và cán bộ địa phương trong thực thi quyền và nghĩa vụ của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc, tảo hôn… Qua đó đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, tạo dựng được mạng lưới có sự hỗ trợ để các bạn trẻ tiên phong trong xây dựng cộng đồng an toàn và không bạo lực giới. Đến nay, ngoài Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” điểm do Hội LHPN tỉnh ra mắt tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Gia Bắc (huyện Di Linh), Hội LHPN 7 huyện thực hiện Dự án 8 đã thành lập 24 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. 

Các cấp Hội còn chú trọng trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Tổ chức các hội nghị tập huấn, các buổi truyền thông về xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em và phòng, chống mua bán người; cung cấp kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật, kiến thức và kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống bạo lực gia đình… 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông qua các hoạt động của Dự án 8 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân vùng đồng bào DTTS về bình đẳng giới, khuôn mẫu giới; phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các kiến thức về hôn nhân và gia đình… Đội ngũ cán bộ thực hiện đã tiếp cận được những kiến thức, kỹ năng và tự tin, mạnh dạn trong công tác truyền thông. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội; nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện…

Báo Lâm Đồng

  • TIN BÀI LIÊN QUAN