Đà Lạt bứt phá xây dựng thành phố thông minh

14/12/2022 11:24 AM


Trong thời gian qua, công tác xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng cách tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và mức độ hài lòng của người dân; góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân, mang lại nhiều tiện ích.
 
Thành phố Đà Lạt đang tiếp tục chuyển mình, khẳng định thương hiệu “Thành phố thông minh”. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Thành phố Đà Lạt đang tiếp tục chuyển mình, khẳng định thương hiệu “Thành phố thông minh”. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
 
• DẤU ẤN TRONG ĐIỀU HÀNH THÔNG MINH
 
Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng, miền. Qua đó, góp phần quan trọng giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa. 
 
Trong giai đoạn mới hiện nay, Việt Nam đã và đang tiếp tục khuyến khích sáng tạo các sản phẩm tiên tiến, mong muốn mang đến người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, xanh hơn, hạnh phúc hơn. 
 
Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) là giải thưởng thường niên được VINASA tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
 
Mới đây, ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đã tham dự lễ đón nhận Giải thưởng Thành phố thông minh sau một thời gian dài toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Lạt nỗ lực thực hiện. Giải thưởng Thành phố thông minh được trao cho Đà Lạt thuộc lĩnh vực Thành phố điều hành, quản lý thông minh. 
 
Bắt tay vào triển khai xây dựng Đề án Thành phố thông minh, Đà Lạt đã thực hiện Kiến trúc ICT và Hạ tầng dữ liệu của chương trình. Với lợi thế đi từ lớp dưới cùng là lớp hạ tầng cho đến lớp ứng dụng, tương tác với các đối tượng người dùng chính trong lĩnh vực quy hoạch đô thị là người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Các thành phần trong khung giải pháp sẽ được xây dựng trên nền tảng các công nghệ hiện đại theo các tiêu chuẩn mở để đáp ứng nhu cầu tương thích cao giữa giải pháp, thiết bị của nhiều nhà cung cấp, cũng như sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tích hợp với các hệ thống khác trong quy hoạch triển khai đô thị thông minh của thành phố Đà Lạt. 
 
Trong 10 năm trở lại đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thành phố Đà Lạt trở thành một trong những đô thị đáng sống trên đất nước Việt Nam, dân số trên địa bàn tăng cao, hạ tầng kỹ thuật đô thị không kịp đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và du khách.
 
Lung linh ánh sáng nghệ thuật bên hồ Xuân Hương. Ảnh: Diễm Thương
Lung linh ánh sáng nghệ thuật bên hồ Xuân Hương. Ảnh: Diễm Thương
 
• CÔNG NGHỆ THÔNG MINH MANG LẠI NHIỀU TIỆN ÍCH
 
Kết quả nổi trội của thành phố Đà Lạt được cơ quan Trung ương, cơ quan chuyên môn ghi nhận đó là đã số hóa dữ liệu được 116.848 thửa đất cho 12 phường và 4 xã; số hóa dữ liệu quy hoạch cho 17 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt; số hóa dữ liệu giao thông: 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm. Hiện nay, ứng dụng đã có được 48.472 lượt tải cùng với hơn 1,17 triệu lượt truy cập website.
 
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại thông minh đã mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cho chính quyền và người dân. Cụ thể, Cổng Thông tin Công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt được xây dựng trên nền tảng GIS cung cấp một công cụ quan trọng, cấp thiết để thành phố, cơ quan chuyên môn như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Đà Lạt và UBND các phường, xã thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng. Điển hình như đã tích cực hỗ trợ định vị vị trí lô, thửa đất, công trình trên giấy phép bằng nhiều cách: từ số hiệu bản đồ, số hiệu thửa đất; từ địa chỉ thửa đất hoặc địa chỉ công trình; từ danh sách tọa độ thửa đất; định vị tại thực địa bằng GPS; định vị, biên tập trực tiếp trên bản đồ,... Tiếp tục kế thừa và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về quy hoạch đô thị và xây dựng, giúp công tác quản lý, phát triển đô thị đáp ứng được yêu cầu của công tác chuyển đổi số của thành phố. Ngày nay, thành phố đã hoàn chỉnh việc cung cấp công cụ để người dân và doanh nghiệp tìm hiểu, tra cứu khi có nhu cầu; giúp minh bạch, công khai cơ sở dữ liệu về quy hoạch, tạo tiền đề để công dân góp phần cùng với cơ quan nhà nước quản lý trên lĩnh vực đất đai, xây dựng...
 
Kế thừa những thành quả của việc hoàn chỉnh công nhận thành phố thông minh, trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền thành phố tiếp tục kêu gọi các địa phương, đơn vị trong toàn thành phố tiếp tục cập nhật, góp ý, phản ánh để cùng chung tay xây dựng phát triển thành phố “Đà Lạt thông minh”, một thành phố ngày càng thịnh vượng trong vòng xoay chung chuyển đổi số toàn cầu vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng.
 
NGUYỆT THU

Báo Lâm Đồng