Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Di Linh

25/04/2022 10:06 AM


Một trong những nguyên nhân gây khó khăn lớn trong công tác quản lý việc khai thác khoáng sản ở huyện Di Linh là hầu hết các loại khoáng sản phân bố phân tán trên diện rộng, nơi có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, xa xôi, không tập trung nên khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ.
 
CSGT đường thuỷ tuần tra trên sông Đồng Nai
CSGT đường thuỷ tuần tra trên sông Đồng Nai
 
Theo báo cáo của UBND huyện Di Linh, qua công tác kiểm tra và theo dõi các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn trong những năm qua thì có 6 doanh nghiệp chưa chấp hành đầy đủ các quy định về khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường. Do đó các doanh nghiệp này đều đang phải tạm ngưng hoạt động theo văn bản của UBND tỉnh bao gồm các doanh nghiệp: Công ty DNTN XN XD CĐ Vinh Quang; DNTN Nguyễn Văn Hiền; Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai khoáng Bảo Nguyên; DNTN Đoàn Dung; DNTN Lê Tám, Công ty TNHH LHP Tiến Phong. Số liệu thống kê mới nhất, trên địa bàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho phép nạo vét, kết hợp thu hồi khoáng sản.
 
Thực hiện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thời gian qua, huyện Di Linh đặc biệt quan tâm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản. Huyện đã phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường thanh tra việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản. Cụ thể đã thanh tra việc chấp hành quy định về khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Khai thác Lộc Đại Phát và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng; phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra vị trí xin đầu tư dự án tinh lọc cát tại xã Tân Lâm của Công ty TNHH Diệu Thiện; rà soát, đề xuất quy hoạch cục bộ vị trí thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện; và nhiều công ty khác… Theo số liệu của UBND huyện, năm 2020, huyện đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4 trường hợp khai thác khoáng sản (đá, cát) trái phép với tổng số tiền 143 triệu đồng. Năm 2021, qua kiểm tra, huyện cũng đã phát hiện và xử lý 10 trường hợp vi phạm hành chính, trong đó, có 1 trường hợp vi phạm về khoáng sản và đã xử phạt với tổng số tiền là 15 triệu đồng; 9 trường hợp hủy hoại đất với số tiền 302 triệu đồng. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, huyện đã đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tham mưu xử lý 42 trường hợp vi phạm về san gạt cải tạo mặt bằng với số tiền 173,5 triệu đồng; 9 trường hợp về khoáng sản và san gạt cải tạo mặt bằng với số tiền 28 triệu đồng. Năm 2022, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cũng tham mưu cho UBND huyện xử phạt 3 trường hợp hủy hoại đất với tổng số tiền 72,5 triệu đồng. 
 
Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, Di Linh là huyện có địa bàn rộng, phức tạp, cán bộ phụ trách lĩnh vực khoáng sản hiện còn kiêm nhiệm một số nhiệm vụ khác, do đó, thời gian dành để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Mặt khác, phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, UBND một số xã, thị trấn chưa thật sự chú trọng công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ khoáng sản, vẫn còn tình trạng né tránh, trông chờ, ỷ lại ở cơ quan chuyên môn cấp trên nên công tác quản lý khoáng sản vẫn chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Cùng với đó, công tác quản lý khoáng sản tại khu vực các lòng hồ như hồ Hàm Thuận Đa Mi, xã Hòa Bắc, dọc sông Đồng Nai… gặp những khó khăn do phương tiện thô sơ, hạn chế. Trong khi đó, các đối tượng hoạt động khai thác khoáng sản lại hoạt động rất tinh vi, chúng thường ngay lập tức bỏ trốn, hoặc di dời máy móc phương tiện ra khỏi hiện trường khi biết được thông tin kiểm tra của đoàn kiểm tra. Trong khi đó, hiện, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện không đủ con người, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ để trinh sát, điều tra bắt quả tang khi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính... dẫn đến, trong thời gian qua vẫn còn một số vị trí khai thác khoáng sản trái phép phát hiện chậm hoặc một số vị trí phát hiện và đã xử lý nhưng lại để tái phạm…
 
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, UBND huyện cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND tỉnh cùng với các chỉ đạo khác của tỉnh trong lĩnh vực khoáng sản. Giao công an các xã, thị trấn nắm chắc địa bàn, cử người thường xuyên kiểm tra các khu vực, vị trí có dấu hiệu khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép, san lấp ao, hồ, sông, suối, ngăn dòng chảy để có biện pháp xử lý kịp thời và triệt để. Huyện cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác trái phép nhằm kiểm soát chặt chẽ trữ lượng khai thác và quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác. Ngay cả các tổ chức, cá nhân dù đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vi phạm các quy định cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
 
NGUYÊN THI

Báo Lâm Đồng