VẼ DIỆN MẠO MỚI CHO ĐÀ LẠT: Nên khơi nguồn từ bản sắc riêng

23/02/2024 08:28 AM


Đà Lạt luôn níu chân du khách bởi nét đẹp thơ mộng, lãng mạn cùng khí hậu ôn hòa, dễ chịu. Nhắc đến Đà Lạt, người ta thường nghĩ đến những rừng thông xanh rì rào, những con dốc uốn lượn, những biệt thự cổ kính và những vườn hoa rực rỡ sắc màu.

Tuy nhiên, ẩn sâu trong vẻ đẹp ấy là một Đà Lạt đang dần đánh mất bản sắc vốn có. Những khu nhà cao tầng mọc lên, những khu du lịch ồn ào náo nhiệt, sao chép từ vùng này, vùng khác không phù hợp với phong cách người Đà Lạt, văn hoá, không gian Đà Lạt xuất hiện ngày càng nhiều... đang dần thay thế cho những nét đẹp xanh và thơ mộng của Đà Lạt xưa.

Năm 1921, Toàn quyền Maurice đã giao nhiệm vụ thiết kế và phát triển Đà Lạt từ một khu nghỉ dưỡng thành thủ phủ hành chính của Liên bang Đông Dương khi cần thiết cho kiến trúc sư Hébrard. Sau hai năm nghiên cứu, vào năm 1923, dự án được hoàn thành, và được Toàn quyền Maurice Long phê duyệt. Đà Lạt, dưới chỉ đạo của Ernest Hébrard, được quy hoạch theo nguyên tắc “Quy hoạch thành phố vườn” và “Quy hoạch thuộc địa”, được mong đợi là một thành phố nghỉ dưỡng trên núi kiểu mẫu. Kiến trúc sư Hébrard đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ cảnh quan và yếu tố mỹ quan của thành phố. Xuyên suốt dự án, ý tưởng của Ernest Hébrard là “thành phố trong cỏ cây và cỏ cây trong thành phố”. Đà Lạt sẽ là một thành phố sinh thái mà không xuất hiện những ống khói từ nhà máy công nghiệp.

Vào năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã trình bày một nghiên cứu mới có tiêu đề “làm đẹp TP Đà Lạt”. Ông đưa ra một ý tưởng thực tiễn hơn, với tôn chỉ vẫn là vấn đề bảo vệ mỹ quan đô thị. Ông đề nghị việc mở rộng xây dựng thêm các hồ, công viên, đồng thời bố trí các địa điểm xây dựng phù hợp với cảnh quan và khí hậu của địa phương... Để bảo vệ “hình ảnh toàn cảnh của cao nguyên với cảnh đẹp tuyệt vời”, tạo ra một khu vực có hình quạt lớn, không bị ảnh hưởng bởi các mảng kiến tạo, bắt nguồn từ Đà Lạt và hướng ra núi Lang Biang, khu vực này có thể trở thành công viên, rừng săn bắn hoặc vườn quốc gia. Dù không được chấp thuận, nhưng một số ý tưởng của kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã được ghi nhận và thực thi sau đó, đặc biệt là những cảnh quan được bảo tồn với các mỏ khoáng sản lớn, hiện đang chờ các dự án đầu tư. Trong tương lai, dự án của Louis Georges Pineau vẫn vô cùng bắt mắt, và được quan tâm nghiên cứu bởi những người kế nhiệm trong giai đoạn tiếp theo của các dự án chỉnh trang đô thị Đà Lạt.

Liên quan đến các chức năng đô thị, kiến trúc sư Jacques Lagisquet đã làm rõ và làm nổi bật những nét đặc trưng riêng của Đà Lạt: trung tâm hành chính, thành phố nghỉ dưỡng, thành phố giáo dục, trung tâm văn hóa và du lịch. Kiến trúc sư Jacques Lagisquet đã giải quyết được mâu thuẫn giữa yếu tố nén của một thành phố trung tâm và thuộc tính phân tán của một thành phố vườn.

Ông đề xuất, các quy tắc thiết kế cho Đà Lạt nên tập trung vào 5 yếu tố để phát triển ngành du lịch và được tích hợp vào cả thiết kế cơ sở hạ tầng của thành phố, trong tổ chức các hoạt động công cộng và tư nhân. Thành phố nên được tổ chức như là điểm đến đầu tiên cho các sự kiện; điểm đến du lịch nông nghiệp; điểm đến cho sức khỏe tự nhiên, nghỉ hưu và hồi phục; một điểm xuất phát cho những cuộc phiêu lưu mới, cũng như là một nơi cư trú cố định cho những chuyên gia liên quan đến nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh, các tỉnh ven biển miền Trung và những thành phố lân cận khác.

Trong tất cả các mục tiêu tổng hợp này, Đà Lạt phải là nơi có những khu dân cư cao cấp, khiến cuộc sống ở đây trở nên đặc biệt với bối cảnh lịch sử và văn hóa của khu vực, cũng như cung cấp những tiện ích mới nhất mà các chuyên gia từ Việt Nam và các nơi khác mong đợi.

 
 
 

Báo Lâm Đồng