Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật BHXH, BHYT

25/03/2019 05:00 PM


BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2019.

 

Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật BHXH, BHYT nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người lao động (Ảnh minh họa).

Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Quyết định số 3072/QĐ-BTP ngày 24/12/2018 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành và lĩnh vực trọng tâm năm 2019, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Theo đó, mục đích kế hoạch là nhằm tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2013 của Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan đánh giá tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Từ đó, kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiêu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện đầy đủ nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH địa phương trong việc triển khai thực hiện công việc được giao; bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; bảo đảm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH; kết hợp chặt chẽ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với công tác kiểm tra, rà soát văn bản và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Kế hoạch đề ra các nội dung cụ thể, gồm: Xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2019; thu thập, xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; theo dõi, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và tình hình ban hành văn bản tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH Việt Nam; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác tại Quyết định số 3027/QĐ-BTP ngày 21/12/2018 của Bộ Tư pháp.

Giao Vụ Pháp chế phối hợp với Trung tâm Truyền thông, Báo BHXH, Tạp chí BHXH, một số đơn vị nghiệp vụ và BHXH các tỉnh, thành tiếp nhận, thu thập thông tin phản ánh, dư luận từ các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân; thông tin của các đơn vị trực thuộc, BHXH địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ; thông tin từ kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra, giám sát, khảo sát của Ngành; thông tin từ kết quả phối hợp với các cơ quan thanh tra, điều tra, xét xử.

Đồng thời, Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì đánh giá về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tính hợp pháp, khả thi và kịp thời; phối hợp rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng giao các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện. BHXH các tỉnh, thành phố ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 tại địa phương và báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam.

 

PV