Thẻ BHYT điện tử: Kỳ vọng tạo bước đột phá
30/10/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, trong đó có quy định đến năm 2020 sẽ phải hoàn thành việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân. Thẻ BHYT điện tử sẽ mang lại lợi ích gì là băn khoăn của nhiều người tham gia BHYT. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng Ban Sổ - Thẻ có cuộc trao đổi với PV Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam về nội dung này…
Ảnh minh họa. Ảnh Dương Ngọc - TTXVN
PV: Ngay sau khi Nghị định được ban hành, PV đã có cuộc trao đổi với nhiều người tham gia BHYT, một số người dân băn khoăn, việc chuyển đổi từ thẻ BHYT giấy sang thẻ điện tử có thực sự khả thi, mang lại lợi ích cho phía cơ quan BHXH, bệnh viện và cho người tham gia BHYT, ông có thể chia sẻ để giải đáp những băn khoăn của bạn đọc?
Phó Trưởng Ban Sổ - Thẻ Nguyễn Văn Hiếu:
Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, ngày 08/5/2018 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công văn số 4173/VPCP-KSTT: “Giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan”.
Chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan như cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh và đặc biệt là người tham gia BHYT.
Đối với cơ quan BHXH: Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi lạm dụng quỹ BHYT do người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh phải thực hiện việc xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT, đồng thời rút ngắn thời gian làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh. Giảm thời gian thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thủ công.
Thông tin về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ BHYT điện tử để tiến tới dùng chung thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành.
Đối với cơ sở khám chữa bệnh: Việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân BHYT, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, đảm bảo nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử (trong chíp) được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh; kiểm tra thông tin các lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT gần nhất để tránh trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh và lấy thuốc không theo đợt điều trị.
Đối với người tham gia BHYT: Những người đang tham gia BHYT đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Người tham gia khi đi khám chữa bệnh BHYT không mang giấy tờ tùy thân có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt...
Việc cấp thẻ BHYT điện tử góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như: In gia hạn sử dụng thẻ BHYT hàng năm; đổi thẻ BHYT do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng; thu hồi thẻ BHYT còn giá trị sử dụng đối với người lao động báo giảm… Qua đó, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
PV: Thưa ông, vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất còn khá khó khăn, đội ngũ y, bác sĩ trình độ còn thấp, khi triển khai tại những khu vực này chắc hẳn sẽ rất khó khăn. Vậy theo ông, cần có những biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Trước khi tiến hành cấp thẻ BHYT điện tử trên phạm vi toàn quốc, BHXH Việt Nam sẽ triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, việc lựa chọn thí điểm sẽ được BHXH Việt Nam cân nhắc dựa trên điều kiện về kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất của địa phương.
Những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cũng sẽ có các biện pháp phối hợp cùng các Bộ, ngành hỗ trợ, khắc phục như:
Thứ nhất, tuyên truyền đến người dân, nâng cao nhận thức về lợi ích và cách thức sử dụng thẻ BHYT điện tử để người dân có thể hiểu và sử dụng thẻ BHYT điện tử khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ hai, trang bị, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho việc triển khai sử dụng thẻ BHYT điện tử tại cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo cho người dân có thể sử dụng thẻ và giải quyết các chế độ được thuận tiện.
Thứ ba, đào tạo, tập huấn cán bộ, nhân viên tại các cơ sở KCB để thực hiện tiếp nhận và giải quyết kịp thời cho người tham gia khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
PV: Quy trình chuyển đổi từ thẻ BHYT giấy sang thẻ điện tử sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang dự kiến việc cấp thẻ BHYT điện tử dự kiến sẽ làm theo phương thức cuốn chiếu, dễ trước khó sau. Quy trình cấp, đổi thẻ BHYT điện tử theo dự kiến về cơ bản vẫn áp dụng phương thức cấp, đổi thẻ như quy trình cấp thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH tức là sẽ thông qua đơn vị quản lý đối tượng để đổi thẻ. Và dù như thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng luôn đặt mục tiêu mọi thay đổi không được gây ra những xáo trộn lớn, và quyền lợi của người tham gia BHYT phải luôn được bảo đảm./.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...