Tìm kiếm các giải pháp triển khai Bộ Luật Hình sự với các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

11/10/2018 05:00 PM


Trong 02 ngày 11 và 12/10, tại Tp.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã chủ trì Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ Luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”. Hội thảo đã cùng nhận diện về các dấu hiệu pháp lý cụ thể của tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và thảo luận về một số nội dung cần hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao, cũng như xác định trách nhiệm của Ngành BHXH trong việc thực hiện tố tụng hình sự để xử lý tội phạm trong lĩnh vực này;…

 

Toàn cảnh phần thảo luận tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục, Ban thuộc các Bộ, ngành liên quan (Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tổng Cục Thuế, Cục Cảnh sát điều tra về kinh tế và tham nhũng,…); cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tội phạm hình sự; đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của BHXH Việt Nam; đại diện lãnh đạo BHXH 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Bình Định)…

Hình sự hoá các vi phạm về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: Vấn đề cấp thiết

Chia sẻ nguyên nhân dẫn tới việc hình sự hoá các vi phạm về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Bộ Luật Hình sự (BLHS), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng cho biết: Trong những năm gần đây, thực trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, mang tính chất tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội (ASXH), ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư để phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế thị trường và hội nhập thì việc bảo đảm sự ổn định và phát triển của chính sách ASXH, bảo vệ lực lượng lao động trong xã hội là một yêu cầu tất yếu. Do vậy, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 04 tội danh liên quan đến lĩnh vực này gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận BHYT (Điều 215); Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ (Điều 216) là điều tất yếu.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng nhận định, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 04 tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm là điều tất yếu.

Ông Trần Văn Dũng nhận định, sự ra đời của BLHS năm 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, BLHS đã quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức - pháp nhân thương mại. Điều này làm thay đổi tư duy có tính truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây.

“Đặc biệt, trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân là các DN diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, có xu thế tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của giống nòi, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống an lành của người dân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, BLHS với những biện pháp cứng rắn có hiệu lực sẽ ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của loại pháp nhân này; đảm bảo sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững của xã hội và để thực hiện một trong những quyền hiến định của người dân đó là quyền được sống trong một môi trường trong lành và được đảm bảo ASXH”, ông Trần Văn Dũng chia sẻ.

Chung quan điểm về vấn đề này, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân tối cao) Nguyễn Chí Công cho biết: Việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm không chỉ thể hiện các hành vi vi phạm này có tính chất phổ biến và gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến mức phải dùng loại chế tài nghiêm khắc nhất - chế tài hình sự để xử lý, mà còn thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân, NLĐ và phát triển hệ thống ASXH. Những quy định này, cùng với các quy định mới của một loạt các đạo luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây (như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Tố tụng Hình sự…) đã tạo ra nhiều cơ chế để thực thi cũng như phương thức để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, lao động và trên thực tế nó đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định.

Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân tối cao) Nguyễn Chí Công nhận định, để các quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BLHS năm 2015 được triển khai có hiệu quả, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Công cũng nhận định, để các quy định nêu trên của BLHS được áp dụng thống nhất, đúng pháp luật trong thực tiễn thì cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao với một số vấn đề như: Cần hướng dẫn để thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm, tình tiết trong các điều luật (cụ thể như: Gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp...); xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp;…

Thông tin về những dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Hội thảo, ông Hồ Quang Hùng, Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) cho rằng: Việc quy định các tội danh này là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Để làm được điều này, thứ nhất cần dựa trên các dấu hiệu phạm tội cụ thể về: Khách thể của tội phạm; mặt khách quan - chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm. Thứ hai, phải có đủ các các chứng cứ chứng minh tội phạm trong lĩnh vực này như: Chứng cứ về chủ thể, về mặt khách quan của tội phạm; chứng cứ chứng minh mặt chủ quan của tội phạm, cùng các chứng cứ khác xác định trách nhiệm hình sự. Theo đó, hình thức của chứng cứ sẽ gồm: Vật chứng; tài liệu giấy tờ; lời khai người làm chứng; lời khai của bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản khám xét, khám nghiệm;....

Để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ông Hồ Quang Hùng đưa ra một số khuyến nghị như: Bộ Công an cần chủ động phối hợp hoặc phối hợp tích cực khi có yêu cầu với Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và BHXH Việt Nam sớm ban hành Thông tư hướng dẫn áp dụng các Điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này để bảo đảm nhận thức thống nhất trong xử lý đối với nhóm tội phạm này; cần bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thay vì viện dẫn các điều luật khác trong BLHS để xử lý như hiện nay; tiếp tục tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong quản lý và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua việc ký và thực hiện các Quy chế phối hợp. Đặc biệt trong đó, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cần tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nội dung của Quy chế Phối hợp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật

Cùng chia sẻ và thảo luận tại Hội thảo, thống nhất với quan điểm xuyên suốt của BHXH Việt Nam, các đại biểu đều đồng tình cho rằng, trước khi xử lý hình sự các vi phạm về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam cần tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chủ động như: Đẩy mạnh các biện pháp thực hiện công tác thu, thu nợ; tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ BHXH với thời gian kéo dài, số nợ lớn; thông tin rộng rãi tình hình nợ BHXH của các DN trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền về các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT được hình sự hoá tại BLHS… nhằm tăng tính cảnh báo, răn đe với các vi phạm.

Ths.Nguyễn Thị Hồng Thắm, Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, qua công tác thanh tra của Ngành BHXH đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, NLĐ, đảm bảo ASXH và trật tự an toàn xã hội.

Chia sẻ với những nỗ lực và kết quả đạt được của BHXH Việt Nam trong việc triển khai chức năng thanh tra đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, Ths.Nguyễn Thị Hồng Thắm, Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, trong thời gian qua, việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho cơ quan BHXH đã giúp tăng cường hơn nữa các hoạt động thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, NLĐ, đảm bảo ASXH và trật tự an toàn xã hội, hạn chế thất thoát, đảm bảo cân đối quỹBHXH, BHYT và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngày càng củng cố mục tiêu nhân văn của các chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước.

“Đặc biệt, trước tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT để trục lợi ngày càng phức tạp và số tiền nợ tăng, khả năng thu hồi khó, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Tuy nhiên, loại tội phạm về bảo hiểm ngày càng có dấu hiệu gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, ngoài các hành vi né tránh nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm, nợ quỹ BHXH tái diễn, còn phát sinh nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật khác với tính chất phức tạp, tinh vi hơn. Do vậy, thời gian tới cần có các giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đúng thời gian, trình tự, thủ tục, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi cho NLĐ”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm nhận định.

Từ thực tiễn công tác thanh tra và thanh tra liên ngành của Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua, Trưởng phòng Thanh tra BHXH (Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều DN trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thông qua việc thỏa thuận với NLĐ ký kết Hợp đồng lao động  dưới 3 tháng, 1 tháng, mùa vụ, khoán việc, hợp đồng cộng tác viên, học nghề hoặc thử việc để lách Luật. Đáng chú ý là do, những HĐLĐ này có thời hạn rất dài, lặp lại nhiều lần. Về mức đóng BHXH, thường chỉ là mức lương tối thiểu vùng hoặc đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia. Ngoài ra, tình trạng vi phạm quy định làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức và phục hồi sức khoẻ vẫn tiếp tục gia tăng… Do đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với BHXH Việt Nam và Cục Việc làm của Bộ này để tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra lao động, BHXH trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định, DN nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sẽ làm suy giảm niềm tin của NLĐ vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Đại diện cho phía NLĐ - đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Ths.Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ năm 2013 đến năm 2015, tổng số nợ BHXH tăng từ 6.257 tỷ đồng lên 7.061 tỷ đồng. Năm 2017, số nợ BHXH có giảm, nhưng vẫn ở mức 5.737 tỷ đồng. Trong đó, số nợ khó thu là 1.667 tỷ đồng; số nợ không thể thu hồi là 476 tỷ đồng, do các DN đã và đang giải thể, phá sản, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn. Những con số này cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân là DN diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, có xu thế tăng, với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS.

Đánh giá về hệ luỵ của vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu nhận định, tình trạng DN nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày một phổ biến, không chỉ làm cho NLĐ không được thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, vi phạm các quyền tham gia BHXH của NLĐ cả trước mắt và lâu dài, mà còn khiến cho NLĐ mất niềm tin vào DN, không muốn cống hiến, gắn bó lâu dài với DN, ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức cạnh tranh của DN; là một trong những nguyên nhân tạo nên sự mâu thuẫn, xung đột giữa NLĐ với người sử dụng lao động, phát sinh tình trạng ngừng việc tập thể, đình công tự phát của NLĐ gây bất ổn xã hội; làm suy giảm niềm tin của NLĐ vào tính nghiêm minh của pháp luật; không tạo được niềm tin để thúc đẩy, khuyến khích NLĐ tích cực tha gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ảnh hưởng tới việc củng cố nền ASXH của đất nước.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng chia sẻ với Hội thảo về những định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc bảo vệ NLĐ trước các hành vi xâm hại của tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với các nội dung như: Kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo, xem xét, khởi tố một số vụ án về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tạo sức răn đe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; ban hành hướng dẫn công đoàn các cấp trong kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chỉ đạo công đoàn các cấp chủ động phối hợp với cơ quan công an, các đơn vị, địa phương để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho đoàn viên công đoàn, NLĐ để họ biết, hiểu, chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tích cực phối hợp, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiếp tục kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH để đảm bảo thực hiện trong thực tiễn.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; TS.Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; TS.Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Toà án Nhân dân tối cao chủ trì phần thảo luận tại Hội thảo.

Trong phần thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ và gợi mở nhiều vấn đề xoay quanh việc triển khai thực hiện BLHS về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như: Các giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thẩm quyền xử phạt trong thanh tra chuyên ngành đóng của Ngành BHXH; trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành BHXH Việt Nam trong việc chuyển các dấu hiệu vi phạm, kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố với các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; làm rõ về khái niệm pháp nhân thương mại để làm căn cứ xác định tội phạm trong lĩnh vực này; kinh nghiệm triển khai hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan Công an và cơ quan BHXH trong việc phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; bài học kinh nghiệm qua công tác đấu tranh với các đối tượng có hành vì lừa đảo chiếm đoạt tiền BHYT trên địa bàn Tp.Hải Phòng;…

Qua chia sẻ, thảo luận, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao vai trò thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Ngành BHXH. Và thống nhất quan điểm, coi đây là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Do đó, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của Ngành BHXH như: Hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra.

Đảm bảo sự bền vững của hệ thống ASXH đất nước

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định, với các ý kiến tham gia và các bài tham luận hết sức đa dạng, phong phú, có giá trị về nhiều mặt, đã cung cấp cho Ngành BHXH những tư liệu mới, những đề xuất, kiến nghị và giải pháp hiệu quả, tạo cơ sở chặt chẽ giúp BHXH Việt Nam xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Ngành trong việc đưa ra được những định hướng để triển khai thực hiện BLHS về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian tới.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu kết luận Hội thảo.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Vụ Thanh tra - Kiểm tra và các đơn vị có liên quan trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội thảo và căn cứ từ các quy định của pháp luật liên quan để tiếp thu, nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện những quy định của BLHS về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý; đồng thời, BHXH Việt Nam mong tiếp tục nhận được những đóng góp, trao đổi của các đại biểu nhằm góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của Ngành BHXH và tăng cường quan hệ phối hợp không chỉ trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn trên các lĩnh vực công tác khác, để cùng BHXH Việt Nam góp phần đảm bảo sự bền vững của hệ thống ASXH đất nước./.

 

Theo BHXH VN