Nhiều giải pháp trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT
17/08/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 17/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp về việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Phó Chủ nhiệm thường trực Bùi Sỹ Lợi chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đại diện Bộ Y tế, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam cùng Sở Y tế và BHXH một số địa phương, một số BV tham gia KCB BHYT…
Quang cảnh cuộc họp.
Nhiều kết quả trong thực hiện chính sách BHYT
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo tính toán của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, đến năm 2020, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững của Quỹ BHYT, có một số vấn đề tác động trực tiếp đến quỹ cần được quan tâm, thảo luận để tìm giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ Y tế và các Bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Tiếp tục triển khai các quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn đã ban hành như: Nghị định của Chính phủ; các thông tư liên bộ, Thông tư của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện BHYT, giá dịch vụ y tế, tuyến chuyên môn kỹ thuật, đăng ký và chuyển tuyến KCB BHYT, danh mục thuốc tân dược, danh mục thuốc y học cổ truyền, danh mục dịch vụ kỹ thuật KCB BHYT đối với bệnh lao, HIV/AIDS,….
Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn ản hướng dẫn chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế đã ban hành đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật BHYT; đồng thời đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT, điều kiện hoạt động của các cơ sở KCB, vừa sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ BHYT, kiểm soát được cân đối quỹ BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, đến hết năm 2017, số người tham gia BHYT là 79,9 triệu người, tăng khoảng 4 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 100,1% so với kế hoạch giao, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số. Tất cả các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016. Có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số; 24 tỉnh thành phố đạt tỷ lệ bao phủ 82,2% dân số; 17 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ dưới 82,2% dân số.
Kết quả trên cho thấy, việc mở rộng bao phủ BHYT đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Đây là kết quả của nhiều giải pháp quan trọng do Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các địa phương đã thực hiện như huy động nguồn lực hỗ trợ tham gia BHYT, tăng cường công tác truyền thông, quản lý và sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. “Đây là nỗ lực của ngành Y tế, BHXH Việt Nam và của toàn hệ thống chính trị” – Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
Quỹ BHYT được quản lý theo đúng quy định của Luật BHYT
Đại diện BHXH Việt Nam – Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, việc quản lý, sử dụng kinh phí chi KCB BHYT được BHXH thực hiện và chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hàng năm, BHXH Việt Nam xây dựng dự toán, báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Y tế thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ duyệt; thực hiện việc giao, điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT cho BHXH các tỉnh, thành phố trên cơ sở nguồn kinh phí được sử dụng và tình hình chi KCB tại địa phương.
Năm 2017, sau khi tất cả các tỉnh thực hiện đầy đủ giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương, qua dự báo cho thấy, hầu hết các tỉnh đều bội chi quỹ BHYT. Để đảm bảo kinh phí phục vụ KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã ban hành 02 văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh tuân thủ và thực hiện đầy đủ, đúng quy định về tạm ứng kinh phí và thanh toán chi phí KCB BHYT với các cơ sở KCB tại Điều 32 Luật BHYT và Điều 15 Quyết định số 1399/QĐ-BHXH. Hàng quý cơ quan BHXH tổ chức thẩm định, xác định nguyên nhân khách quan vượt quỹ của các cơ sở KCB. BHXH các tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ sở KCB kịp thời thẩm định nguyên nhân vượt quỹ, vượt trần hàng quý, trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã thực hiện tạm ứng kinh phí KCB vượt quỹ do nguyên nhân khách quan cho 34 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, ở một số tỉnh vẫn còn tình trạng tạm ứng chậm, vận chuyển kinh phí theo tháng. Nguyên nhân dẫn đến việc này do cơ sở KCB chậm lập báo cáo quyết toán, chậm chuyển dữ liệu cho cơ quan BHXH theo quy định; sự phối hợp giữa các đơn vị trong thẩm định vượt quỹ hàng quý chưa tốt, trách nhiệm giải trình của các cơ sở y tế chưa cao, có đơn vị không cung cấp hồ sơ chứng từ, một số đơn vị khi chưa thống nhất một số nội dung không kỳ biên bản dẫn đến không có sơ sở để bổ sung kinh phí.
Khám chữa bệnh BHYT tại Phú Thọ. Ảnh Dương Ngọc.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT. Quy định về quỹ KCB BHYT được xác định theo số thẻ đăng ký ban đầu tại cơ sở KCB, cân đối với cả phần chi KCB tại cơ sở y tế khác không còn phù hợp khi thực hiện thông tuyến KCB BHYT. Việc chỉ định, thanh toán chi phí KCB không gắn chặt với trách nhiệm của cơ sở y tế trong quản lỷ, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng thuận lợi, quyền lợi hưởng BHYT ngày càng được mở rộng, giá dịch vụ y tế tăng trong khi mức đóng BHYT chưa thể điều chỉnh. Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ tài chính tạo sức ép lớn đối với các cơ sở y tế, việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ y tế, chỉ định bệnh nhẹ vào nội trú, kéo dài thời gian nằm viện xảy ra ở hầu hết các bệnh viện, đặc biệt là tuyến huyện, giá thuốc và vật tư y tế chưa được kiểm soát tốt, tình trạng lựa chọn sử dụng thuốc cùng tiêu chí kỹ thuật, khác hàm lượng có giá cao bất thường, lựa chọn vật tư y tế đắt tiền phổ biến.
Trong khi đó, các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị chưa ban hành đầy đủ, không rõ ràng nên thiếu các công cụ kiểm soát, đánh giá tình hợp lý của chỉ định điều trị, khó có sự đồng thuận của cơ quan BHXH và cơ sở KCB.
Giá dịch vụ y tế chưa phù hợp với thực tế, một mặt do định mức quá cao, không sử dụng hết gây lãng phí. Tình trạng lạm dụng, sử dụng thẻ BHYT đi khám nhiều nơi trong ngày, nhiều ngày trong tháng xảy ra khá phổ biến nhưng chưa có chế tài để xử lý. Các cơ sở y tế chưa tuân thủ việc ứng dụng CNTT để chia sẻ kết quả xét nghiệm, kiểm soát thông tuyến, tình trạng chỉ định trùng lặp xét nhiệm, thuốc diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố,…
Giải trình ý kiến của một số đại biểu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: Cán bộ giám định của ngành BHXH không can thiệp vào chuyên môn của bác sĩ, chỉ thực hiện giám định theo quy trình chuyên môn, phác đồ mà Bộ Y tế ban hành.
Các đại biểu tham gia cuộc họp đã cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: Chính sách tự chủ về y tế, ứng dụng CNTT trong KCB BHYT, chế tài cho những hành vi lạm dụng quỹ BHYT, đấu thầu thuốc tập trung, thay đổi mức đóng BHYT,…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ, hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 86,9%, gần tiến mốc BHYT toàn dân, tuy nhiên, trong bối cảnh mệnh giá BHYT vẫn thấp, nhưng nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, quỹ BHYT đang đứng trước thách thức về khả năng mất cân bằng. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT cần tiết kiệm một cách hợp lý và theo đúng các quy định của pháp luật. Luật BHYT 2014 cũng mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT nhưng cũng tác động không nhỏ đến quỹ BHYT, khiến số chi từ quỹ BHYT tăng lên và khó khăn hơn trong kiểm soát chi phí với các chính sách thông tuyến, giảm cùng chi trả và bỏ cùng chi trả với một số nhóm đối tượng. Đây là những vấn đề các nhà hoạch định chính sách cũng như cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách cần phân tích, xem xét kỹ lưỡng…
Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp xây dựng báo cáo về quản lý và sử dụng quỹ BHYT, trong đó làm rõ được thành tựu cả quá trình phát triển BHYT ở nước ta, việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT, việc quản lý sử dụng quỹ BHYT, các giải pháp đặt ra,…/.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...