Nâng cao hiệu quả truyền thông về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số

18/06/2018 05:00 PM


Đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều bất lợi về kinh tế - xã hội so với vùng đồng bằng và đô thị. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều quan tâm và nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển” và mục tiêu “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” được khẳng định tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về mức đóng, hình thức đóng và mức thụ hưởng được Nhà nước ban hành. Đây được xem là một trong những giải pháp cơ bản nhất đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần ổn định chính trị xã hội.

BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình là một trong những chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, đề cao. Một hệ thống an sinh xã hội hỗ trợ hiệu quả đối với người dân khi đáp ứng 5 nguyên tắc và 3 chức năng cơ bản.

5 nguyên tắc đó là: Toàn dân - mọi người có quyền và nghĩa vụ tham gia hệ thống an sinh xã hội; Chia sẻ - dựa trên cơ chế phân phối lại thu nhập giữa các nhóm dân cư, giữa các thế hệ, giữa Nhà nước với các đối tác xã hội; Công bằng và bền vững - gắn trách nhiệm với quyền lợi, giữa đóng góp với thụ hưởng của các thành viên tham gia hệ thống; Tăng cường năng lực an sinh; Tập trung hỗ trợ người nghèo, người dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

3 chức năng đó là: Phòng ngừa rủi ro - hỗ trợ người dân chủ động ngăn ngừa rủi ro; Giảm thiểu rủi ro - giúp người dân có đủ nguồn lực để bù đắp những thiếu hụt về thu nhập; Khắc phục rủi ro - hỗ trợ kịp thời cho người dân để hạn chế tối đa các biến cố không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (về đời sống, sức khỏe, sản xuất kinh doanh, môi trường tự nhiên, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu).

Mặc dù, BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình có nhiều điểm ưu việt, nhiều lợi ích đối với đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng núi, người nghèo song tỷ lệ tham gia vẫn còn hạn chế. Năm 2014, trong tổng số lao động có việc làm là người DTTS, số tham gia BHXH chỉ chiếm 6,1%. Đặc biệt, trong số người DTTS tham gia BHXH thì người nghèo chiếm chưa đến 3%. Trong số người DTTS cao tuổi, chỉ có 6,3% có lương hưu (tỷ lệ chung của cả nước là 20%).

Ngược lại, nhờ chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng đặc thù, trong đó có đồng bào DTTS nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa nên tỷ lệ người DTTS có thẻ BHYT rất cao, trên 90,4%. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2011 - 2015, số người nghèo, người DTTS tham gia thực hiện khám chữa bệnh BHYT đã tăng nhiều, đạt 42,9 triệu lượt người, chiếm 24% số người tham gia BHYT toàn quốc. Các dịch bệnh ở vùng DTTS, miền núi như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế, tuổi thọ tăng, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 15%.

Vẫn còn bất cập

Thứ nhất, tỷ lệ người dân đã tham gia có tiến triển nhưng chưa bền vững.

Sự thiếu bền vững tập trung ở khu vực miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hoặc khu vực có tỷ lệ người nghèo, hộ cận nghèo cao. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dù đã tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, nhưng khi đến thời điểm đóng bảo hiểm, người dân gặp khó khăn về tài chính, hoặc bị tác động bởi những tư tưởng bên ngoài về việc thụ hưởng chính sách, họ sẵn sàng hủy bỏ quá trình và không tiếp tục tham gia. Thói quen khám, chữa bệnh kiểu truyền thống theo thầy Lang cũng ảnh hưởng không ít đến nhận thức tham gia đóng BHYT hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào sinh sống ở miền núi. Nhiều người dân ở khu vực này cho rằng, chữa bệnh theo phương pháp tây y sẽ không thể khỏi hết bệnh, thủ tục khám chữa bệnh và thụ hưởng quyền lợi từ BHYT phức tạp nên họ không mặn mà tham gia… Với các hộ đã thoát nghèo, không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nên họ không tự bỏ tiền cá nhân để tiếp tục tham gia và có tư tưởng “muốn là hộ nghèo” để ỷ dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ hai, người dân còn có tư tưởng e ngại, không chủ động tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Nhiều đối tượng thuộc diện miễn giảm không nắm bắt được quyền lợi của cá nhân và các thành viên trong gia đình để yêu cầu địa phương giải quyết.

Sự e ngại xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc mơ hồ về quy trình tham gia, quy trình giải quyết các thủ tục để thụ hưởng, đặc biệt là quyền lợi của cá nhân khi tham gia BHYT hộ gia đình.

Thứ ba, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về BHXH tự nguyện và BHYT trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa cao.

Mấu chốt của việc khuyến khích đồng bào vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo và cận nghèo tham gia đóng BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình là ở công tác tuyên truyền. Trên thực tế, công tác tuyên truyền mới chỉ thực hiện tốt ở các khu vực thành thị, vùng đồng bằng. Ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của họ khi tham gia đóng BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình còn chưa đồng đều. Hiệu quả tuyên truyền ở một số nơi còn chưa cao, không ít người dân còn mơ hồ, thậm chí chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình, không mặn mà đối với việc tham gia đóng BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

Ảnh minh họa.

Giải pháp trọng tâm

Tính đến 01/7/2015, toàn quốc có 13.386.330 người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 15% dân số cả nước. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo lên tới 23,1%, cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước. Người dân tộc thiểu số được xếp vào nhóm yếu thế trong xã hội và rất cần có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước để thu hẹp khoảng cách phát triển với dân tộc đa số. Tăng quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ cho nhóm yếu thế là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước là một giải pháp quan trọng đang được Đảng, Nhà nước ta kiên trì thực hiện nhằm đạt nguyên tắc và mục tiêu “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Ttừ ngày 1/1/2018, tất cả những người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH bằng 10% của mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn, từ 15.400 đồng/tháng. Trường hợp người lao động thuộc diện cận nghèo thì mức hỗ trợ là 25% (tương ứng với 38.500 đồng/tháng); người lao động thuộc diện nghèo thì mức hỗ trợ là 30% (tương ứng 46.200 đồng/tháng). Rõ ràng, về mặt tài chính thì tham gia BHXH tự nguyện rất lợi.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước quy định cấp thẻ BHYT miễn phí. Đối với hộ nghèo và cận nghèo, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ mức đóng theo quy định Nghị định 105/2014/NĐ-CP, ngày 15/11/2014. Trong đó, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT và tiếp tục hỗ trợ trong vòng 05 năm sau khi thoát nghèo; đối với hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 70% mức đóng. Đồng thời, Nhà nước tăng mức hưởng BHYT cho người nghèo từ 95% lên 100%; người cận nghèo được hưởng từ 80 lên 95%.

Qua đó cho thấy, BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình càng ngày càng tăng lợi ích cho người tham gia. Đây thực sự là chính sách nhân văn, nhất là đối với đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và người cận nghèo ở nước ta.

Chúng ta đang sống và làm việc trong thời đại bùng nổ thông tin. Vùng DTTS và miền núi tuy là vùng khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội nhất so với cả nước nhưng cũng đã được cải thiện nhiều về điều kiện, phương thức tiếp cận thông tin. Trong mục tiêu giảm nghèo đa chiều cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, tiếp cận thông tin là một trong 5 nội dung được quan tâm giải quyết. Theo kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, tính đến 1/8/2015, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có tivi lên tới 84,9% (gần 2,6 triệu hộ); 7% số hộ (gần 211 nghìn hộ) có đài, radio; gần 197.000 hộ có kết nối internet, wifi, 3G, cáp; trên 234.000 hộ có máy vi tính; gần 2,3 triệu hộ có điện thoại. Riêng trong lĩnh vực báo chí, tính đến tháng 6/2017, cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động, trong đó: báo in 193, 639 tạp chí, 150 báo điện tử (chưa kể Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc TW). Đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Chính phủ cũng có sự ưu tiên đặc biệt với việc ban hành và thực thi chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, đang thực hiện theo Quyết định 59/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ với 18 báo, tạp chí tham gia.

Có thể thấy hệ thống kênh thông tin truyền thông cho vùng DTTS, miền núi rất phong phú, mức độ bao phủ rộng và còn tiếp tục được mở rộng trong những năm tới. Ngành BHXH hoàn toàn có thể phối hợp tốt với hệ thống các cơ quan báo chí hùng hậu, nhất là các cơ quan báo, tạp chí tham gia thực hiện Quyết định 59/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2017 để tuyên truyền về BHXH tự nguyện và BHYT cho đồng bào DTTS, bởi vì nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính là yếu tố quan trọng thu hút toàn dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, đồng thời đạt được nhiệm vụ của báo chí chính là tác động vào nhận thức xã hội, thay đổi nhận thức theo hướng tích cực để đưa quần chúng vào hoạt động thực tiễn cách mạng.

Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về BHXH tự nguyện, BHYT, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, ngành BHXH nghiên cứu mở rộng phạm vi hợp tác thông tin truyền thông với các cơ quan báo chí nói chung, báo chí tuyên truyền về vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng. Ký kết các chương trình phối hợp dài hạn, hàng năm với những cơ quan báo chí của Ủy ban Dân tộc. Định kỳ cung cấp thông tin để các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về BHXH tự nguyện, BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm rõ 5 nguyên tắc, 3 chức năng của an sinh xã hội như đã nêu ở trên, mức đóng, quyền lợi được thụ hưởng nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về BHXH tự nguyện và BHYT, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nhận thức của đồng bào, nhất là tư tưởng “muốn mãi là hộ nghèo” để ỷ dựa vào chính sách của Nhà nước, gây gánh nặng cho ngân sách.

Thứ hai, xây dựng hạt nhân tạo sức lan tỏa, nâng cao hiệu quả truyền thông.

Phong tục tập quán của người miền núi và đồng bào dân tộc có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả truyền thông. Cần phát huy vai trò hạt nhân của già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín ở địa phương. Sử dụng triệt để phương pháp lan tỏa trong truyền thông. Từ một người dân tham gia, cán bộ tuyên truyền giúp họ nắm thật vững các thông tin về cách thức tham gia, cách giải quyết các thủ tục hành chính… để họ hướng dẫn, giải thích cho những người lân cận. Cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông thành lập các đoàn khảo sát, đánh giá hiệu quả truyền thông, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT để tháo gỡ và tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết hiệu quả.

Thứ ba, nội dung truyền thông cần diễn đạt đơn giản hóa quyền lợi của người dân khi tham gia đóng BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

Những nội dung về quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình khá dài và có phần trừu tượng với đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số và người dân miền núi. Đa số người dân thuộc khu vực này sẽ khó nắm bắt được tỉ lệ % lợi ích mà họ được hưởng từ chính sách hỗ trợ. Do vậy, nội dung truyền thông cần được đơn giản hóa, gần gũi và thiết thực với cuộc sống hàng ngày của đồng bào. Thay vì nói đồng bào hưởng bao nhiêu phần trăm, người truyền thông nên cụ thể hóa bằng số tiền, bằng hình ảnh hoặc giá trị tương đương mang tính trực quan gần với đời sống hàng ngày.

Thứ tư, truyền thông thường xuyên, liên tục để người dân ghi nhớ quy trình đăng ký cũng như thanh toán đối với BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Do nắm bắt không chắc chắn, hiểu biết mơ hồ về quy trình đăng ký cũng như thanh toán đối với BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nên người dân miền núi, người dân tộc thiểu số, người nghèo và cận nghèo gặp khó khăn khi liên hệ, giải quyết thủ tục. Nó không chỉ gây bức xúc cho người tham gia, mà còn gây khó khăn cho các cơ quan liên đới, đặc biệt là người giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ sở khám chữa bệnh. Bởi vậy, ngành BHXH cần hỗ trợ các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho người truyền thông để công tác truyền thông cho đồng bào đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Công tác tuyên truyền không chỉ được thực hiện bằng thuyết trình, pano, áp phích theo hình thức truyền thông mũi kim tiêm, mà cần tiếp tục được “mềm hóa” bằng các hình thức khác như: diễn kịch, biểu diễn văn nghệ, hoặc các cuộc thi cho chính người dân về hiểu biết quyền lợi từ BHXH, BHYT.

Thứ sáu, tiếp tục đào tạo và tổ chức các hoạt động giao lưu kinh nghiệm làm công tác truyền thông cho cán bộ, người có uy tín của địa phương.

Việc đào tạo cần được mở rộng quy mô ở các địa phương trong cả nước và quốc tế. Thông qua đó, người làm công tác truyền thông về bảo hiểm sẽ có cơ hội tiếp cận những kiến thức tiến bộ, hiện đại nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người dân. Trong đó, đồng bào sinh sống ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người cận nghèo là những đối tượng được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Để chính sách nhân văn này được toàn thể quần chúng nhân dân hưởng ứng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Hệ thống các cơ quan thông tin truyền thông của Ủy ban Dân tộc luôn sẵn sàng phối hợp và sát cánh cùng ngành BHXH để góp phần đưa chính sách an sinh xã hội đặc biệt này bám rẽ và lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số nước ta.

 

Theo Tạp chí Dân tộc