Nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về BHXH, BHYT

18/06/2018 05:00 PM


Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về chính sách BHXH, BHYT đến với các nhóm đối tượng, năm 2017, BHXH Việt Nam đã ký chương trình phối hợp truyền thông với 15 bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội. Qua đó, nhiều hình thức truyền thông trực tiếp được các đơn vị triển khai đến tận cơ sở, làm thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

 

Ảnh minh họa.

Tạo sự chuyển động mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác truyền thông về BHXH, BHYT, năm 2017 BHXH Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường trực Ủy Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức các hội nghị tập huấn, đối thoại với các nhóm đối tượng. Cụ thể BHXH Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 07 hội nghị giao ban báo chí cung cấp và định hướng thông tin về BHXH, BHYT với 1.260 lượt đại biểu là tổng biên tập, lãnh đạo của các cơ quan báo chí Trung ương tham dự; 02 Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến toàn quốc tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Các thông tin cung cấp tại hội nghị giúp các cơ quan báo chí có định hướng đúng, thống nhất trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong tình hình mới. BHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện Chuyên trang tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên 12 số Tạp chí Báo cáo viên (số lượng: 30.000cuốn/1 số), hàng tháng, cuốn Tạp chí Báo cáo viên được phát hành rộng rãi làm tài liệu phục vụ cho đội ngũ báo cáo viên Trung ương, các tỉnh, thành ủy và các độc giả quan tâm; Chuyên trang tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên 07 số Bản tin Thông báo nội bộ và Phụ lục Bản tin Thông báo nội bộ tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT và được phát hành rộng rãi phục vụ các đảng bộ, chi bộ sơ sở Đảng và đăng tải trên mạng LAN nội bộ của Đảng để 63 tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Trung ương làm tài liệu đưa vào cuốn Bản tin Thông báo nội bộ của đơn vị mình. Nội dung tuyên truyền luôn được cập nhật thường xuyên theo từng quý. Các thông tin về kết quả hoạt động của ngành BHXH luôn được lãnh đạo của hai Ngành trực tiếp báo cáo tại các hội nghị; các bài viết, bản tin đăng tải trên các ấn phẩm luôn cung cấp đầy đủ, toàn diện thông tin, số liệu chính thống, đảm bảo tính định hướng, giúp đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ tại sơ sở tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

BHXH Việt Nam đã phối hợp Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức 02 hội nghị truyền thông chính sách BHXH, BHYT tại Đà Nẵng và Sóc Trăng cho gần 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo và cán bộ MTTQ tỉnh, thành phố; huyện, quận; xã, phường; Trưởng ban Công tác Mặt trận, trưởng thôn... của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thông qua hội nghị tập huấn, các đại biểu tham dự được nghe đại diện ngành BHXH trao đổi về các chuyên đề: tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH; tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia BHYT, các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu tham luận xung quanh các nội dung, như: về triển khai và giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Y tế; công tác vận động và giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh của BHXH tỉnh Sóc Trăng…

Ảnh minh họa.

Truyền thông đến các doanh nghiệp

Cùng với việc truyền thông đến các cấp ủy, chính quyền, BHXH Việt Nam cũng chú trọng đẩy mạnh truyền thông về BHXH, BHYT đến với chủ sử dụng lao động và người lao động. Phạm vi truyền thông được triển khai rộng khắp tại các địa phương trong cả nước. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức 21 hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH với 3.566 NLĐ và người SDLĐ trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các hội nghị được tổ chức theo mô hình đối thoại trực tiếp giữa cơ quan ban hành chính sách, cơ quan tổ chức thực hiện chính sách với người SDLĐ, NLĐ tại các KCN, KCX nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về chính sách và thực hiện chính sách BHXH. Đồng thời trực tiếp giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của đối tượng tham gia BHXH hoặc ghi nhận những vướng mắc trong chính sách cũng như quy trình nghiệp vụ BHXH để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách BHXH.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông hướng đến nhóm đối tượng là NLĐ đang làm việc tại các DN, KCN, KCX. Các hình thức truyền thông trực tiếp hướng về cơ sở đã giúp NLĐ, cán bộ Công đoàn nắm vững các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; vai trò của Công đoàn trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT cũng như công tác khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; đồng thời, giúp người lao động hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHXH, BHYT.

Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam cùng với BHXH Việt Nam tổ chức nhiều chương trình truyền thông thiết thực, hiệu quả. Từ đó, nâng cao sự hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT cho giới chủ sử dụng lao động; giúp tăng tính tuân thủ pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH tại các DN.

Cùng với đó, việc tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân, chính sách BHYT HS-SV cũng đã được BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành như: Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Tăng cường đẩy mạnh truyền thông

Phát huy những kết quả đạt được, hướng tới mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ và BHYT toàn dân, công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần tiếp tục vào các nội dung như: Phổ biến những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp thể hiện tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020; đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về cải cách tiền lương và cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; đồng thời tiếp tục truyền thông các chủ trương, chính sách khác về BHXH, BHYT tới các cấp, các ngành tại mỗi địa phương, đơn vị nhằm tăng cường cam kết chính trị và trách nhiệm để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân và BHXH cho mọi NLĐ. Làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; vai trò của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội; về mức đóng, mức hưởng, phương thức tham gia, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, giúp người dân hiểu về lợi ích của việc tham gia BHXH, ngăn ngừa trục lợi BHXH. Truyền thông những kinh nghiệm, mô hình thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Công tác truyền thông phải đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình tình thực tế tại địa phương. Bên cạnh việc cổ vũ, động viên kịp thời những đơn vị làm tốt, đồng thời phải kiên quyết lên án, phê phán các đơn vị, người SDLĐ chưa chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, các hiện tượng cố tình trốn tránh, chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ và việc lạm dụng KCB BHYT.

Cùng với đó, tập trung truyền thông những kết quả ngành BHXH đạt được trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh giao dịch điện tử, hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện thủ tục hành chính và những chỉ tiêu đạt được trong việc giảm thời gian thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Truyền thông nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật đến với các chủ sử dụng lao động trong các doanh nghiệp; phổ biến những nội dung mới quy định tại Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 liên quan đến việc trục lợi, trốn đóng BHXH; đồng thời, truyền thông cho NLĐ, người dân hiểu về ý nghĩa và mục đích của việc trả sổ BHXH, cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH.

Đối tượng truyền thông hướng đến bao gồm: Đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành, các chức sắc tôn giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên các cơ quan báo chí; chủ sử dụng lao động, người lao động, cán bộ lao động tiền lương, công nhân lao động; người lao động các làng nghề, người lao động tự do, nông dân, phụ nữ các hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể; thanh niên, học sinh, sinh viên.

Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở trọng tâm là tổ chức các hội nghị đối thoại, tư vấn về BHXH, BHYT với các nhóm đối tượng là người sử dụng lao động, người lao động, HS-SV, xã viên hợp tác xã, nông dân….

 

Theo Tạp chí BHXH