Cải cách hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp: Nhiều kết quả đột phá

16/05/2018 01:12 AM


Đây là đánh giá của Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong chương trình làm việc chiều 15/5 tại Phiên họp thứ 24 (tháng 5/2018) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện các cơ quan của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác.

Tại phiên làm việc chiều nay (15/5), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017; xem xét báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ BHXH và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

Toàn cảnh phiên làm việc.

Thực hiện quy định của Luật BHXH, Nghị quyết số 1083/2015/QH13 ngày 16/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 1083) và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ tám, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1083 về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ BHXH  và đề xuất chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo số 03/BC-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở ý kiến các thành viên Ủy ban và ý kiến phối hợp thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, ý kiến giải trình của Bộ Tài chính về những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra, đại diện Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo số 03/BC-CP ngày 11/5/2018 của Chính phủ tại phiên làm việc chiều nay, Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, với một số nội dung chủ yếu như:

Việc bố trí chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 được thực hiện đúng quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm và Nghị quyết 1083, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngành BHXH và các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn về an sinh xã hội; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp của công tác BHXH; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét về trình độ quản lý của hệ thống BHXH Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc sử dụng chi phí quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả; tạo nguồn lực chủ động cho BHXH Việt Nam triển khai kịp thời những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật BHXH năm 2014, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết chế độ BHXH (như chi trả qua bưu điện).

Công tác thu, chi các chế độ BHXH, BH thất nghiệp bảo đảm cân đối quỹ; việc chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp bảo đảm đúng, đủ và kịp thời; đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ.

Công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp đạt được nhiều kết quả đột phá, đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Cơ quan BHXH Việt Nam đã thăng hạng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung về dịch vụ công của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; góp phần tăng thứ hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Việc ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ công tác thực hiện chế độ, chính sách và quản lý quỹ BHXH, BH thất nghiệp. Đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và xây dựng hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc, bước đầu đạt kết quả tốt, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng và trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Về đề xuất chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban thống nhất với Chính phủ về căn cứ pháp lý làm cơ sở để xác định chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp cho giai đoạn 2019-2021, đồng thời đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm; tích cực hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành ổn định, thông suốt hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại diện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận phiên làm việc.

Đại diện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, phương án xây dựng chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2020 đã được xây dựng với nhiều điểm mới tiến bộ, tích cực hơn, với lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục quan tâm và dành nguồn lực lớn hơn cho công tác truyền thông gắn với phát triển mở rộng diện bao phủ BHXH theo tinh thần Nghị quyết mới của Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH; bảo đảm chất lượng hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đảm bảo hiệu quả phục vụ người dân.

 

Theo BHXH VN