Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Nỗ lực thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội quốc gia

28/02/2018 06:35 AM


Năm 2017, ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội. Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xung quanh nội dung triển khai thực hiện chính sách BHYT.

 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.

PV: Năm 2017 là năm thứ ba thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc có thể cho biết, việc thực hiện chính sách BHYT năm 2017 tập trung vào những vấn đề gì?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kịp thời bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng quản lý; chủ động chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chính sách BHYT là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2017 là năm thứ ba thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, công tác thực hiện chính sách BHYT của Ngành BHXH đứng trước nhiều thuận lợi cũng như thách thức.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hướng tới mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, tăng độ bao phủ BHYT hằng năm và bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Mặt khác, việc mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT theo hướng công bằng, hiệu quả cũng góp phần bảo đảm nguồn tài chính ổn định trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, Luật quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ chính trị của các cấp các ngành và cả cộng đồng phải thực hiện.

Năm 2017, việc thực hiện chính sách BHYT tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tích cực. Trong đó, đáng chú ý là việc đồng bộ danh mục kỹ thuật với giá dịch vụ y tế mới và đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong giám định và thanh toán BHYT; mở rộng diện bao phủ, phát triển BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ giao.

BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong việc xây dựng hệ thống văn bản dưới Luật, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Triển khai kịp thời các chính sách BHYT mới, đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi tốt nhất cho người có thẻ BHYT khi KCB. Phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện việc tin học hóa công tác KCB BHYT nói chung, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT nói riêng, trong đó tập trung hoàn thiện việc chuẩn hóa danh mục, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở KCB và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ giám định trên toàn quốc;...

Hội nghị triển khai công tác KCB BHYT năm 2017.

PV: Được biết, năm 2017, BHXH Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Trong tổ chức triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, điểm nhấn quan trọng nhất chính là công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT hiệu quả hướng đến mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân. Năm 2017, số người tham gia BHYT là 79 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 86% dân số.

Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu của Quốc hội trong Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 – 2020, Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là bước tạo đà rất quan trọng cho độ bao phủ BHYT của năm 2018 và những năm tiếp theo.

PV: Thưa ông, thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ thí điểm giao BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT. BHXH Việt Nam đã triển khai công tác và đạt được kết quả như thế nào thưa ông?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Tổ chức đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT là chủ trương quan trọng của Chính phủ trong tiết giảm chi phí bất hợp lý trong điều trị cho người bệnh, góp phần hạn chế bội chi quỹ BHYT.

Lễ mở thầu các gói thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc BHYT năm 2018.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ, ngày 19/7/2016, BHXH Việt Nam đã tổ chức họp đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện (không trùng với danh mục thuốc do Bộ Y tế thực hiện), đồng thời cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện.

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở KCB, trong quý IV/2017, BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng, giá kế hoạch được phê duyệt đã giảm từ 5 đến 15% so với các mặt hàng trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó. Quá trình đấu thầu đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, minh bạch, cạnh tranh công bằng và lựa chọn được các mặt hàng có chất lượng, giá hợp lý.

Theo kết quả trúng thầu đã công bố, tổng giá trị của 20 mặt hàng là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,12%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng; trong đó, biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 1 giảm từ 27,3% đến 42,8%, cá biệt có mặt hàng giảm tới 54,7%.

Mặc dù là lần đầu tiên thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, nhưng do BHXH Việt Nam đã nhận được sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở KCB BHYT. Đặc biệt, là các nhà thầu trúng thầu đã cam kết đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng cung ứng và tiến độ cung ứng thuốc để phục vụ người bệnh. Kết quả của lần đầu tiên đấu thầu thuốc quốc gia do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức thực hiện góp phần đáng kể để điều chỉnh hợp lý giá thuốc sử dụng cho người bệnh BHYT nói riêng, người dân nói chung.

BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh tham gia đấu thầu mua thuốc tại địa phương; đồng thời, trực tiếp tham gia tổ thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Bộ Y tế và các Bộ ngành, góp phần tăng cường hiệu quả của công tác đấu thầu thuốc. Công bố giá thuốc, VTYT trúng thầu của các tỉnh, thành phố trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.

Qua việc đấu thầu thuốc, vai trò quản lý dược, vật tư y tế của cơ quan BHXH tiếp tục được phát huy, tăng cường minh bạch và có tác động tích cực đến kết quả lựa chọn nhà thầu (giá thuốc, lựa chọn thuốc), góp phần loại bỏ, khắc phục bất hợp lý trong đấu thầu cung ứng thuốc trước đây; phát hiện và loại bỏ thuốc có hàm lượng không thông dụng, có giá cao bất thường, giá kế hoạch chênh lệch giữa các nhóm thuốc, giữa các loại, hàm lượng...

Triển khai kết quả đấu thầu các gói thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc BHYT năm 2018.

PV: Năm 2018, để thực hiện tốt chính sách BHYT sẽ tập trung vào những nội dung gì thưa ông?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Trước những khó khăn thách thức hiện nay, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT cần được quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cả hệ thống chính trị.

Theo đó, công tác giám sát từ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với tổ chức thực hiện BHYT cần được tăng cường, nhất là với những tỉnh, thành phố đang có tỷ lệ bao phủ thấp, có số bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT lớn. BHXH Việt Nam cũng mong muốn các bộ, ban ngành có liên quan chủ động, khẩn trương hơn trong hoàn thành việc hướng dẫn một số quy định thực hiện Luật; nhất là bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng như người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên ... Đề nghị ngành Y tế tỉnh tăng cường công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở KCB; quan tâm nhiều hơn đến công tác đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã để thu hút người có thẻ BHYT đến khám, điều trị, giảm tình trạng người bệnh tập trung quá đông lên tuyến trên.

Năm 2018, trách nhiệm của cơ quan BHXH sẽ ngày một lớn hơn, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trong phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện bảo đảm sát yêu cầu, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. BHXH tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trên địa bàn, mở rộng diện bao phủ BHYT, ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHYT, bảo đảm cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn một cách bền vững.

Ngành BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện BHYT. Tăng cường công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử; chủ động và phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở KCB BHYT theo cảnh báo từ Hệ thống giám định điện tử.

BHXH Việt Nam sẽ luôn bám sát, theo dõi các tỉnh, thành phố có bội chi lớn và gia tăng chi phí KCB để có giải pháp kịp thời nhằm giảm bội chi quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chính sách BHYT năm 2018.

Với sự nỗ lực của toàn Ngành, sự vào cuộc của toàn xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, quỹ BHYT phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội quốc gia.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

 

Theo BHXH VN