“Giao sổ BHXH cho NLĐ: Quyền lợi và những vấn đề đặt ra”

09/02/2018 01:31 AM


Đây là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến vừa được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua (07/02) tại Hà Nội. Tham dự chương trình có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức.

 

Toàn cảnh chương trình giao lưu trực tuyến.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, NLĐ có quyền được giữ sổ BHXH để quản lý, theo dõi quá trình tham gia BHXH của bản thân, của chủ sử dụng lao động; việc bàn giao sổ BHXH cho NLĐ còn góp phần hạn chế tình trạng các DN trốn đóng BHXH, và giúp chủ động hơn trong việc thực hiện giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lợi dụng điều này, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng NLĐ đem sổ BHXH đi thế chấp ngân hàng thương mại để thực hiện các hợp đồng tín dụng. Thực tế này không chỉ gây lộn xộn trong việc cấp, quản lý sổ BHXH mà còn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngân hàng cũng như NLĐ nếu xảy ra tình trạng người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay.

Chương trình tọa đàm trực tuyến “Giao sổ BHXH cho người lao động: Quyền lợi và những vấn đề đặt ra” được tổ chức nhằm làm rõ hơn cho độc giả về những thông tin liên quan đến vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa ông Trần Đình Liệu, hiện vẫn còn nhiều NLĐ băn khoăn về việc mức đóng BHXH của NLĐ là bao nhiêu % tiền lương/tháng và họ được hưởng những quyền lợi gì khi tham gia BHXH?

+ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Thực hiện Luật BHXH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Việc làm và Luật An toàn vệ sinh lao động, tổng mức đóng BHXH bắt buộc (gồm đóng vào các quỹ: Hưu trí, tử tuất; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ốm đau, thai sản); BH thất nghiệp; BHYT áp dụng từ ngày 01/01/2018 là 32% mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng. Trong đó, NLĐ đóng 10,5% (gồm 8% BHXH, 1% BH thất nghiệp và 1,5% BHYT), chủ sử dụng lao động đóng 21,5% (gồm 14% BHXH, 1% BH thất nghiệp và 3% BHYT).

Như vậy, khi tham gia BHXH, NLĐ sẽ được hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản; tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; trợ cấp thất nghiệp; hưu trí; tử tuất và  KCB BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, khi NLĐ tự bảo quản sổ BHXH sẽ nắm được diễn biến quá trình tham gia BHXH để tự bảo vệ quyền lợi an sinh của bản thân.

- Phóng viên: Theo Luật BHXH năm 2014, NLĐ có quyền được giữ sổ BHXH. Ông Trần Đình Liệu có thể chia sẻ rõ hơn về mục đích cũng như ý nghĩa của quy định này?

+ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Hiện Ngành BHXH đang nỗ lực tập trung triển khai việc cấp sổ BHXH điện tử và thẻ BHYT điện tử cho người tham gia, và mục tiêu của chúng tôi là chậm nhất đến hết năm 2020 phải hoàn thành được việc này. Để đạt được mục tiêu này, hiện Ngành BHXH đang tích cực triển khai công tác rà soát lại sổ BHXH giấy của NLĐ; đồng thời tiến hành cập nhật cơ sở dữ liệu và đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu trên sổ BHXH này với cơ sở dữ liệu tham gia BHYT hộ gia đình, để hoàn thiện việc cấp mã định danh cho người tham gia.

Song song đó, việc trả sổ BHXH cho NLĐ quản lý đã được Ngành BHXH thực hiện có hiệu quả từ năm 2017; và hằng tháng, sau khi xác định được thời gian đóng BHXH của NLĐ, cơ quan BHXH sẽ tiến hành cập nhật vào cơ sở dữ liệu dùng chung của Ngành.

Việc NLĐ được tự giữ sổ BHXH của bản thân sẽ giúp NLĐ giám sát được việc người sử dụng lao động có đóng nộp BHXH cho mình hay không, giúp hạn chế và tránh được những trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền đóng, không đóng hoặc đóng không đủ tiền BHXH cho NLĐ, đảm bảo quyền lợi an sinh của NLĐ.

Bên cạnh đó, khi NLĐ tự bảo quản sổ BHXH sẽ biết được diễn biến quá trình tham gia BHXH gồm: Chức danh nghề công việc, cấp bậc, chức vụ, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH, tỷ lệ đóng BHXH,… và theo đó, sẽ kịp thời phản ánh lại với người sử dụng lao động, công đoàn cơ cở, cơ quan BHXH để điều chỉnh, bổ sung kịp thời khi có sai sót hoặc thay đổi, bảo đảm sổ BHXH có đầy đủ thông tin về nhân thân và quá trình đóng BHXH của NLĐ.

- Phóng viên: Hiện nay, có tình trạng sau khi được cầm sổ BHXH, một số NLĐ đã đem sổ BHXH thế chấp tại ngân hàng để thực hiện các khoản vay tín dụng. Đặc biệt, thông tin từ tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan BHXH tỉnh này đã nhận được công văn từ ngân hàng đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho những NLĐ đã đem sổ BHXH đi thế chấp. Hai vị khách mời có ý kiến như thế nào về thông tin này?

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng có một vấn đề pháp lý không rõ ràng trong trường hợp này. Trên thực tế, hiện chưa có quy định nào về việc “không được cầm cố sổ BHXH” nên người ta vin vào cớ đó để mang sổ BHXH đi giao dịch. Tôi cho rằng cần sửa đổi Luật BHXH để cấm, và không cho phép NLĐ thực hiện hành vì giao dịch sổ BHXH.

Trong trường hợp này, khi chưa có quy định này trong Luật thì tôi cho rằng, cần có văn bản chỉ đạo ở hai phía. Đặc biệt, ta cần phải làm rõ: Liệu sổ BHXH có phải là tài sản không, có giá trị để cầm cố thế chấp như một vật bảo đảm nghĩa vụ dân sự hay không? Về quan điểm cá nhân, tôi thấy việc cầm cố này không có giá trị pháp lý và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Ngân hàng không nên nhận thế chấp trong trường hợp này.

+ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Trong trường hợp này tôi cho rằng, Ngân hàng trước khi nhận sổ BHXH làm tài sản thế chấp cần phải tìm hiểu chính sách pháp luật liên quan về việc sổ BHXH có giá trị với ngân hàng hay không? Theo Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn Luật quy định, sổ BHXH chỉ có giá trị khi NLĐ đến cơ quan BHXH xác định đúng nhân thân, đúng cơ sở dữ liệu tham gia BHXH thì mới được giải quyết các chính sách về BHXH, BH thất nghiệp. Do đó, việc thế chấp sổ BHXH tại hệ thống ngân hàng là trái pháp luật.

- Phóng viên: Thưa ông Trần Đình Liệu, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác… Vậy trong trường hợp này, cơ quan BHXH có chi trả tiền chế độ BHXH của NLĐ (là tài sản của NLĐ) cho ngân hàng hay không?

+ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: NLĐ tham gia BHXH theo nguyên tắc có đóng, có hưởng; đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH. Điều này có nghĩa là chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó, hoặc trong một số trường hợp là thân nhân của người đó khi được ủy quyền mới được hưởng quyền lợi BHXH có liên quan.

Như vậy, việc hưởng chế độ BHXH mang tính đặc thù, bởi nó gắn liền với nhân thân của một cá nhân nhất định và đối tượng hưởng được luật quy định cụ thể nên cơ quan BHXH phải thực hiện việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH cho đúng đối tượng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Phóng viên: Thưa ông Trần Đình Liệu, trong trường hợp NLĐ đem sổ BHXH đi thế chấp nhưng lại lên cơ quan BHXH của tỉnh khai báo mất sổ và xin cấp lại thì cơ quan BHXH có cấp lại hay không?

+ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Theo quy định của pháp luật, nếu sổ BHXH bị hỏng, hoặc mất mà NLĐ đề nghị thì cơ quan BHXH sẽ cấp lại. Do vậy, khi NLĐ đề nghị cấp lại sổ BHXH do bị mất sẽ được cơ quan BHXH giải quyết theo đúng quy định của luật BHXH. Còn cơ quan BHXH không biết việc NLĐ có thế chấp sổ BHXH hay không.

- Phóng viên: Sổ BHXH điện tử là việc trong tương lai, và như thông tin mà hai khách mời chia sẻ thì khi NLĐ khai báo mất sổ BHXH sẽ được cấp lại và pháp luật không có quy định cụ thể nào với hành vi thế chấp sổ. Như vậy, hai vị khách mời có thể cho biết, việc cấp lại sổ BHXH có thể sẽ lại góp phần “ủng hộ” hành vi gian dối (thế chấp sổ) và có những hành vi khác nữa mà mình chưa lường trước hết được hay không?

+ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Điều này cho thấy, hiện pháp luật chưa cấm những hành vi này mà đang tạo điều kiện hết sức cho NLĐ. Bên cạnh đó, việc cấp lại sổ BHXH cũng không hề thu thêm phí của NLĐ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì tình trạng lạm dụng chính sách còn kéo dài, và ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHXH. Về phía cơ quan BHXH, chúng tôi sẽ cân nhắc và nghiên cứu để có thể đến một thời điểm nhất định, cơ quan BHXH sẽ trình cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ, và Quốc hội về việc thu phí khi cấp lại sổ BHXH cho NLĐ.

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức nhấn mạnh, việc thế chấp sổ BHXH không có giá trị pháp lý và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Ngân hàng không nên nhận thế chấp trong trường hợp này.

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức: Theo quan điểm của tôi thì có khi chính việc cấp lại sổ BHXH lại làm các bên cầm cố ngại hơn, bởi nếu chỉ cấp một lần thì các đối tượng này sẽ yên tâm là NLĐ chỉ có một sổ BHXH.

Việc cấp lại sổ BHXH là đúng quy định của Luật BHXH, tuy nhiên, tất cả các giấy tờ cấp cho người dân kể cả sổ tiết kiệm, sổ đỏ khi cấp lại đều phải thu phí. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cũng nên thực hiện thu phí khi cấp lại sổ BHXH để đủ chi trả các chi phí khi in ấn sổ, và đến khi áp dụng sổ BHXH điện tử thì mặc định chúng ta sẽ không phải tính đến việc cấp lại và thu phí nữa.

- Phóng viên: Thưa ông Trần Đình Liệu, nếu NLĐ vẫn cố tình lạm dụng việc này thì BHXH Việt Nam sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?

+ Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Với những cá nhân cố tình khai báo gian dối, đem sổ BHXH đi thế chấp nhưng lại khai báo là mất sổ để làm lại sổ mới, khi phát hiện, cơ quan BHXH sẽ có hình thức xử lý phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng việc dùng sổ BHXH đem thế chấp là hợp lý nếu như có một bản thỏa thuận giữa 03 bên là BHXH của tỉnh, ngân hàng và NLĐ. Thưa ông Trương Thanh Đức, ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức: Trong trường hợp này, theo tôi vì là thỏa thuận nên ngân hàng được quyền thực hiện. Nhưng tôi xin khuyến nghị BHXH Việt Nam cần phải phát hiện và chấn chỉnh ngay nội bộ của mình không được phép thực hiện những thỏa thuận này. Giả định, nếu đã có thỏa thuận rồi, nhưng sau đó cơ quan BHXH xét thấy không hợp lý cũng không cần thực hiện; lúc này, nếu ngân hàng muốn có thể kiện ra Tòa án, và Tòa án sẽ đưa ra kết luận cuối cùng. Nhưng nếu tôi là Tòa án thì tôi sẽ không chấp nhận việc cầm cố sổ BHXH với những thỏa thuận như trên.

- Phóng viên: Vậy thưa ông Trương Thanh Đức, theo ông thì lý do gì mà ngân hàng thương mại đã thực hiện các hợp đồng vay kiểu này?

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng, thứ nhất là do nhận thức. Trước đây, rất nhiều ngân hàng đã nhận rất nhiều thứ để thế chấp vay, kể cả thẻ Đảng, thậm chí có ngân hàng nhận thế chấp một cái giếng nước trong gia đình. Luật có khi không cấm nhưng những việc này không thực tế, khả thi. Những trường hợp này cho thấy họ bị nhầm lẫn giữa tài sản và không phải tài sản.

NLĐ khi đã được giao sổ BHXH thì cần quản lý tốt, không nên vì giải quyết những vấn đề trước mắt mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh lâu dài của bản thân. (Nguồn ảnh: Internet)

- Phóng viên: Thưa ông Trần Đình Liệu, có khi nào cơ quan BHXH lại ký vào bản thỏa thuận ba bên nêu trên hay không?

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và Luật An toàn vệ sinh lao động. Tôi có thể khẳng định chắc chắn cơ quan BHXH sẽ không thực hiện các thỏa thuận này.

Đồng quan điểm với ông Trần Đình Liệu trong nhận định về vấn đề này ông Trương Thanh Đức cũng cho biết: Đối với người dân, DN và cả các ngân hàng, họ sẽ được làm tất cả những gì mà pháp luật không duy định nên những gì pháp luật không cấm thì họ cứ làm, còn có hợp lý hay không, có nên hay không và nên xử lý thế nào thì họ có thể sẽ xem xét lại sau. Còn BHXH được vận hành theo quy định của pháp luật, là cơ quan Nhà nước trực thuộc Chính phủ. Vậy nên, đương nhiên, một cơ quan hành chính thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

- Phóng viên: Thưa hai vị khách mời, các ông có lời khuyên hay chỉ dẫn nào cho NLĐ để tự họ có ý thức hơn và không sử dụng sổ BHXH của mình  vào những mục đích phi pháp khác?

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức: NLĐ nên xác định rõ cái gì có thể vay tiêu dùng, những cái đã có bảo đảm thì có thể tận dụng,  còn trường hợp như sổ BHXH, gắn chặt với nhân thân của người tham gia mà NLĐ đem đi thế chấp sẽ dẫn đến những hậu quả xấu trong cuộc sống.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Chính sách BHXH là chính sách an sinh, hướng đến việc bảo vệ quyền lợi an sinh thiết thân cho người tham gia khi yếu thế. Do đó, NLĐ khi đã được giao sổ BHXH thì cần quản lý tốt, không nên đi cầm cố để giải quyết những vấn đề trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh lâu dài của bản thân.

Về trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu để tiếp thu những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để đưa ra những đề xuất hợp lý nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi an sinh cho NLĐ./.

 

TheO BHXH VN