Tăng cường thanh, kiểm tra, hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT

07/04/2017 09:36 AM


Ngày 31/3/2017, BHXH Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Tổ chức Lao động thế giới tại Việt Nam (ILO) tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra BHXH tại Việt Nam”. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, ông Chang-Hee-Lee,Trưởng Văn phòng ILO Việt Nam đồng chủ trì hội thảo cùng sự tham gia của đại diện Bộ Lao động - Thương binh &Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng giới Sử dụng lao động…

 

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra Trần Đức Long (BHXH Việt Nam) đưa ra một số thông tin khái quát về tình hình thực hiện công tác thanh, kiểm tra BHXH. Cụ thể, toàn Ngành BHXH có 1.551 người làm công tác thanh, kiểm tra; 91% số này có trình độ đại học và trên đại học. Trong năm 2016, đã tiến hành 7.578 cuộc thanh, kiểm tra với 13.293 đơn vị; kết quả đã phát hiện 39.445 người lao động chưa tham gia BHXH, đóng thiếu thời gian; 325 người lao động đóng không đúng đối tượng, đóng sai thời gian; 11.628 lao động đóng thiếu mức quy định.

Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra của BHXH Việt Nam cũng nêu ra một số khó khăn: theo đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam có đủ các hình thức sở hữu khác nhau (bao gồm cả nhà nước, tập thể, tư nhân và hỗn hợp), có năng lực tài chính, trình độ tổ chức quản lý còn thấp, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xuất hiện việc doanh nghiệp thành lập nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau, dẫn đến khó khăn, phức tạp trong quá trình thanh, kiểm tra. Sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Từ góc nhìn của Tổ chức lao động quốc tế, ông Chang-Hee-Lee,Trưởng Văn phòng ILO Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan BHXH trong quá trình thanh, kiểm tra việc thực thi Luật BHXH của các doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Điều này đã được cụ thể hoá trong Luật BHXH 2014 của Việt Nam. Trưởng Văn phòng ILO Việt Nam nhận định, với các quốc gia phát triển, trung bình, 01 thanh tra viên chịu trách nhiệm bảo đảm thực thi các quy định cho khoảng 15.000 đến 20.000 người lao động. Tuy nhiên tại Việt Nam, số lượng thanh tra viên đang khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế so với quy mô lực lượng lao động. Năng lực thanh tra viên cũng là yếu tố cần được chú trọng.

Chuyên gia của ILO đưa ra khuyến nghị, bên cạnh việc tăng cường về số lượng, chất lượng thanh tra, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật đến chủ sử dụng lao động, người lao động; tích cực hiện đại hoá công tác quản lý bằng ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế trục lợi BHXH; mở rộng phối hợp và chia sẻ, đồng bộ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan…

Tại hội thảo, các đại biểu lắng nghe ý kiến thảo luận, đề xuất từ đại diện Tổng Liên đoàn Lao động, Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động (thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam -VCCI)…


Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nêu rõ: thanh tra, kiểm tra là một trong những biện pháp bảo đảm hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng của các đơn vị sử dụng lao động. Trên thực tế, hiệu quả thanh, kiểm tra BHXH chưa được như mong muốn; lực lượng thanh tra ngành Lao động Thương binh & Xã hội còn tương đối mỏng; cơ quan BHXH mới thực hiện chức năng thanh tra đóng BHXH từ năm 2016, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Trong bối cảnh đó, những chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị từ ILO là rất cần và thiết thực với BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, những ý kiến thảo luận, đề xuất từ phía các cơ quan liên quan như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Giới sử dụng lao động… sẽ là cơ sở giúp Ngành BHXH khắc phục những hạn chế, tăng cường chất lượng, hiệu quả thanh tra đóng BHXH, dần khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng, qua đó bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT cho người lao động cũng như An sinh xã hội của đất nước./.

Nguồn TC BHXH