Tuyên truyền để người dân có trách nhiệm khi sử dụng BHYT
01/06/2016 01:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 1/6, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương chủ trì cuộc họp với một số Vụ, Ban nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc về công tác tuyên tuyền chính sách BHYT.
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đang là một thách thức đối với ngành BHXH trong việc thực hiện chính sách BHYT nói chung và thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân nói riêng, nhất là trong những tháng đầu năm 2016.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2015- năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT 2014, trong khi số người tham gia BHYT tăng lên thì tỉ lệ lượt KCB so với số người tham gia BHYT lại giảm 25%- 30% so với năm trước. Tuy nhiên, sang đến năm 2016, số lượt KCB cũng như chi phí từ quỹ KCB BHYT bất ngờ tăng mạnh khi 2 quy định bổ sung của Luật BHYT 2014 có hiệu lực. Đó là việc điều chỉnh giá hơn 1.800 dịch vụ y tế (từ 1/3/2016) khi thực hiện thống nhất giá các BV đồng hạng trên toàn quốc và quy định cho phép thông tuyến KCB BHYT tuyến huyện (từ 1/1/2016). Theo đó, người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu ở xã này có thể sang KCB tại xã khác hoặc với những người có địa chỉ KCB ban đầu ở tuyến huyện có thể sang khám ở BV huyện khác trong cùng tỉnh vẫn được coi là đúng tuyến...
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, toàn quốc đã giải quyết chế độ, thanh toán chi phí BHYT cho khoảng 44 triệu lượt KCB, tăng 5% (khoảng 2,8 triệu lượt) so với cùng kỳ năm 2015 với tổng chi phí từ quỹ BHYT là gần 20.000 tỷ đồng. Tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, có nơi bệnh nhân BHYT đến điều trị tăng vọt tới 44%.
Chia sẻ những vướng mắc trong thực hiện chính sách, ông Vũ Xuân Bằng- Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Trong khi nhiều điểm mới quy định trong Luật BHYT 2014 đã có hiệu lực, đến nay nhiều văn bản hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ, và vẫn đang tiếp tục bổ sung, sửa đổi trong quá trình thực hiện. Về mặt kỹ thuật, phần mềm liên thông giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện, BHXH Việt Nam đang triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT, dự kiến đến trước 30/6/2016 mới hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu từ tất cả cơ sở KCB BHYT với cơ quan BHXH trên toàn quốc. Nhờ đó, hệ thống sẽ kiểm soát số lần KCB BHYT của người bệnh, giúp phát hiện những trường hợp khám nhiều lần trong thời gian không hợp lý hay các BV kê kỹ thuật, dịch vụ, chỉ định thuốc cho người bệnh trùng lặp hoặc không hợp lý…
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương, việc nâng cao nhận thức của người dân sử dụng thẻ BHYT vẫn chiếm vị trí rất quan trọng. Đây sẽ là trọng tâm của công tác tuyên truyền trong thời gian tới.
Hoạt động tuyên truyền cần giúp người dân cần ý thức rõ hơn về ý nghĩa của quỹ BHYT- Nguồn quỹ được đóng góp từ chính những người sử dụng thẻ BHYT, chủ SDLĐ và NSNN mang lại lợi ích công bằng cho mọi thành viên tham gia. Mỗi người dân phải có ý thức sử dụng quỹ KCB BHYT “có trách nhiệm”, đảm bảo ý nghĩa cộng đồng của Quỹ thay vì tìm cách “trục lợi” chính nguồn quỹ đang và sẽ đảm bảo sức khỏe cho mình, người thân của mình. Những chế tài cho các hành vi vi phạm cũng cần được phổ biến rộng rãi. Đồng thời, cần nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm thiểu những dịch vụ không cần thiết về thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh do thầy thuốc chỉ định quá mức để thu lợi nhuận, đặc biệt là đối với các trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa…
Đề cập tăng giá hơn 1.800 dịch vụ y tế trong KCB BHYT từ 1/3/2016 theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC, ông Nguyễn Đình Khương cho rằng, bên cạnh áp lực lên nguồn quỹ BHYT, đây là điều kiện tốt để người dân hiểu hơn ý nghĩa của BHYT, tự nguyện tham gia, tránh những “chi phí thảm họa” khi ốm đau…
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương nhấn mạnh: Việc truyền đạt những thông điệp này “thấm” đến người dân luôn là nhiệm vụ thường xuyên, trong công tác tuyên truyền. Thời gian tới, Trung tâm Truyền thông BHXH cần tiếp tục tổ chức các hình thức truyền thông hiệu quả như tổ chức đối thoại, giải đáp trực tuyến trên mạng Internet…; các đơn vị Báo Bảo hiểm xã hội, Tạp chí Bảo hiểm xã hội phát huy sáng tạo, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phản ánh thẳng thắn cả những tiêu cực, hành vi lạm dụng và trục lợi trong thực hiện chính sách ở phía cơ sở KCB, người dân sử dụng thẻ BHYT, hay cơ quan quản lý... Các cơ quan truyền thông cần tận dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, đưa thông tin đến các vùng sâu, xa, cung cấp thông tin qua website, trang tin điện tử, các hoạt động tương tác trên mạng internet…, để tăng hiệu quả tiếp cận thông tin cho người dân.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...