Graphic Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 – 2025
14/08/2024 03:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, trong đó, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước đều phải tham gia theo diện bắt buộc trừ những trường hợp đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo các nhóm bảo hiểm y tế khác.
Để các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về chính sách BHYT HSSV trong năm học 2024 - 2025, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng thông tin như sau:
1. Về mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4, điểm đ khoản 1 Điều 7, điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, phần còn lại cá nhân tự đóng (70%), cụ thể:
Mức đóng: 2.340.000 đồng x 4,5% = 105.300 đồng/người/tháng.
HSSV tự đóng 70% mức đóng: 105.300 đồng x 70% = 73.710 đồng/người/tháng.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng: 105.300 đồng x 30% = 31.590 đồng/người/tháng.
Vì vậy:
- Nếu HSSV đóng 3 tháng một lần, mức đóng BHYT là: 73.710 đồng/người/tháng x 3 tháng = 221.130 đồng.
- Nếu HSSV đóng 6 tháng một lần, mức đóng BHYT là: 73.710 đồng/người/tháng x 6 tháng = 442.260 đồng.
- Nếu HSSV đóng 12 tháng một lần, mức đóng BHYT là: 73.710 đồng/người/tháng x 12 tháng = 884.520 đồng.
2. Về phương thức đóng BHYT HSSV
- Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng Học sinh, sinh viên hoặc cha, mẹ, người giám hộ của HSSV có trách nhiệm đóng BHYT phần thuộc trách nhiệm đóng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
+ Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan trung ương thì do ngân sách trung ương hỗ trợ. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp số thẻ BHYT đã phát hành, số tiền thu của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHYT theo quy định tại khoản 9 Điều này.
+ Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thì ngân sách địa phương, bao gồm cả phần ngân sách trung ương hỗ trợ (nếu có), nơi cơ sở giáo dục đó đặt trụ sở hỗ trợ, không phân biệt hộ khẩu thường trú của học sinh, sinh viên.
Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của HSSV và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHYT theo quy định tại khoản 9 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
3. Về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và thủ tục đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế HSSV
- Học sinh, sinh viên tham gia BHYT được quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc tuyến xã, tuyến huyện và tương đương theo quy định. Các em được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu mỗi quý.
- Học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải xuất trình một trong các giấy tờ sau:
+ Thẻ BHYT còn hạn sử dụng hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và giấy tờ tùy thân có ảnh.
+ Căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VneID điện tử đã tích hợp thông tin thẻ BHYT.
4. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế HSSV
Căn cứ theo các quy định tại Khoản 3 điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Khoản 4 điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2014, những quyền lợi của học sinh sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế gồm có:
- Được cấp BHYT học sinh sinh viên.
- Được lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và được thay đổi bệnh viện.
- Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học hoặc cơ sở y tế theo quy định.
- Được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT.
- Được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng có thể từ 40% đến 100% tùy theo tình trạng và tuyến khám chữa bệnh, cụ thể như sau:
* Khi khám chữa bệnh đúng tuyến:
+ HSSV được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT.
+ Học sinh, sinh viên được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh nếu:
++ Khám chữa bệnh tại tuyến xã (Trạm Y tế xã, phường, thị trấn).
+ +Tổng chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (351.000 đồng).
++ Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (14.040.000 đồng).
* Khi khám chữa bệnh trái tuyến:
+ HSSV được hưởng 40% chi phí trong phạm vi quyền lợi hưởng đến khi điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương.
+ HSSV được hưởng 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi hưởng khi điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh.
+ HSSV được hưởng 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi hưởng khi điều trị ngoại trú, nội trú tại bệnh viện tuyến huyện.
5. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT HSSV
Thời hạn sử dụng thẻ BHYT của HSSV được quy định tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật BHYT, cụ thể như sau:
Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó:
- Đối với học sinh lớp 1: giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm đầu tiên của cấp tiểu học;
- Đối với học sinh lớp 12: thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 9 của năm đó.
Thẻ HSSV được cấp hằng năm cho HSSV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó:
- Đối với HSSV năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;
- Đối với HSSV năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
PT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...