Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phát triển lâm nghiệp đô thị Đà Lạt

23/06/2022 10:19 AM


Việc ứng dụng khoa học lâm nghiệp phát triển đô thị Đà Lạt góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Rừng thông trong nội ô Đà Lạt
Rừng thông trong nội ô Đà Lạt
 
• GIỮ DANH HIỆU “THÀNH PHỐ TRONG RỪNG” 
 
Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Lạt giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa XI (2020-2025) nêu rõ mục tiêu xây dựng Đà Lạt thành đô thị hiện đại, trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm quốc tế gắn với quy hoạch phát triển “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Trong đó nhấn mạnh việc sử dụng đất đai hợp lý, phát triển hạ tầng đô thị hiện đại thông minh, bảo tồn sinh thái; ưu tiên thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục chất lượng cao, khu dân cư cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại; phát triển đô thị Đà Lạt tăng trưởng xanh, bền vững; xây dựng các “làng đô thị xanh”, thí điểm mô hình “nông nghiệp đô thị” gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Từng bước sắp xếp, quy định mật độ và các vùng được xây dựng nhà kính, nhà lưới nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị; đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 53%. 
 
Tỷ lệ cây xanh là một tiêu chí trong xây dựng, quy hoạch đô thị, có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường và cảnh quan thành phố Đà Lạt. Với tốc độ đô thị hóa nhanh trong hơn 1 thập kỷ gần đây thì việc phát triển lâm nghiệp đô thị, sử dụng hiệu quả diện tích dành cho cây xanh trên các tuyến đường giao thông, công viên, cụm dân cư, kênh rạch, suối... để trồng cây với cơ cấu hợp lý, kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo yêu cầu văn hóa cảnh quan, thẩm mỹ, bảo vệ môi trường, giá trị kinh tế là yêu cầu quan trọng đặt ra với một đô thị vốn được mệnh danh là “thành phố trong rừng”. Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng hệ thống các công viên chuyên đề, công viên rừng, công viên thành phố, công viên cảnh quan dọc theo các tuyến mặt nước (hồ, sông, suối) với tổng diện tích 1.320 ha; diện tích các công viên, khu thể dục thể thao 265 ha được phân bố rải rác và gắn kết với cây xanh cảnh quan và không gian mở của toàn đô thị. 
 
Thực hiện Chương trình “Một tỷ cây xanh” của Chính phủ, thành phố Đà Lạt đã triển khai thực hiện kế hoạch trồng 3,8 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, trồng 3 triệu cây xanh trên đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp và 800.000 cây xanh trên đất quy hoạch lâm nghiệp; với mục tiêu đạt bình quân 30 cây xanh trên hộ gia đình nông thôn và 2 cây xanh trên hộ gia đình đô thị. Theo đó, cây xanh trồng trên đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp như dọc 2 bên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị, đường liên xã, trục đường thôn... để tạo cảnh quan đô thị, cảnh quan nông thôn. Ở các khu dân cư, khu sản xuất tập trung, quảng trường, công viên, vườn hoa sẽ được trồng các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây ăn quả.
 
• ĐẨY MẠNH NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP ĐÔ THỊ
 
Lâm Đồng là tỉnh có tiềm năng đa dạng sinh học lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện thống kê được 3.526 loài thực vật rừng, trong đó có 1.545 loài có giá trị tài nguyên. Nhóm loài cây cảnh và bóng mát có 209 loài, chiếm 13,6%, trong đó 52 loài triển vọng cao (mang vẻ đẹp và có sức sống bền bỉ). Tuy nhiên, các loài cây bản địa chưa được khai thác hiệu quả đáp ứng nhu cầu về hoa, cây cảnh của Đà Lạt; có nhiều giống hoa thân gỗ, cây cảnh được nhập từ nước ngoài, được di thực từ các vùng, miền với chi phí lớn, nếu không được kiểm soát về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái cây bản địa. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển lâm nghiệp đô thị và trồng cây cảnh quan môi trường cần được quan tâm đúng mức về vấn đề xây dựng chính sách, quản lý và nhất là yêu cầu kỹ thuật như: chọn loại cây trồng, tiêu chuẩn cây trồng, phương thức trồng, kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ... để đảm bảo chất lượng, hiệu quả bền vững. 
 
Hiện nay, tỉnh vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về nhân giống, khảo nghiệm gây trồng thành cây hoa, cây cảnh quan trên địa bàn tỉnh; chưa xây dựng được vườn vật liệu, vườn sưu tập giống, cung cấp giống tại chỗ. Các nghiên cứu khoa học cũng chưa được hệ thống hóa thành một mối liên kết từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng như: xác định loài cây, xác định vùng phân bố, ảnh hưởng các nhân tố sinh thái đến sinh trưởng loài… Gần đây nhất, Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng đã triển khai nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu khai thác và phát triển nhanh nguồn gen các loài cây có giá trị làm cảnh (cây lá phong, cây đa tử, cây đỗ quyên) phục vụ làm cây trồng đường phố Đà Lạt”, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được giao chủ trì thực hiện đề tài. Đây là bước đi có ý nghĩa lớn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đa dạng sinh học, các loài cây cảnh bản địa phục vụ phát triển lâm nghiệp đô thị, tăng trưởng xanh. 
 
Không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ phát triển lâm nghiệp đô thị Đà Lạt, tăng trưởng xanh, bền vững trong thời gian tới, ngành Khoa học công nghệ Lâm Đồng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau: chọn tạo giống cây trồng đô thị chất lượng tốt, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh. Ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng. Xây dựng kỹ thuật trồng và duy trì cây đô thị, quy hoạch loài cây trồng đô thị, thiết kế cảnh quan cây xanh, bảo tồn đa dạng thực vật đô thị. Với rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng cảnh quan, sẽ nghiên cứu kỹ thuật trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng cấp không gian xanh đô thị, khu du lịch, di tích, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên cảnh quan thiên nhiên để Đà Lạt mãi là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.
 
QUỲNH UY

Báo Lâm Đồng