TĂNG GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ TỪ 1-3: ẢNH HƯỞNG KHÔNG NHIỀU

18/02/2016 04:25 AM


Thay vì tăng giá 1.904 dịch vụ y tế từ tháng 11-2015, nhưng liên Bộ Y tế và Tài chính đã lùi lại, quyết định bắt đầu tăng từ 1-3 tới. Mặc dù Bộ Y tế cho rằng việc tăng giá lần này không ảnh hưởng mấy đến chi phí mà người dân phải trả, nhưng thực tế tính ra thì ít nhiều người bệnh vẫn phải chi trả thêm, dù có bảo hiểm y tế (BHYT). Ngược lại, đối với những người chưa có BHYT thì với lần tăng này chưa bị ảnh hưởng.

Tăng giá dịch vụ y tế từ 1-3: Ảnh hưởng không nhiều

Đăng ký khám bệnh BHYT tại một bệnh viện ở TPHCM

Chưa có BHYT tế: đóng giá cũ

Theo quyết định của Bộ Y tế, từ ngày 1-3-2016, giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá chỉ áp dụng với bệnh nhân có BHYT, người chưa tham gia bảo hiểm được “ưu tiên” đóng mức giá thấp hơn. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Y tế), giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí KCB cho bệnh viện (BV), mà quan trọng hơn cả, nó là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thay mặt người dân thanh toán cho BV. “Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nhưng hiện nay, giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố trực tiếp”, ông Liên cho biết.

Tại hội nghị triển khai thông tư về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới đây, Sở Y tế TPHCM cũng cho biết UBND TPHCM đã có quyết định về vấn đề có liên quan đến việc điều chỉnh mức giá KCB theo hướng tăng của Bộ Y tế đối với 1.904 dịch vụ. Căn cứ quyết định trên, Sở Y tế đã tiến hành phê duyệt giá cho các đơn vị liên quan. Theo đó, các đơn vị đang được nhà nước bao cấp một phần chi phí hoạt động, từ ngày 1-3 sẽ được điều chỉnh mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Tiếp đến, từ 1-7 sẽ tiếp tục điều chỉnh đối với mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ được thực hiện cùng lúc việc điều chỉnh gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1-3.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh trên chỉ áp dụng đối với bệnh nhân có BHYT, người chưa tham gia BHYT vẫn tiếp tục được thanh toán chi phí KCB theo mức giá được duyệt tại Quyết định 17/2014/QĐ-UBND ngày 9-5-2014 của UBND TPHCM. Mức giá này chưa bao gồm chi phí tiền lương và các phụ cấp. Cũng theo Sở Y tế, từ 1-3, người bệnh chưa tham gia BHYT, đang chi trả chi phí dịch vụ KCB ở mức thấp hơn người bệnh có thẻ BHYT. Ví dụ: Tại BV Từ Dũ, nếu bệnh nhân chưa có BHYT vào khám bệnh thì trả 20.000 đồng, còn có BHYT phải trả 39.000 đồng.

Tiến tới… đồng giá

Theo ông Nguyễn Nam Liên, với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, người bệnh nói chung không phải chi trả thêm một chi phí nào mà trước đây chưa câu kết vào giá: “Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn”. Với lộ trình thực hiện điều chỉnh viện phí, nhiều dịch vụ y tế do trước đây mức thu thấp, BV không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, bệnh nhân BHYT sẽ được hưởng bởi chi phí hầu hết do BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đối với người nghèo, chính sách được hưởng lợi là được thanh toán BHYT 100%. Đối với người cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT (hiện đã có 40% có BHYT) và được thanh toán 95% khi đi KCB (chỉ đồng chi trả 5%). Tuy nhiên, đối với người có thẻ BHYT nhưng phải đồng chi trả 20% thì bị ảnh hưởng, phải trả thêm một khoản chi phí khi đi KCB.

Tại hội nghị về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tổ chức mới đây, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng nhà nước đang thực hiện chính sách “bao cấp ngược”. Đó là nhà nước thực hiện thu viện phí với mức giá thấp hơn 20% - 40% so với giá thực tế, đồng nghĩa với việc tất cả mọi đối tượng đều được hưởng lợi, “đánh đồng” giữa mọi đối tượng, không phân biệt giàu - nghèo. Trong khi đó, qua các lần điều chỉnh giá dịch vụ viện phí thì vẫn chưa đáp ứng đủ chi phí cho BV, nhà nước vẫn phải bao cấp một phần. Từ đó, BV công lập không đủ khả năng để tái đầu tư cũng như nâng cao chất lượng KCB…

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, giá dịch vụ y tế công được tính đủ thì sẽ ngang bằng giá dịch vụ từ y tế xã hội hóa, hoặc dịch vụ y tế tư nhân nên không còn tình trạng 2 giá như hiện nay. Điều này tạo sự công bằng cho y tế nhà nước và y tế tư nhân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra liệu khi giá dịch vụ y tế công ngang bằng y tế tư thì người bệnh sẽ lựa chọn dịch vụ y tế nào? Theo các chuyên gia y tế, trong khi cả hai đều được thanh toán BHYT như nhau thì đây quả là một “cuộc chơi” sòng phẳng, góp phần khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích sự phát triển của BV tư nhân, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa BV công và BV tư.

Nguồn: Theo Báo SGGP