Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình bác sĩ gia đình

14/01/2016 02:44 AM


Ngày 12/1/2016, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ gia đình Thế giới GS. Micheal Kidd, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo.

Hoi thao 140116.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trước thách thức sự thay đổi mạnh mẽ của mô hình bệnh tật, vấn đề già hóa dân số và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi hệ thống y tế cơ sở cần được đổi mới để đáp ứng không chỉ với việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và khám chữa bệnh thông thường mà còn phải đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe đối với các bệnh không lây nhiễm. Người bệnh không chỉ được chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế mà còn cần phải được chăm sóc sức khỏe tại gia đình, cộng đồng và được quản lý sức khỏe.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở Việt Nam, trong đó có phát triển mô hình bác sỹ gia đình (BSGĐ). Mô hình BSGĐ đã được giới thiệu lần đầu tiên từ năm 1994. Hiện nay, Việt Nam đã đào tạo được gần 800 bác sỹ chuyên khoa I về y học gia đình và đào tạo nhiều bác sỹ về định hướng y học gia đình. Đã có 240 phòng khám BSGĐ được thành lập và hoạt động có hiệu quả

Hội thảo nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia cũng như các chuyên gia quốc tế trong phát triển mô hình BSGĐ, qua đó xây dựng những giải pháp phù hợp cho sự phát triển hệ thống BSGĐ ở Việt Nam một cách bền vững, góp phần hoàn thiện hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân Việt Nam.

Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là đội ngũ thầy thuốc gần dân nhất. Bác sĩ gia đình biết rõ từng người bệnh và những vấn đề liên quan đến sức khỏe gia đình của họ trên cơ sở xem xét lối sống của bệnh nhân trong cộng đồng. Nếu phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện…Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình hiện đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Hội thảo, GS. Micheal Kidd đã trình bày về mô hình tổ chức của hoạt động y học gia đình ở một số nước trên thế giới như Cu Ba, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Mỹ, Brazil. GS. Micheal Kidd cho rằng, bên cạnh học hỏi, áp dụng mô hình bác sĩ gia đình đã thành công trên thế giới, Việt Nam cũng cần lưu tâm đến các yếu tố riêng về tình hình kinh tế, xã hội, mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được triển khai để nghiên cứu, đưa ra mô hình bác sĩ gia đình hiệu quả, phù hợp nhất.

Theo Kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, ngành Y tế sẽ nhân rộng và phát triển phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn quốc, theo đó, đến hết năm 2016, có ít nhất 20% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phòng khám gia đình, đến hết năm 2017 là 30%; năm 2018 là 50%; năm 2019 là 70% và năm 2020 là 100%.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn