Bảo hiểm hưu trí bổ sung: Hài hòa lợi ích hai bên

16/11/2015 02:20 AM


Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức lấy ý kiến. Trao đổi với PV Báo ĐBND, Phó vụ trưởng Vụ BHXH Trần Hải Nam cho biết, lao động về hưu hiện có mức lương hưu thấp, không đủ để đáp ứng mức sống tối thiểu. Do vậy, để nâng cao điều kiện sống, ngoài mức lương hưu được nhận hằng tháng đã đóng theo BHXH bắt buộc, người lao động cũng có thể có thêm một khoản thu nhập bằng cách tham gia đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Nguồn trợ cấp ổn định, lâu dài

PV: Thưa ông, Dự thảo Nghị định về bảo hiểm hưu trí bổ sung liệu có chồng chéo với Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện của Bộ Tài chính đang xây dựng?

Phó vụ trưởng Vụ BHXH Trần Hải Nam: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH năm 2014; trong đó có việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính xây dựng văn bản là thực hiện nhiệm vụ độc lập theo phân công của Chính phủ. Hai dự thảo này có nội dung quy định khác nhau nên tôi nghĩ không có vấn đề vướng mắc trong thực hiện. Tuy nhiên, tới đây sau khi trình, Chính phủ sẽ cân nhắc việc quyết định thứ tự ban hành hai Nghị định này hoặc có thể ban hành đồng thời cả hai Nghị định.

Tính đến hết tháng 6.2015, cả nước hiện có khoảng 11,2 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ có 2,15 triệu người hưởng lương hưu hằng tháng, với mức bình quân 3,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, trên 790.000 người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương hưu từ ngân sách và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi hưởng lương hưu từ quỹ BHXH.

Về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng trên cơ sở quy định của Luật BHXH năm 2014 về nội dung hưu trí bổ sung. Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc. Trong các quy định thiết kế hưởng, chúng tôi hướng đến việc mang lại khoản trợ cấp ổn định, lâu dài cho người lao động. Mỗi phương án đề xuất lựa chọn đều có điểm mạnh riêng. Do vậy, không thể so sánh nghị định này với nghị định kia, mỗi nghị định có đối tượng áp dụng và mục đích riêng.

PV: Có ý kiến cho rằng việc thực hiện bảo hiểm hưu trí khó thành công bởi hiện khá nhiều doanh nghiệp vẫn đang nợ đọng BHXH nên khó có khả năng đóng thêm khoản tiền này cho người lao động. Quan điểm của ông thế nào?

Phó vụ trưởng Vụ BHXH Trần Hải Nam: Trước khi đưa ra đề xuất bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện khảo sát thu thập ý kiến và nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu về vấn đề này và cũng đã có không ít doanh nghiệp đã triển khai thực hiện, tự tạo lập quỹ hoặc thông qua một số đơn vị quản lý. Tôi nghĩ rằng, sau khi Nghị định này chính thức được ban hành, sẽ tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện việc đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung một cách thống nhất. Đây cũng chính là kênh phát huy được vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người lao động. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhất là dân số đang có xu hướng già hóa.  Khi thực hiện loại hình này, doanh nghiệp cần xác định rằng, điều này mang lại lợi ích cho chính mình trước. Đây là một trong những phương thức, chính sách mà doanh nghiệp có thể sử dụng để thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm. Cùng với đó, loại hình bảo hiểm này cũng góp phần bảo đảm lợi ích của người lao động. Có thể thấy, đây là quan hệ hài hòa lợi ích của cả hai bên. Người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận việc tham gia và mức đóng phù hợp ngay trong biên bản thỏa thuận.

1 cua 161115.jpg

Nguồn: ITN

Chặt chẽ trong lựa chọn nhà quản lý quỹ

PV: Hình thức đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì và vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết, quản lý quỹ này như thế nào, thưa ông?

Phó vụ trưởng Vụ BHXH Trần Hải Nam: Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được đầu tư vào các loại tài sản như: trái phiếu Chính phủ; chứng chỉ quỹ mở trái phiếu; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định... Trong quỹ này, Nhà nước có vai trò quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo đảm quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung hoạt động công khai, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tất nhiên, với chính sách này, người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định lựa chọn các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý quỹ, nên tất nhiên cũng phải chấp nhận các vấn đề rủi ro nếu có.

PV: Như ông nói sẽ có rủi ro xảy ra. Vậy làm sao để người lao động và doanh nghiệp yên tâm khi tham gia?

Phó vụ trưởng Vụ BHXH Trần Hải Nam: Tôi khẳng định, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung này khó có thể phá sản, bởi Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ bằng các quy định, các công cụ và thực hiện giám sát thường xuyên để bảo đảm quỹ sẽ đem lại lợi ích cho người lao động.

Vấn đề là rủi ro ở đây không phải là rủi rõ vỡ quỹ, rủi ro mất hoàn toàn thu nhập mà rủi ro là do doanh nghiệp khi lựa chọn nhà cung cấp quản lý quỹ không phù hợp, uy tín, mức độ tín nhiệm thấp, hoạt động không minh bạch. Nhưng nếu lựa chọn chặt chẽ, sáng suốt và nhà quản lý quỹ đó kinh doanh hiệu quả, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động. Lợi ích mang lại phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư của nhà quản lý quỹ được lựa chọn, chứ không có nghĩa là rủi ro mất hoàn toàn khoản tiền bảo hiểm đã đóng. Dự thảo Nghị định cũng đã quy định rõ, nhà quản lý quỹ không được phép đầu tư vào những lĩnh vực mạo hiểm khi sử dụng quỹ hưu trí bổ sung này. Vừa qua, một công ty quản lý quỹ đã có ý kiến đề nghị cho phép đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, nhưng Bộ vẫn đang cân nhắc nội dung này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, tồn tại dưới dạng các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư, do các định chế tài chính trung gian thực hiện và được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được hình thành trên cơ sở đóng góp của người lao động/hoặc người sử dụng lao động và sẽ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ được Ban điều hành quỹ (gồm đại diện người lao động và chủ lao động) chỉ định.

Theo Báo ĐBND