“Điều chỉnh viện phí - Chất lượng KCB có tăng?”

09/11/2015 02:02 AM


Đó là chủ đề cuộc Tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 6/11/2015 với sự tham gia của các khách mời: Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) và ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng. Trang Thông tin điện tử BHXH Việt Nam xin giới thiệu một số nội dung trao đổi của Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn trong cuộc Tọa đàm.

Toa Dam 091115 01.jpg

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm

Trả lời câu hỏi về mức chi trả hiện nay của cơ quan BHXH đối với người tham gia BHYT cụ thể như thế nào, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn cho biết, về nguyên tắc, cơ quan BHXH sẽ chi trả chi phí BHYT theo quy định của Luật BHYT được Quốc hội thông qua, có một số nhóm dịch vụ như BHYT sẽ chi trả cho một số loại thuốc, vật tư y tế, vật tư thay thế mà chưa được kết cấu trong các dịch vụ kỹ thuật bằng giá mua vào của các cơ sở BHYT, được thực hiện theo pháp luật về đấu thầu.

Đối với dịch vụ thứ hai là tiền khám, tiền ngày giường và tiền các dịch vụ kỹ thuật sẽ được trả theo giá do Liên bộ Y tế-Tài chính ban hành. Lần này, khi Liên Bộ điều chỉnh giá BHYT lên thì tiền công khám, tiền ngày giường và tiền các dịch vụ kỹ thuật quỹ BHYT sẽ trả ngoài mức giá đã được quy định tại Thông tư Liên Bộ số 04/2012/TTLB-BYT-BTC được thực hiện năm 2012, sẽ kết cấu thêm tiền trực và tiền phụ cấp phẫu thuật cho đến hết năm 2015. Từ  1/3/2016 sẽ kết cấu thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế vào và cũng do quỹ BHYT chi trả.

Đề cập đến vấn đề khi viện phí tăng, phần chi trả của cơ quan BHXH cũng sẽ tăng, vậy mức đóng BHYT của người dân có tăng không, ông Phạm Lương Sơn cho biết, khi điều chỉnh giá viện phí thì có hai nhóm người dân chịu ảnh hưởng.

Thứ nhất, nhóm có BHYT: Nhóm có BHYT thì có nhóm không cùng chi trả, đó là những người ưu đãi như người nghèo, dân tộc, người có công… về nguyên lý, phí BHYT vẫn chi trả 100%, có vẻ không có tác động gì nhưng thực tế lại có tác động tích cực. Với giá DVYT được điều chỉnh mới lần này, toàn bộ chi phí trực tiếp phục vụ cho dịch vụ kỹ thuật sẽ được kết cấu đúng đủ vào giá DVYT nên người bệnh, dù đó là người nghèo không phải mua thuốc, vật tư y tế mà trước đó chưa được tính đúng, tính đủ vào theo giá cũ, vẫn được BHYT chi trả 100% nhưng cũng phải mua thêm thuốc và vật tư y tế vì vật tư đó, thuốc đó chưa được kết cấu vào. Do đó sẽ có tác động tích cực.

Đối với nhóm đồng chi trả, mức cao nhất là 20%, có vẻ như số đồng chi trả cao lên, nhưng tổng hòa lại từ việc không phải mua loại thuốc, vật tư y tế đã được kết cấu, so sánh với số tiền phải chi trả thì tổng chi phí tiền túi của người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình sẽ giảm đi.

Thứ hai, với nhóm chưa tham gia: Đợt điều chỉnh này rất thận trọng, có khoảng thời gian vừa đủ, để người dân có thông tin, để họ thấy việc cần thiết phải tham gia BHYT về lợi ích trước mắt và lâu dài.

Về chất lượng, mục tiêu là hướng tới thị trường y tế minh bạch có sự cạnh tranh, chúng tôi kỳ vọng chất lượng y tế phải tăng, có vẻ như nguồn thu từ bệnh viện (BV) có thể không tăng, BV là một thị trường đặc biệt và BV phải cải cách chất lượng về chuyên môn, phục vụ, quản lý. Người bệnh lúc này thực sự là khách hàng của BV.

Lần điều chỉnh giá DVYT này đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Từ năm 2010 đến nay, BHXH Việt Nam đã nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm căn cơ để tạo một nguồn lực tài chính đủ lớn để chuẩn bị cho trả DVYT lần này. Nếu cả phía bệnh viện và người dân tham gia BHYT lần này thì tất cả cơ quan phải quản lý chặt chẽ để căn cơ chi phí dự phòng này cho đến hết năm 2017. Đến năm 2018, khi kết cấu thêm phần khấu hao tài sản cố định và chi phí đào tạo thì điều chỉnh mức đóng. Khi giá DVYT tăng, hướng đến tính đủ 7/7 cấu phần, khi đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các BV công, giữa BV tư và BV công. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, theo thống kê hằng năm, năm 2015 và cả những năm trước đó, cả nước có khoảng 2.500 cơ sở BHYT, trong đó gần 500 cơ sở BHYT ngoài công lập. Số cơ sở y tế ngoài công lập còn khiêm tốn như vậy bởi 2 lý do. Thứ nhất, với bệnh viện tư nhân gần như đã ký hợp đồng với cơ quan BHXH, còn với các phòng khám đa khoa tư nhân, có một số được ký và một số chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng vì khi ký hợp đồng có những ràng buộc để cung cấp những DVYT ban đầu cho người bệnh.

Thứ 2, liên quan tới giá dịch vụ, trước đây, giá dịch vụ của các cơ sở y tế tư nhân cao hơn giá dịch vụ của cơ sở y tế công lập nên khi người bệnh đến đăng ký ban đầu thì các cơ sở này phải niêm yết công khai giá dịch vụ, đặc biệt là phần chênh lệch mà người bệnh phải chi trả cho cơ sở theo quy định. Chính vì vậy, khá nhiều bệnh nhân chưa chọn cơ sở y tế tư nhân. Mặc dù, chất lượng phục vụ của những cơ sở này đang được đánh giá tốt hơn. Ông Phạm Lương Sơn bày tỏ hy vọng, khi xây dựng giá DVYT hướng tới sự công bằng giữa các loại hình y tế  thì y tế tư nhân sẽ tham gia đầy đủ hơn, đông hơn và khi đó sẽ tạo nên thị trường y tế minh bạch, rộng hơn cho người dân lựa chọn.

plSon 091115.jpg

Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn tham gia Tọa đàm

Trả lời câu hỏi, được biết thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ chỉ ký hợp đồng chi trả cho người bệnh có thẻ BHYT với những cơ sở khám chữa bệnh chất lượng (không phân biệt BV công hay tư); BHXH Việt Nam có cơ chế nào để kiểm soát chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế; Ông Phạm Lương Sơn cho biết, đây không chỉ là mong muốn của BHXH mà người dân muốn có cơ sở y tế tốt bao gồm cả chuyên môn, chất lượng dịch vụ và chất lượng quản lý. Ở các nước khác, quỹ BHYT, cơ quan BHXH có quyền lớn là được đặt ra điều kiện, tiêu chuẩn để lựa chọn các cơ sở y tế có chất lượng để ký hợp đồng. Thậm chí ở nhiều nước, họ có những tiêu chí xây dựng cơ sở y tế riêng để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Việt Nam có đặc thù riêng, chúng ta hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua điều chỉnh giá DVYT. Đây không chỉ là chủ trương của ngành BHXH mà là chủ trương của Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế đã khá nhiều lần nói rằng nếu cơ sở y tế nào không đảm bảo chất lượng thì sẽ không được ký với cơ quan BHXH nữa.

Theo ông Phạm Lương Sơn, khi muốn chọn một cơ sở y tế tốt, trước hết phải xác định mục đích phục vụ quyền lợi của người bệnh, làm sao tăng cường kiểm soát để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng tiền mà người dân đóng góp để đảm bảo chất lượng DVYT. Ví dụ, khi giá dịch vụ đã hướng tới tính đúng, tính đủ rồi thì phần bệnh viện dành ra để phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu cơ bản của người bệnh. Ví dụ, một bệnh viện có chỉ tiêu là 100 giường thì 100 giường bệnh đó trước hết phải phục vụ cho giá DVYT mà liên bộ quy định. Còn người bệnh muốn có khu vực dịch vụ cao cấp thì phải minh bạch giữa dịch vụ và giá của Nhà nước.

Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, tham gia cung cấp thông tin và đề xuất từ thực tiễn; Khi quỹ BHYT có khả năng chi trả tốt hơn, quan trọng là nhu cầu người dân thực sự cảm thấy hợp lý thì phạm vi quyền lợi sẽ được bổ sung thông qua bổ sung danh mục. Chúng ta phải lưu ý một quan điểm rất rõ ràng là, tất cả các nước xây dựng danh mục quỹ BHYT đều tính đến điều kiện kinh tế - xã hội của nước đó, tính đến đối tượng đặc thù hướng tới.

Ở Việt Nam, từ danh mục thuốc, danh mục vật tư y tế và DVYT có thể nói không kém gì các nước khác, vấn đề danh mục đó đã được thực hiện theo đúng nghĩa là đảm bảo quyền lợi cho người bệnh chưa? Danh mục thuốc rộng nhưng các BV vẫn kêu thiếu thuốc. Sắp tới cả Bộ Y tế và BHXH sẽ có những cuộc điều tra xem tính khả thi, thực tiễn của những danh mục đó như thế nào để có điều chỉnh cho phù hợp.

Để chất lượng BHYT tăng không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, để nâng cao chất lượng BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho biết, ngành BHXH sẽ phối hợp với ngành y tế đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BH thông qua việc nâng cao chất lượng KCB và khẳng định, quỹ BHYT sẽ chi trả phần tăng giá và đã có bước đi thận trọng để tránh ảnh hưởng cho người dân. Đây là mục tiêu điều chỉnh giá. Nâng cao chất lượng trong thời gian tới sẽ trở thành yếu tố sống còn của các cơ sở y tế.

Trước mắt, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể để có những đề nghị với cơ sở khám bệnh thực hiện những giải pháp đảm bảo chất lượng, trước hết là đảm bảo việc cung cấp chất lượng BHYT ban đầu cho những người có thẻ BHYT theo đúng năng lực, không phân biệt giữa BV công tư, không phân biệt giữa BV Trung ương và địa phương, miễn là đủ chất lượng, đủ số lượng bàn khám thì sẽ được tiếp nhận thẻ đăng ký ban đầu; sẽ thống nhất với ngành y tế và cơ quan BHXH tỉnh về số lượng, cơ cấu đối tượng danh sách bệnh nhân. Đồng thời công khai minh bạch các đối tượng, các hình thức có thể cho người dân được biết để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tiếp theo là rà soát thống kê lại toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn để đảm bảo giá được chính thức đưa vào thực tiễn sẽ đảm bảo được quyền lợi cao nhất cho người bệnh. Người dân không phải chi trả những chi phí mà đáng lẽ họ phải được thụ hưởng.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn