Người dân huyện đảo, xã đảo đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi về BHYT và được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng hơn
20/04/2015 09:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao, thiếu trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, địa phương còn giao khoán cho ngành Y tế… là những hạn chế của đề án “Phát triển Y tế biển, đảo Việt Nam” sau 2 năm thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, sau 2 năm triển khai Đề án “Phát triển Y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”, nhận thức của người dân sinh sống trên các huyện đảo, xã đảo về việc tự bảo vệ sức khỏe được nâng cao. Người dân đã được hưởng thụ chính sách ưu đãi về BHYT và được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng hơn. Đặc biệt, phối hợp giữa ngành Y tế và lực lượng quân dân y ngày càng có hiệu quả trên các lĩnh vực, đặc biệt trên biển và trên các đảo xa bờ, đảo không có cư dân sinh sống thường xuyên, thực sự là chỗ dựa của bà con mỗi khi ra khơi.
Tuy nhiên, khó khăn chung của các địa phương trong việc phát triển y tế biển đảo là thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển. Trong đó, tại nhiều huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Thổ Chu, việc vận chuyển bệnh nhân còn gặp nhiều khó khăn, chi phí cao, thời gian vận chuyển kéo dài. Thời gian qua, lực lượng quân y đã cấp cứu nhiều ca bệnh khó bằng máy bay trực thăng, thủy phi cơ.
Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải, Phó Cục trưởng Cục quân y (Bộ Quốc phòng) cho rằng, vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu, xây dựng phác đồ theo mô hình bệnh tật của người dân sống trên đảo. Đặc biệt là cần có những hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc sơ cấp cứu ban đầu do tai nạn thương tích trên biển và giúp người dân có kiến thức tự bảo vệ bản thân, ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp. Đại diện các bệnh viện cũng cho rằng, Đề án cần phát triển hệ thống chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa với sự hỗ trợ của các công nghệ truyền thông tối tân (hệ thống Telemidicine) để giúp các bệnh viện hội chẩn các ca bệnh khó.
Gần 40% bệnh viện vệ tinh giảm tỷ lệ chuyển tuyến Sau 2 năm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh (BVVT), 14 BV hạt nhân đã chuyển giao 293 lượt kỹ thuật cho gần 1.800 cán bộ thuộc 48 BVVT trên cả nước, trong đó đã chuyển giao hoàn thành 224 kỹ thuật. BVVT là một giải pháp lâu dài nhằm thực hiện Đề án giảm quá tải BV do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong nghiên cứu độc lập của ngành thì có tới 30-60% bệnh nhân điều trị ở các BV tuyến cuối có thể điều trị ở tuyến dưới. Thời gian nằm viện có thể rút ngắn hơn để tránh nhiễm trùng BV. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là người dân chưa thực sự tin tưởng chất lượng khám chữa bệnh ở các BV tuyến dưới, vì vậy, để tạo thói quen để người dân khám chữa bệnh ở tuyến gần nhất có chất lượng cao, Bộ Y tế đã, đang và sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Đến nay, sau 2 năm thực hiện Đề án, một số BVVT đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do BV hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt đối với 5 chuyên khoa là tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản và nhi. Cụ thể, chuyên ngành ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới; chuyên ngành tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật; chuyên ngành ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật; chuyên ngành nhi đã hoàn thành 34 lượt; chuyên ngành sản đã hoàn thành 28 lượt. “Với việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ BV hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các BVVT đã giảm, trong đó 37,5% số BVVT đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Ví dụ, BVĐK tỉnh Ninh Thuận, tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não đã giảm tới 88,46% (năm 2013 là 104 ca, năm 2014 còn 12 ca); tại BVĐK tỉnh Phú Thọ, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật ung bướu tăng lên gần 50% (năm 2013 là 2.876 ca, năm 2014 tăng lên 5.535 ca)… BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện can thiệp tim mạch, mổ tim hở thường quy, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch, v.v… nhờ đó, cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh cấp cứu, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp… Ông Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức, BV hạt nhân về chuyên ngành ngoại-chấn thương, cho biết sau khi chuyển giao kỹ thuật, nhiều BV tỉnh đã thực hiện được một số kỹ thuật cao một cách hiệu quả như mổ máu tụ trong não... Tuy nhiên, Đề án cần lựa chọn kỹ thuật để chuyển giao, chứ không làm tràn lan. Bên cạnh đó, cần khảo sát, đánh giá trước cơ sở vật chất, trang thiết bị của BVVT khi chuyển giao kỹ thuật, tránh tình trạng đào tạo xong nhưng BV lại không có đủ trang thiết bị để thực hiện.
Theo Chinhphu.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Thông báo danh sách các cá nhân đoạt ...
Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm ...
Đà Lạt: Tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm với 250 doanh ...
Lạc Dương phát động ra quân tuyên truyền vận động người dân ...
Cuộc thi “Tìm hiểu chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y ...