Những thân phận ly hương tìm việc ngày Tết

04/02/2015 01:38 AM


Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Tết cổ truyền, không ít người từ các vùng quê xa lặng lẽ tìm đến TP.HCM kiếm việc làm thêm trong dịp Tết.

Cả tuần nay, ông Phong, một thầu xây dựng ở quận 9 đứng ngồi không yên vì nhiều thợ hồ lành nghề bỏ về quê, không chịu trở lại TP.HCM làm việc. Cuối năm, ông nhận tân trang nhiều công trình nhà ở, công việc ngồn ngộn nhưng không “bói” đâu ra người làm: “Tui lỡ nhận bốn căn nhà, không đủ thợ nên khó giao nhà cho người ta ăn tết đúng hẹn". Để giao nhà đúng hẹn, ông đành cầu cứu mấy chỗ khác hỗ trợ thì họ cũng đang gặp khó về nhân sự. Cuối cùng, phải nhờ người ra bến xe, nhà ga, đi các tỉnh để tìm người, trả mức lương cao, lo chỗ ăn, ở. Ông Dũng, thầu xây dựng ở Gò Vấp đang nhận sơn sửa cho một căn nhà trong hẻm 45/3 Nhiêu Tứ (phường 7, quận Phú Nhuận) cho biết do thiếu nhân công nên ông tuyển và sẵn sàng trả 320.000 đồng/ngày (cao hơn ngày thường 20.000 đồng) cho những người lành nghề. Cuối tuần còn chiêu đãi một bữa nhậu ra trò để giữ chân thợ đến cận tết. “Vậy mà cứ tầm 20 tháng chạp, nhiều người vẫn xin nghỉ để về quê nên nhiều lúc phải nhận bừa người vào làm cho kịp”, ông Dũng nói.

Hữu (25 tuổi, quê Bình Thuận) là một trong số 10 người ông Phong tuyển được ở… bến xe miền Đông. Cuối năm, Hữu tranh thủ vào Sài Gòn tìm việc làm, sát tết mới về quê để vợ con có chút tiền sắm sửa như người ta. Anh chưa từng trét bột, lăn sơn, cầm bay trộn hồ (vữa) nên ông chủ phải đích thân chỉ vẽ từng chút một. Làm phụ hồ với mức lương 220.000 đồng/ngày được khoảng một tuần, nhờ chăm chỉ, chịu khó nên sau một tuần thì Hữu được đưa lên làm thợ phụ, nhận tiền công nhật 270.000 đồng/ngày: “Ở quê em, thợ giỏi ngày thường cũng chỉ được trả 200.000 đồng, công việc bữa có bữa không. Thôi thì ráng vài bữa, ra giêng không phải lo tiền đóng học phí cho mấy đứa nhỏ". Tại một số trung tâm giới thiệu việc làm, càng giáp Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông càng nhiều nên sinh viên, công nhân không về quê ăn Tết và lao động các vùng quê lên TP.HCM đến tìm việc khá nhiều. Các công việc chủ yếu là thời vụ như bán hàng, giao hàng, công nhân xây dựng (thợ hồ), giúp việc nhà, giữ xe, bảo vệ… với mức lương cao hơn ngày thường 10-20%. Do làm việc bán thời gian, ngắn hạn nên tiền công trả theo giờ hoặc ngày tuỳ vị trí mỗi công việc.

Chút ấm áp nơi xứ người

Chị Tuyến (46 tuổi, quê Bến Tre, trọ tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) kể: "Chủ nhà hợp đồng và thanh toán trực tiếp với bà chủ. Cuối tuần, bà chủ cộng sổ rồi trả lương cho mình. Chủ nhà thường không biết người đến giúp việc nên phải làm việc lúc họ có nhà, thời gian chủ yếu vào buổi chiều, tối, có lúc kéo dài đến khuya, xong việc thì về. Nhiều chủ nhà ban đầu sợ mình có tật “táy máy” nên cũng giám sát chặt lắm. Sau này thấy mình thật thà, làm việc đâu ra đấy nên quý mến, nhiều chủ nhà lì xì, “bo” thêm tiền, thậm chí đem cho một số đồ đạc cũ thải ra. Có người còn nhiệt tình giới thiệu mình cho bạn bè, người quen. “Mới đây, một chủ nhà ở quận 1 còn mời mình về giúp việc nhà mấy ngày tết và hứa sẽ trả lương rất hậu nhưng mình chưa nhận lời vì năm nay không muốn đón tết xa nhà”.

Tết Giáp Ngọ, chị Tuyến nhận lời lên giữ nhà cho gia đình một người quen để họ yên tâm đi du lịch Hàn Quốc mà không phải lo đầu năm đạo chích viếng thăm. Chỉ trông nhà hai tuần, thù lao chị nhận được bằng ba tháng lương giúp việc. Đồ ăn, thức uống đã có sẵn trong tủ lạnh, đói thì lấy ra dùng, không cần động tay vào việc gì. “Họ rất tử tế, trước khi đi còn mua hai bộ đồ mới cho tôi mặc tết, có củ kiệu, bánh chưng, kẹo mứt đầy đủ. Buồn thì tôi cứ gọi điện về nhà, miễn là đừng gọi quá nhiều. Ai cũng bảo tôi sướng nhưng có trong hoàn cảnh của tôi mới hiểu. Cả ngày câm lặng, quanh quẩn giữa bốn bức tường như người tù, hết ăn rồi lại ngủ, không có ai bên cạnh bầu bạn. Mấy ngày tết trôi qua thật nặng nề, khủng khiếp”, chị Tuyến nhớ lại.  Đối với những người đơn thân, góa bụa, không còn người thân, giúp việc ngày tết là những khoảnh khắc ấm áp của sự đoàn viên, dù bên cạnh là những người xa lạ. Ở cùng xóm trọ với chị Tuyến có bà Hai đã luống tuổi, không chồng con, quanh năm đi làm thuê, làm mướn ở quê, đến tết lại lên giúp việc nhà cho một người cùng quê thành đạt ở Sài Gòn. Bà Hai tâm sự ngày thường làm việc đầu tắt mặt tối, không để ý. Sợ nhất là những ngày tết rảnh rỗi, đi ra đi vào, thấy gia đình người ta sum họp lại chạnh lòng. Mấy ngày đầu xuân, nhà nào cũng có khách khứa thăm viếng chúc tết, ăn uống linh đình, chén đĩa nhiều lúc rửa không kịp, bù lại không còn thời gian thừa thãi để suy nghĩ mông lung. Đôi lúc, những vị khách hào phóng còn gọi bà tới để lì xì lấy hên đầu năm. Số tiền không đáng là bao nhưng bà cảm thấy ấm áp.

Gặt lúa thuê kiếm tiền tiêu Tết

Cuối năm, nhiều người nghèo ở miền Tây, chủ yếu là người Khmer di chuyển lên TP.HCM để gặt lúa thuê, đây là nguồn thu nhập chính mà họ cố kiếm để trang trải cho những ngày Tết. Từ khoảng tháng 10, 11 Âm lịch, những người lao động ở huyện Trà Ôn - tỉnh Vĩnh Long lại di chuyển lên thành phố để làm nghề gặt lúa thuê.

Họ gồm cả thanh niên, phụ nữ và những người lớn tuổi. Những người lao động di cư này là người Khmer ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long... do không có ruộng đất nên quanh năm di chuyển sang những vùng đất mới để làm thuê. Hiện tại, những ruộng lúa ở quận 2, TPHCM đang chín rộ thu hút nhiều người đến gặt thuê. Chị Tô Thắm, một phụ nữ Khmer ở Sóc Trăng tâm sự: "Dưới quê không có việc làm nên mỗi năm cứ gần đến Tết, tôi cùng chồng con và anh em trong xóm lại lên thành phố để gặt thuê đế kiếm chút tiền về tiêu".

Mỗi người sẽ được chia những phần việc khác nhau, buổi sáng chị Thắm cùng các chị em khác ra ruộng sớm để gặt lúa rồi gom thành từng đống.  Sau đó cánh đàn ông gom bỏ vào máy tuốt lúa rồi vác từng bao tải đưa lên bờ cho xe chở về. Những năm gần đây, máy móc đã phổ biến trong việc gặt hái nên các  chủ ruộng ít thuê nhân công gặt lúa. Chỉ có một số ruộng lúa bị ngập nước, máy móc không xuống được thì mới thuê người gặt. Những tháng trong năm, họ đi làm thuê cho những vựa lúa lớn ở miền Tây, từ tỉnh này sang tỉnh khác suốt một rẻo đồng bằng trù phú Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang...

Họ ăn uống, sinh hoạt tạm bợ trên những cánh đồng. Không như miền Tây, đất đai ở thành phố kém màu mỡ nên lúa không đạt năng suất cao. Anh Thiệp, ngụ ở Sóc Trăng cho biết: “Năm nay lúa không trúng mùa nên thu nhập của chúng tôi cũng thấp hơn. Nhưng dù ít hay nhiều thì nhờ gặt lúa thuê mà gia đình tôi cũng có một cái Tết ấm no”. Ông Ba, 65 tuổi cho biết: "Đi làm thuê xa nhà trong thời gian dài nên chúng tôi thuê chung căn nhà nhỏ, rồi chia thành từng phòng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Nhiều gia đình mang theo con cái khiến việc học hành của chúng bê trễ, đứt đoạn".

Người Khmer có tính cộng đồng và giúp đỡ nhau nên khi nhóm nào làm xong trước thì sẽ phụ nhóm còn lại cho xong rồi về nghỉ sớm. Mỗi ngày thu nhập của một thợ gặt khoảng 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 1 đến 2 tháng và thường đến 27, 28 tháng chạp họ mới khăn gói về quê. Công việc tuy vất vả nhưng họ hài lòng với công sức mình bỏ ra: “Kiếm được chút thu nhập đến Tết mua sắm ít đồ đạc, trang trí nhà cửa những ngày xuân khiến chúng tôi vui ", chị Tô Thắm chia sẻ. Cánh đồng lúa này thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. HCM (ngay sát chân cầu Phú Mỹ). Khu vực này hiện vẫn còn nhiều đất bỏ không, đầm lầy hoang hóa những người dân nghèo miền Tây di cư lên đây tận dụng trồng trọt để kiếm sống. Địa thế đất đai không thuận lợi nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, thời điểm gieo giống vào khoảng tháng 6 và thu hoạch vào cuối năm. Nguồn nước sản xuất từ sông Sài Gòn đổ về có lượng phù sa thấp, nên năng suất lúa cũng không cao.

Theo 24h.com.vn, NLĐO