Viên chức vẫn thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp

25/10/2013 09:20 AM


Theo chương trình nghị sự, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII chiều ngày 21/10/2013, Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này.

 

Theo Báo cáo, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành việc chuyển nội dung chính sách BH thất nghiệp từ Luật BHXH sang Luật Việc làm. Nhiều ý kiến cho rằng không nên mở rộng áp dụng BH thất nghiệp đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động vì chưa phù hợp với năng lực quản lý của các cơ quan, tổ chức trong thời điểm hiện nay, có thể dẫn tới mất cân đối Quỹ BH thất nghiệp.


Pháp luật hiện hành cho phép các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia BH thất nghiệp đối với NLĐ có hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Có ý kiến cho rằng viên chức là đối tượng rất ít khi bị thất nghiệp, do đó đề nghị không nên quy định viên chức phải tham gia BH thất nghiệp hoặc cần có chính sách để sau khi về hưu họ được hưởng một khoản trợ cấp từ Quỹ BH thất nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi theo nguyên tắc đóng – hưởng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 2, Luật Viên chức quy định viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng tham gia BH thất nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2012, tổng số viên chức thuộc khu vực sự nghiệp công có khoảng 1,792 triệu người, trong đó, số viên chức đóng BH thất nghiệp là 1,783 triệu người, chiếm khoảng 21,36% tổng số NLĐ tham gia BH thất nghiệp.

Cho ý kiến về dự án Luật Việc làm, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị chú trọng lồng ghép các quy định về bình đẳng giới và ưu tiên người khuyết tật vào luật này. “Luật cũng đã có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, nhưng bao nhiêu là “nhiều”? Cần quy định rõ tỷ lệ”, bà Phương nói.

Tán thành cao quy định ưu đãi cho vay vốn đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, song đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị mở rộng ưu đãi cho cả những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Bày tỏ sự không hài lòng về ý kiến đề nghị không giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề vì dễ xảy ra tình trạng lợi dụng, không chính xác trong đánh giá, gây lãng phí; các đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) phản biện khá gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Pha nói: Suy nghĩ này thể hiện tư tưởng độc quyền nhà nước cũng như sự thiếu hiểu biết về tổ chức chính trị xã hội”. Theo ông, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, các hiệp hội và đoàn thể đã góp phần đào tạo hàng vạn công nhân, hàng triệu nông dân, nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động trên cả nước; không đủ căn cứ để nói “giao cho tổ chức này thì dễ bị lợi dụng”? Pháp luật hiện hành cũng đã cho phép các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ hoặc doanh nghiệp có đủ điều kiện được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề...

Ngày mai, 22/10, Quốc hội sẽ UBTVQH báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); nghe Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 và báo cáo về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng