Nâng mức hưởng BHYT
06/05/2014 08:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nâng mức hưởng của người nghèo, người dân tộc thiểu số từ 95% lên 100%; người cận nghèo từ 80% lên 95%; thân nhân người có công từ 80% lên 95%. Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp vào tháng 5 này.
Thêm nhiều đối tượng hưởng lợi
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết so với Luật BHYT hiện hành, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT (dự thảo) có nhiều quy định mở tạo điều kiện cho người tham gia BHYT. Đó là nâng mức hưởng của đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số từ 95% lên 100%; người cận nghèo từ 80% lên 95%; thân nhân người có công từ 80% lên 95%, một nhóm người (cha mẹ, vợ, chồng, con liệt sĩ) được nâng lên 100%... Người bệnh có tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ bản và có thời gian tham gia BHYT trên 5 năm liên tiếp thì quỹ BHYT chi trả 100%.
Bệnh nhân tai nạn giao thông sẽ được quỹ BHYT thanh toán mà không cần xác minh có vi phạm luật giao thông hay không. Trong ảnh: Bệnh nhân tai nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)
Theo bà Hương, quy định này tạo điều kiện tốt đối với những trường hợp điều trị bệnh mạn tính với chi phí lớn. Một trong những điểm mới nữa là mở rộng phạm vi thanh toán đối với mổ chỉnh thị mắt lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thanh toán 100% như các loại bệnh khác.
Bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Khoa Mắt trẻ em của Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết hiện BHYT không thanh toán cho điều trị mổ lác vì cho rằng mổ điều trị lệch trục nhãn cầu, chỉnh thị là mổ thẩm mỹ. Quan niệm này hoàn toàn sai vì lác là bệnh lý, nếu không mổ để điều chỉnh thì sẽ có nguy cơ nhược thị, rối loạn thị giác, thậm chí mù lòa. Chi phí điều trị lác cho mỗi trẻ khoảng 3-4 triệu đồng nhưng vì đây là bệnh lý không gây ảnh hưởng tức thời, nhiều gia đình khó khăn đành chấp nhận cảnh “lườm rau gắp thịt” đến cuối đời. Ngoài ra, việc đưa các bệnh về mắt của trẻ dưới 6 tuổi vào danh mục thanh toán BHYT sẽ không chỉ giúp đỡ một cá nhân mà còn có ý nghĩa xã hội lớn bởi tỉ lệ trẻ em bị các tật khúc xạ lên đến gần 40%, trong khi các bệnh này được điều trị càng sớm càng tránh được nguy cơ mù lòa.
Nhắm tới mục đích nhân văn
Bà Hương cho rằng dự thảo cũng mở đối với mọi bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) cho dù có vi phạm luật hay không. TNGT thường không xảy ra ở địa bàn người dân cư trú hoặc xảy ra trong đêm, không có người làm chứng dẫn đến tình trạng rất khó xác định người đó có vi phạm Luật An toàn giao thông hay không, trong khi thực tế quỹ BHYT vẫn phải thanh toán mà còn tốn kém rất nhiều công sức, công văn giấy tờ để điều tra. Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, dự thảo mở rộng phạm vi thanh toán cho mọi đối tượng bị TNGT.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam, việc điều tra ai vi phạm pháp luật trong các vụ TNGT khá khó khăn. Thậm chí, điều tra ra cũng không đòi người bệnh hoàn được tiền họ đã được chi trả. Trong khi đó, bệnh nhân bị TNGT không vi phạm luật lại bị phiền hà vì thủ tục hành chính. Khi đã vào viện thì việc cứu chữa con người là quan trọng nhất, không nên vì họ sai mà phân biệt đối xử. Không chỉ người vi phạm luật giao thông mà cả người tự tử, đánh nhau… đã vào viện thì không thể chăm chăm đi tìm nguyên nhân mà phải tạo điều kiện tốt nhất để cứu chữa cho họ. “Dự thảo nhắm tới mục đích nhân văn đó” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho biết mỗi năm quỹ BHYT chi trả khoảng 200 - 300 tỉ đồng cho các trường hợp khám chữa bệnh do TNGT. Nếu dự thảo được thông qua thì quỹ BHYT sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng.
Dự thảo cũng quy định trường hợp tự tử, tự gây thương tích và chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra sẽ được thanh toán BHYT; trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến sẽ bị thu hẹp quyền lợi, trong đó giảm mức thanh toán BHYT cho bệnh nhân ngoại trú ở tuyến trung ương từ 30% xuống còn 20%...
Bắt buộc tham gia
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, điểm nổi bật của dự thảo này là quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT. Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, thu nhập cao, không tham gia và không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược”, đó là chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT. Bắt buộc tham gia BHYT đồng nghĩa với việc người dân khi ốm đau đều được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải chịu rủi ro về mặt tài chính.
Theo Ngọc Dung (Báo Lao động)
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...