Mỏi mắt tìm lao động xuất khẩu làm nông nghiệp
14/03/2014 09:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiếm nghề nào đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) có mức lương 1.000 - 1.500 USD mà người tuyển dụng phải đi tới tận nơi… tìm lao động như nghề nông nghiệp. Nghịch lý này thể hiện những định hướng trong việc nâng cao chất lượng nhân lực trong ngành này.
Đi khắp nơi tìm lao động
Đó là chia sẻ mà ông Nguyễn Phú Toản - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (OLECO) nói về việc tuyển tu nghiệp sinh (TNS) đi học, thực tập nghề nông nghiệp tại Israel năm 2014. Năm nay, Công ty OLECO dự kiến tuyển khoảng 300 TNS (trên tổng số chỉ tiêu khoảng 1.000 TNS Việt Nam mà Israel sẽ tiếp nhận trong năm 2014). Để tìm được số lao động này, từ cuối tháng 12/2013 tới tháng 2/2014, ông Toản đã phải đi tới hầu hết các khoa nông, lâm, thủy sản của các trường ĐH-CĐ trong cả nước, trong đó có khu vực miền Trung, Tây Nguyên rồi vòng lên Tây Bắc, công ty sẽ nhận hồ sơ từ 1-20/3. Lý giải cho hoạt động này, ông Toản chia sẻ: “Chương trình đưa TNS đi học tập trong ngành nông nghiệp ở Israel được Bộ NNPTNT triển khai từ 2008. Điểm đặc biệt của chương trình này là chỉ tuyển sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng khối ngành nông lâm, hoặc đang là sinh viên đại học khối này. Các em đi học về sẽ góp phần xây dựng nông nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là ràng buộc để tránh tình trạng lao động bỏ trốn. Vì thế, phải tìm đúng người”.
Thực tế, dù đã khá dụng công nhưnng năm 2013, OLECO chỉ nhận được 300-350 hồ sơ dự tuyển TNS ngành nông nghiệp đúng yêu cầu. Theo ông Toản, số hồ sơ của lao động nông nghiệp tự do, lao động hệ trung cấp nộp cũng khá lớn bởi mức lương khá hấp dẫn 100.000 đồng/giờ làm việc. TNS làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần (1 ngày đi học) là đã có thu nhập khoảng 16-18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số này đều bị loại. Nhờ những cuộc “đi dạo” của ông Toản, nhiều lao động ở khu vực vùng núi xa xôi cũng có cơ hội tiếp cận với chương trình này. Trần Tuy Hòa (dân tộc Mường, quê Yên Lập, Phú Thọ), TNS từng làm việc tại thành phố Ashquelon, miền Trung Israel trở về Việt Nam cuối tháng 9/2013 cho biết: “Em đến với chương trình TNS này khá tình cờ qua thông tin của nhà trường. Thời gian học chỉ 11 tháng nhưng em đã được tiếp cận và thực hành ở nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới nên kiến thức cập nhật tốt. Sau 11 tháng thực tập, em khá tự tin với kiến thức về marketing trong nông nghiệp và dự kiến thi vào Tổ chức Tầm nhìn thế giới".
Ngoài OLECO, một số trung tâm đào tạo nông nghiệp của Israel, thông qua Đại sứ quán Israel đã làm việc trực tiếp với các trường ĐH nông lâm, các sở NNPTNT trực tiếp tuyển TNS. Vì thế, số lượng TNS Việt Nam đi làm nông nghiệp ở Israel là khá lớn- dù chưa có thống kê chính thức.
Cơ hội cho lao động nghèo
Cũng là một cách tìm người, ngày 23/3 tới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) sẽ tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn dành riêng cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành nông nghiệp. Ông Phan Văn Minh - Giám đốc trung tâm cho biết, kỳ thi này dành cho những lao động đã đăng ký và nộp lệ phí kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính (EPS-Topik) vào tháng 8/2012, nhưng chưa thi do Chương trình EPS (Chương trình cấp phép lao động mới của Hàn Quốc) tạm dừng. Đây là những đối tượng lao động huyện nghèo, đăng ký đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các lao động này đều được hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, định hướng… theo Quyết định 71/TTg. Trước đó, Chương trình EPS thường dành khá nhiều chỉ tiêu tuyển dụng lao động ngành nông, lâm, ngư cho Việt Nam. Chẳng hạn năm 2011 có 1.300 chỉ tiêu ngành ngư nghiệp, năm 2012 có 2.000 chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp.
Israel từng nhận 1.000 lao động nông nghiệp thông qua các công ty XKLĐ như GMAS, Hoàng Long, TTLC, Vinamoto... Nhưng hiện tại, chương trình này đã tạm dừng vì nhiều lý do. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh- Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, để hạn chế tình trạng người lao động bỏ hợp đồng để chuyển sang làm việc bất hợp pháp trong các ngành công nghiệp, Cục yêu cầu lao động dự tuyển đi làm việc trong các ngành nghề nông nghiệp phải là nông dân, cư trú dài hạn tại 63 huyện nghèo; lao động đi làm ở ngành ngư nghiệp phải đang làm nghề đánh bắt hải sản và cư trú dài hạn tại các xã, phường ven biển.
Với quy định này, sau kỳ kiểm tra tiếng Hàn ngày 23/3, nhiều lao động huyện nghèo sẽ có cơ hội xuất cảnh làm nghề nông ở đất nước Hàn Quốc. Bộ LĐTBXH hy vọng số lao động này trở về sẽ làm thay đổi thói quen canh tác lạc hậu ở các huyện nghèo. Các hợp đồng TNS đi làm việc ngành nông nghiệp ở Nhật Bản thì rộng cửa hơn cho lao động tự do. Và hiện có khá nhiều công ty XKLĐ đang có đơn hàng đưa lao động đi Nhật. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Dịch vụ Toàn Cầu (GMAS) tổ chức tuyển 60 lao động nữ đi trồng nấm, trồng nho, trồng cà chua… với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, hợp đồng làm việc 3 năm. Anh Hồ Văn Tuyến, lao động huyện nghèo ở Hướng Hóa (Quảng Trị) từng đi làm việc ngành nông nghiệp tại Nhật Bản cho biết: “Đó là cơ hội tuyệt vời để học hỏi nghề nông, hiện tôi cũng đang cố gắng đầu tư làm nông nghiệp bài bản theo cách của người Nhật”.
Theo NLĐO
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...