Hồ sơ dự thi ĐH, CĐ 2013 giảm: Bóng ma thất nghiệp
08/05/2013 07:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hồ sơ đăng ký dự thi giảm mạnh là ghi nhận rõ nhất ngay sau khi các Sở GD&ĐT phía Bắc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ cho các trường mùa tuyển sinh 2013. Hôm nay 7-5 các tỉnh phía Nam tiếp tục bàn giao hồ sơ dự thi cho các trường tại TP.HCM. Số lượng hồ sơ giảm mạnh cho thấy điều gì? Có phải nhiều thí sinh đã biết kinh "bóng ma thất nghiệp”?
Nộp hồ sơ dự thi ĐH,CĐ
Thất nghiệp ám ảnh
Xem trường hợp lượng hồ sơ của tỉnh Thanh Hóa mùa tuyển sinh này sẽ rõ. Nạn thất nghiệp khi ra trường đang là nỗi ám ảnh có thật với nhiều thí sinh. Đây là địa phương nhiều năm nay luôn giữ kỷ lục về lượng lớn hồ sơ đăng ký dự thi, cũng là tỉnh đang có gần 25 ngàn học viên, sinh viên (SV) ra trường chưa có việc, trong đó trên ĐH có 45 học viên, ĐH có 5.674 SV, CĐ có 6.845 SV, TCCN có 6.003 học viên, còn lại là CĐ nghề và trung cấp nghề.
Năm nay Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận trên 62.000 bộ hồ sơ là đã giảm tới 16.000 hồ sơ so với năm trước. Số hồ sơ giảm có tính kỷ lục. Lãnh đạo Sở thừa nhận đây là đợt giảm lượng hồ sơ nhiều nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân do tình trạng hàng chục nghìn học viên, SV ở Thanh Hoá tốt nghiệp hiện chưa có việc làm khiến học sinh (HS) cân nhắc hơn trong việc thi đại học, cao đẳng.
Hơn ai hết, thầy trò Thanh Hóa nắm rõ các ngành có đông SV thất nghiệp nhất ở địa phương này. Dẫn đầu là Sư phạm: 3.762 SV, tiếp là Công nghệ Thông tin: 3.650 SV, rồi kinh tế, quản trị kinh doanh, nông lâm ngư nghiệp… Phần đông SV thất nghiệp ở các vùng quê như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, có từ 2 ngàn đến ngót 3 ngàn em. Các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Quan Sơn…, mỗi huyện cũng có trên một nghìn SV thất nghiệp.
Đó là chưa kể tỉnh này 10 năm qua còn gần 2 ngàn HS tham gia học diện cử tuyển. Gần 1.260 SV đã tốt nghiệp mà chỉ hơn 500 SV có việc làm. "Ngành thuế Thanh Hóa mới đây chỉ lấy 54 chỉ tiêu mà hơn một nghìn hồ sơ đủ điều kiện dự thi, hàng trăm bằng loại giỏi” - Phó Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Thanh Hóa Nguyễn Văn Long cho biết. "Điều đau lòng là do thừa quá nhiều khiến những năm gần đây, HS không dám đăng ký thi sư phạm, dẫn đến việc chúng ta bỏ qua nhiều HS có trình độ giỏi” - ông Long nhấn mạnh.
Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính mới đây cũng công bố: Trong vòng 4 năm tới, số SV tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.
Trường đói SV, SV khát việc
Con số thống kê ban đầu của bộ phận tiếp nhận hồ sơ dành cho thí sinh tự do thuộc Văn phòng đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM cho biết: Kết thúc thời gian tiếp nhận hồ sơ, điểm này tiếp nhận 35.137 bộ hồ sơ, giảm gần 30% so với mùa trước.
Trở lại với số lượng hồ sơ dự thi các Sở GD&ĐT phía Bắc vừa tiến hành bàn giao cho các trường, nhìn chung tỉnh nào có lượng thí sinh nộp hồ sơ đông thì lượng hồ sơ cũng giảm mạnh so với 2012. Thái Bình thu trên 43.000 bộ, giảm hơn 5.000 bộ. Hải Phòng khoảng gần 34.400 bộ hồ sơ, giảm 4.000 bộ. Nam Định, Hưng Yên đều giảm như vậy. Hà Nội, Quảng Trị, Phú Thọ lượng hồ sơ cũng giảm khoảng 2.000 bộ. Hoà Bình, Quảng Ninh cũng giảm khoảng 1.000 bộ.
Đại diện nhiều Sở GD&ĐT lý giải đó là nhờ phân luồng, tư vấn tốt trước mùa thi. Có người lý giải lệ phí dự thi năm nay tăng 80.000 đồng lên 105.000 đồng/ bộ nên thí sinh sợ tốn kém tránh nộp hồ sơ ảo. Tuy nhiên có nên quá lạc quan với mức hồ sơ giảm năm nay, khi hơn 500 trường ĐH, CĐ cả nước cùng với rất nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập đều đói SV, hàng triệu SV tốt nghiệp yếu kỹ năng, khát việc làm?
Có xua được bóng ma thất nghiệp?
Lối giảng dạy cũ rích cả ở CĐ, ĐH là thầy giảng, trò chép toàn những kiến thức chết cứng trong sách để rồi nhai lại cho được các lý thuyết ấy trong các bài thi để có bằng tốt nghiệp, đang tiếp tục là lý do để bằng cấp mất giá.
Phương pháp giảng dạy có tính áp đặt khiến SV buộc phải học để đối phó với thi, kiểm tra, nên mất hứng thú và mất tính tự giác. Lối đào tạo "hình ống” (vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, hầu như không đào thải) cũng khiến chất lượng bằng cấp ĐH, CĐ khó tin cậy.
Đáng mừng chăng là bóng ma thất nghiệp đã khiến giới trẻ biết lo hơn về nghề nghiệp tương lai. Thí sinh trước ngưỡng cửa mùa thi đã bắt đầu tỉnh ra, biết thương thân. Còn các nhà quản lý, chừng nào mới kết nối được giữa quy hoạch phát triển nhân lực với cơ chế, chính sách tuyển sinh theo ngành và theo vùng lãnh thổ, mới phối hợp giữa cơ quan Trung ương với các địa phương trong đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực?
Công luận đang trông chờ Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp do Bộ G&ĐT xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 tới. Liệu có xua được bóng ma thất nghiệp?
Nguồn Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...