Xu hướng thất nghiệp... tích cực của giới trẻ
16/04/2013 03:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với người lao động, thất nghiệp luôn đi kèm với nhiều nỗi lo. Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại cho rằng thất nghiệp cũng có thể trở thành một cơ hội để đổi mới bản thân theo hướng tích cực.
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Để có thể tìm việc thành công trong thời buổi kinh tế khó khăn, một số bạn trẻ hường xuyên tham dự những lớp học, hội thảo để hoàn thiện những kỹ năng bản thân còn khiếm khuyết. Đó là những điều mà khi quá bận rộn với công việc họ đã không thực hiện được.
Từ buông xuôi...
Từ ngày hay tin mình vào danh sách “đen” của công ty cuối năm 2012, T.Trí (27 tuổi, Quản lý dự án của một tập đoàn nước ngoài) trở nên bần thần: “Từng đạt thành tích xuất sắc suốt thời đi học, vào công ty cũng được tin tưởng giao những trọng trách đáng kể nên hai chữ “thất nghiệp” chưa bao giờ nằm trong từ điển của tôi”.
V.Thanh (25 tuổi, Quận 3, TPHCM) tốt nghiệp cử nhân gây mê hồi sức và có khoảng thời gian dài công tác ở một số bệnh viện, trung tâm y tế trong TP. Do đây là chuyên ngành bị gia đình ép học nên việc đến nơi làm mỗi ngày đối với V.Thanh là cực hình: “Tôi uể oải và không thể tập trung, hiệu quả công việc theo đó bị ảnh hưởng. Lúc đầu chỉ là thái độ không hài lòng từ cấp trên, sau đó các nơi đều lần lượt cho tôi thôi việc. Dẫu biết là chuyện sớm muộn nhưng tôi vẫn hoang mang, lo lắng nhiều”.
Nộp đơn vào hàng chục công ty lớn nhỏ để rồi thất vọng khi nhiều tháng sau vẫn chưa được nơi nào tuyển dụng, H.Lê (24 tuổi, Quận Tân Bình, TPHCM) không giấu được vẻ bức xúc: “Tôi giỏi ngoại ngữ, ngoại hình ổn, tốt nghiệp đại học hẳn hoi và có kinh nghiệm làm việc ở một tờ tạp chí. Vậy tại sao một số nơi không gọi, những chỗ khác phỏng vấn nhưng sau đó bặt vô âm tín?”.
... đến chớp cơ hội đổi mới chính mình
Sau khoảng thời gian dài “lặn” khỏi mọi cuộc vui của bạn bè cũ, V.Thanh khiến ai nấy ngạc nhiên ngày gặp lại. Không còn vẻ mệt mỏi trên gương mặt, V.Thanh năng động và tự tin hẳn. V.Thanh cho biết trong thời gian thất nghiệp, bạn tranh thủ đi học thêm kiến thức về truyền thông (lĩnh vực bạn yêu thích từ thời phổ thông) và cộng tác với một vài dự án để tích lũy kinh nghiệm. Làm đúng đam mê, V.Thanh trở nên lạc quan, gặt hái được ít nhiều thành công và hiện đang là nhân viên của một tập đoàn truyền thông lớn. Nhìn lại, V.Thanh chia sẻ: “Nếu ngày đó công việc suôn sẻ thì tôi sẽ khó có cơ hội đi theo ngành nghề mà mình thật sự yêu thích. Thất nghiệp đôi khi giúp chúng ta dứt khoát hơn với đam mê của mình. Tuy nhiên, đừng nên quá quan tâm đến cách mọi người nhìn vào khi bạn thất nghiệp để từ đó tâm lý tiêu cực phát sinh”.
Còn với T.Trí, trong thời gian nộp đơn và chờ hồi âm từ các nhà tuyển dụng khác, T.Trí dần nhận ra nhiều lỗ hổng trong kiến thức cũng như mối quan hệ xã hội của bản thân: “Tôi dành nhiều thời gian hơn để ăn cơm cùng gia đình, bạn gái và đi du lịch, đọc sách... những điều trước đó tôi không đủ can đảm bứt ra khỏi guồng công việc để tận hưởng”. Tương tự, H.Lê sau khi đầu quân vào một tập đoàn mỹ phẩm thì được nhiều anh chị chia sẻ do kinh tế khó khăn, vì thế các công ty hiện có chính sách hạn chế tuyển mới nhân viên: “Do đó tôi biết được rằng đôi khi việc mình thất nghiệp là do yếu tố cung - cầu của thị trường chứ không chỉ vì năng lực của bản thân”.
Dưới góc nhìn của một chủ doanh nghiệp, bà Thùy Liên (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Prosales) nhận định: “Thất nghiệp, trong một chừng mực nào đó, giúp chúng ta ngừng dòng xoáy công việc để nhìn lại và hiểu rõ hơn về bản thân. Bên cạnh đó, thất nghiệp cũng giúp chúng ta có thời gian cảm nhận, khám phá cuộc sống, cảm thấy đau để rồi từ đó bừng tỉnh và vươn lên”. Còn với ông Trần Hùng Thiện (Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM, nguyên Phó Tổng Giám đốc AC Nielsen Việt Nam): “Rất nhiều người, nhiều sách dạy về cách phỏng vấn xin việc thành công, nhưng ít ai dạy cách chia tay một công việc như thế nào. Sa thải nhân viên là một điều không ai muốn và phải có những nguyên do nghiêm trọng (có thể từ khó khăn của công ty hoặc vấn đề của chính nhân viên). Vì vậy, người trẻ không nên nghĩ quá tiêu cực khi chẳng may bị đưa vào danh sách đen".
Đứng từ góc độ chuyên môn, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long (giảng viên CĐ Sư phạm T.Ư TPHCM) cho rằng việc xoay chuyển thất nghiệp sang góc nhìn tích cực sẽ không dễ dàng: “Bởi thất nghiệp đồng nghĩa mất thu nhập, mất mối quan hệ, mất thể diện... Nhưng thay vì mãi ngồi than thân trách phận vô ích, nên chăng người trẻ cần nhìn vào sự thật để tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng lạc quan. Bên cạnh sự nỗ lực của chính cá nhân thất nghiệp, ông cũng nhấn mạnh vai trò hỗ trợ, động viên của người thân, gia đình để các cá nhân trên chóng thoát khỏi trạng thái bi quan, tự ti. Tôi có người bạn bị đưa vào danh sách giảm biên chế do anh chỉ chăm làm mà không chịu cập nhật kiến thức mới. Anh trở nên nóng nảy và xích mích triền miên với vợ. Gia đình anh đã kiên nhẫn giải thích và động viên anh đi học một số tín chỉ chuyên môn. Hiện anh đã kiếm được công việc mới. Anh thừa nhận thông qua khoảng thời gian thất nghiệp, anh đã học được nhiều điều”.
Theo VTC News
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...