Những ngành học đón đầu thị trường lao động
05/04/2013 09:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện đang bước vào mùa cao điểm tư vấn tuyển sinh. Làm sao để lựa chọn ngành, nghề phù hợp năng lực, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cao luôn là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Trước tình trạng sức nóng của khối ngành kinh tế đã hạ nhiệt, sư phạm, kỹ thuật chưa lấy lại phong độ thì các ngành học mới, với khả năng đón đầu thị trường lao động cao chính là ưu tiên hàng đầu của thí sinh.
Sức hút từ ngành mới
Mặc dù đã bước vào mùa tuyển sinh thứ hai nhưng ngành kỹ thuật hạt nhân vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều thí sinh. Theo học ngành này, SV có thể chọn một trong 2 chuyên ngành đào tạo là kỹ thuật năng lượng hạt nhân và kỹ thuật hạt nhân ứng dụng. Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các nhà máy điện hạt nhân hoặc công tác trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, thăm dò khoáng sản, dầu khí, kiểm tra và xử lý thực phẩm, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế…
Trong đó, chỉ tính riêng đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước cần hơn 2.500 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử. Do đó, ngay từ bây giờ, tất cả SV năm cuối chọn đề tài tốt nghiệp liên quan đến công nghệ lò phản ứng đều được Bộ GD-ĐT cam kết được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận vào làm việc. Năm 2013, cả nước có 6 đơn vị đào tạo chuyên ngành này bao gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội, ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH-CN) với hơn 350 chỉ tiêu đào tạo 2 khối A, A1.
An toàn thông tin cũng là một trong những ngành mới được “khai sinh” trong mùa tuyển sinh 2013, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Cùng với sự phát triển vượt bậc của mạng máy tính và công nghệ truyền thông, vấn đề an ninh mạng đã và đang đặt ra nhu cầu nhân lực vô cùng cấp bách. Tốt nghiệp chuyên ngành này, SV có thể đảm trách vai trò chuyên viên thiết kế và đảm bảo an ninh cho các hệ thống mạng máy tính, truyền thông trong các cơ quan, công ty, trường học hoặc cán bộ nghiên cứu và ứng dụng an ninh mạng, bảo mật thông tin tại các viện, trung tâm nghiên cứu.
Hiện chỉ có 3 đơn vị đào tạo chuyên ngành này gồm Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG TPHCM và ĐH FPT. Trong đó, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) tuyển 40 chỉ tiêu thí sinh thuộc diện tuyển thẳng hoặc có điểm thi ĐH từ 20 điểm trở lên (đối với các ngành không nhân hệ số) hoặc 26 điểm trở lên (đối với các ngành nhân hệ số 2 đối với môn toán) vào lớp kỹ sư tài năng chương trình này.
Ngành môi trường lên ngôi
Trong vòng 5 năm trở lại đây, tình trạng thiếu hụt lao động ở các ngành khoa học môi trường ngày càng trầm trọng, nhân lực đã qua đào tạo bài bản không nhiều. Một số đơn vị phải tuyển dụng người từ các ngành khác sang làm việc nên hiệu quả chưa như mong đợi. Nắm bắt nhu cầu đó, năm nay, hàng loạt trường mở thêm ngành đào tạo này bao gồm: ĐH Bách khoa TPHCM (160 chỉ tiêu), ĐH KHTN TPHCM (150 chỉ tiêu), ĐH Công nghiệp TPHCM (350 chỉ tiêu), ĐH Nông Lâm TPHCM (120 chỉ tiêu), ĐH Sài Gòn (150 chỉ tiêu), ĐH Tôn Đức Thắng (100 chỉ tiêu), ĐH Kỹ thuật - Công nghệ TPHCM (200 chỉ tiêu), ĐH Lâm nghiệp (100 chỉ tiêu), ĐH Khoa học (70 chỉ tiêu)… Ngoài ra, nhiều trường ĐH vùng, ĐH địa phương khác như ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH Đồng Nai, ĐH Đồng Tháp, ĐH Tây Nguyên, ĐH Thủ Dầu Một cũng dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh ngành kỹ thuật môi trường.
Sinh viên khoa Môi trường Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mai Hải
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho biết, tài nguyên - môi trường hiện là một trong số 10 nhóm ngành, nghề được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển nhất ở Việt Nam. Trong đó, số lao động hiện đang công tác trong toàn ngành là 50.000 người. Nhu cầu nhân lực trong thời gian tới là rất lớn, ước tính cần bổ sung thêm 45.000 cán bộ công chức và 30.000 lao động trong giai đoạn 2011- 2015, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực khai thác đất đai, tài nguyên nước, khí tượng - thủy văn, đo đạc bản đồ và địa chất khoáng sản.
Rộng cửa với ngành công tác xã hội
Ở Việt Nam, công tác xã hội (CTXH) là ngành học bắt đầu được đưa vào giảng dạy từ năm 2005. Từ đó đến nay, Bộ GD-ĐT đã cấp phép cho hơn 20 trường ĐH, CĐ trên cả nước đào tạo ngành này. Tuy không phải là ngành mới nhưng nhu cầu nhân lực hiện vẫn khá cao, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020” với mục tiêu đào tạo mới 60.000 cán bộ, đào tạo lại 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang công tác ở các cơ quan, đoàn thể địa phương. TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TPHCM, cho biết sắp tới, mỗi xã/phường sẽ có một nhân viên chuyên trách CTXH. Do đó, cơ hội việc làm ngành này rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực phục hồi nhân phẩm, trấn áp tệ nạn xã hội, nghiên cứu phát triển cộng đồng.
Năm nay, ĐH Lao động-Xã hội cơ sở phía Bắc tuyển 404 chỉ tiêu ngành CTXH, chi nhánh TPHCM tuyển 90 chỉ tiêu, ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển 100 chỉ tiêu, ĐH Công đoàn 250 chỉ tiêu, ĐH Khoa học 100 chỉ tiêu, ĐH KHXH-NV Hà Nội 78 chỉ tiêu, ĐH KHXH-NV TPHCM 70 chỉ tiêu, ĐH Hải Phòng, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Mở TPHCM, Học viện Báo chí tuyên truyền mỗi nơi tuyển từ 50-70 chỉ tiêu…
Theo Báo SGGP
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...